Bình Ngô Đại Cáo - Phân tích đoạn mở đầu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Xunahan, 24 Tháng năm 2021.

  1. Xunahan

    Bài viết:
    69
    Bình Ngô Đại Cáo - Phân tích đoạn mở đầu

    Đối với mỗi quốc gia không có gì quan trọng hơn chủ quyền lãnh thổ. Người ta vẫn nói nước Việt ta từ thuở sơ khai tới nay có ba bản tuyên ngôn độc lập, một là "Nam quốc sơn hà" (tương truyền của Lý Thường Kiệt), một là "Tuyên ngôn độc lập" của Bác và cuối cùng là "Bình ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Dù không phải là một văn bản hành chính nhưng nội dung của bài cáo lại vô cùng gãy gọn, nó không chỉ chỉ ra tội ác của giặc mà còn thể hiện rõ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. Trong các yếu tố làm nên tinh thần ấy của bài thơ thì lý tưởng nhân nghĩa sâu sắc nhân nghĩa là một yếu tố quan trọng, tinh thần đó được tái hiện sắc nét trong đoạn mở đầu:

    "Từng nghe:

    Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;

    Như nước Đại Việt ta từ trước,

    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,

    Núi sông bờ cỏi đã chia,

    Phong tục Bắc Nam cũng khác;

    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;

    Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,

    Song hào kiệt thời nào cũng có.

    Cho nên:

    Lưu Cung tham công nên thất bại;

    Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;

    Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

    Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

    Việc xưa xem xét, chứng cứ còn ghi."

    Nho giáo cho rằng "nhân nghĩa" là quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong cộng đồng. Nhận xét về tư tưởng của Nguyễn Trãi, Đinh Gia Khánh từng viết "tư tưởng nhân nghĩa này không mơ hồ, nó gắn chặt với chủ nghĩa yêu nước". Theo Nguyễn Trãi thì "nhân nghĩa" nên đi kèm với "yên dân", nghĩa là làm cho dân được sống yên lành, hạnh phúc. Ông cũng đã nêu luôn ra cách để có thể thực hiện lý tưởng nhân nghĩa đó – phải "trừ bạo", phải loại bỏ những cái tàn độc đang cướp đi tự do, no ấm của người dân.

    Với hoàn cảnh cụ thể lúc đó thì việc "trừ bạo" này phải gắn với tiêu diệt giặc Minh. Nói về sự chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã dõng dạc tuyên bố chủ quyền đất nước, cái mà con dân đất Việt đang từng bước giành lấy chính là tấc đất bờ sông mà cha ông họ đã dùng biết bao nhiêu xương máu để đổi lấy.

    "Như nước Đại Việt ta từ trước

    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu"

    Tác giả nhấn mạnh nền văn hiến đất Việt có "đã lâu", cho tới hôm nay nền văn hiến đó đã trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử rồi. "Núi sông bờ cõi đã chia", người Việt cũng đã gây dựng những phong tục riêng tạo ra nét khác biệt từ Bắc vào Nam. Sự tồn tại của nước ta chính là một chân lý, giống như Trung Quốc dân tộc ta cũng có những triều đại, cũng có những anh hùng:

    "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương"

    Dù nước ta là một nước nhỏ, các thời đại cũng "mạnh yếu từng lúc khác nhau" nhưng "hào kiệt đời nào cũng có", sự tồn tại của họ chính là minh chứng cho sự bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia:

    "Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

    Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã"

    Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã đều từng là niềm tự hào của Trung Quốc về những vị tướng cầm quân, vó ngựa Trung Hoa cũng đã từng quét qua bao nhiêu lãnh thổ, vậy nhưng đứng trước trái tim sục sôi tinh thần yêu nước của những người dân đất Việt, chúng đều đã gục xuống. Nguyễn Khoa Điềm sau này từng viết "không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm nên Đất Nước", các "hào kiệt" đã ngã xuống dù thế nào cũng vẫn sẽ được người đời sau ghi nhớ công ơn.

    "Nhân nghĩa" mà Nguyên Trãi nhắc đến không phải chỉ là một lời tuyên cáo sáo rỗng, ông cùng nghĩa quân Lam Sơn đã cùng chung ý chí mà từng bước xây dựng nên lý tưởng đúng đắn ấy. Bọn giặc Minh đã lấy chiêu bài "diệt Hồ phù Trần" để sang xâm lược nước ta, nhưng bằng việc chỉ ra những tội ác của giặc, Nguyễn Trãi đã vạch trần bộ mặt xảo trá của chúng:

    "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"

    "Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội

    Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi".

    Từ đó để ta thấy rằng "quân điếu phạt trước lo trừ bạo" chính là trừ bỏ lũ giặc độc địa, tàn bạo:

    "Ngẫm thù lớn há đội trời chung

    Căm giặc nước thề không cùng sống"

    Đi từ lý thuyết tới thực tế, nghĩa quân không quản ngày đêm ra sức chiến đấu giành lại tự do, giành lại non sông của chính mình:

    "Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới

    Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào"

    Khi tinh thần yêu nước dâng cao mọi người dân đều là anh em một nhà cùng nhau góp sức, sự chia ngọt sẻ bùi - "bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" trong quãng thời gian đầy gian khổ đó đã vô tình trở thành một sợi dây bền chặt gắn kết mọi người với nhau, để sau này khi hòa bình lập lại việc xây dựng "nhân nghĩa" sẽ dễ dàng hơn.

    Bằng sức mạnh nhân nghĩa "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo", nghĩa quân đã có được những thành công vang dội:

    "Đánh một trận, sạch không kình ngạc

    Đánh hai trận, tan tác chim muông"

    "Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đồi,

    Ảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ"

    Nhân nghĩa thắng hung tàn trước giờ chính là một chân lý, bằng sự tin tưởng tuyệt đối vào "nhân nghĩa" mà bản thân theo đuổi Nguyễn Trãi cùng nghĩa quân Lam Sơn đã giành lại được thành quả xứng đáng với những hy sinh của mình:

    "Xã tắc từ đây vững bền

    Giang sơn từ đây đổi mới

    Càn khôn bĩ rồi lại thái

    Nhật nguyệt hối rồi lại minh

    Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu

    Muôn thuở nền thái bình vững chắc"

    Ai cũng biết nhân nghĩa là cái đáng được tôn thờ, nhưng định nghĩa rõ ràng về nhân nghĩa thì không phải ai cũng biết. Nguyễn Trãi ngay từ đầu đã xác định rõ đâu là lý tưởng về sự "nhân nghĩa" mà mình theo đuổi rồi từng bước thực hiện nó. Bài cáo giống như sự tường thuật lại quá trình đi tìm kiếm và thực hiện lý tưởng nhân nghĩa của tác giả. Ông chỉ ra "nhân nghĩa" là "yên dân", muốn "yên dân" thì phải "trừ bạo". "Bạo" qua quá trình phân tích đã chỉ rõ ra chính là bè lũ quân Minh, rồi sau đó vượt qua những khó khăn, nhiều trận đánh nhỏ gộp thành một trận đánh lớn, cuối cùng quân giặc cũng bị đuổi ra khỏi bờ cõi. Khi quân giặc không còn có thể hoành hành, khi minh quân lên ngôi trị nước an dân thật hợp lý, vậy thì lý tưởng về "nhân nghĩa" ban đầu kia sẽ rất tự nhiên mà được gầy dựng.

    Như ta đã nói "Bình Ngô đại cáo" có thể nói chính là một áng văn thiên cổ khẳng định sự độc lập, tự chủ và quá trình giữ lấy sự tự do đó của dân tộc ta. Tư tưởng nhân nghĩa lấy dân làm gốc của Nguyễn Trãi trải qua hàng trăm năm vẫn mang lại những ảnh hưởng nhất định cho văn chương và cả chính trị. Tố Hữu từng viết "Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu/ Tiếng gươm khua, tiếng kêu xé lòng", mỗi con chữ tuôn ra từ đầu bút của Nguyễn Trãi đều có sự cân nhắc cùng tâm huyết dồn nén. Lý tưởng về nhân nghĩa của ông cũng như vậy, tùy vào từng thời đại, khác nhau mà tư duy ấy trở nên linh hoạt, vận dụng sao cho không phụ sự kì vọng của các bậc tiền nhân chính là một phần trách nhiệm của thế hệ hôm nay.
     
    Last edited by a moderator: 29 Tháng ba 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...