Bí quyết ôn thi đại học chắc chắn đạt ít nhất 25 điểm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Zero, 1 Tháng sáu 2018.

  1. Zero The Very Important Personal

    Bài viết:
    147
    Chào em, hi vọng cái tít anh vừa giật có thể khiến em đọc hết bài viết này ^^, anh không biết tất cả mọi thứ nhưng anh biết những gì anh viết dưới đây sẽ thay đổi hoàn toàn cách mà em ôn thi để vào đại học, qua đó tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống của em.

    Anh tham gia kì thi THPTQG năm 2015 và hiện anh đang là sinh viên đại học Ngoại Thương Hà Nội. Đồng thời, anh cũng làm tư vấn cho thầy giáo dạy môn hóa đó là thầy Lê Đăng Khương. Anh chọn làm việc với thầy một phần là để cảm ơn thầy vì nhờ có bộ đề của thầy giúp anh cải thiện tốc độ làm bài bằng phưng pháp 30 giây và phương pháp sơ đồ tư duy giúp anh ôn tập lý thuyết, thầy truyền cho anh niềm tin rằng anh có thể đạt 8 điểm thông qua bộ đề 8 điểm, một phần là thích thú với quan điểm và cách làm việc của thầy, nhất là công việc tư vấn của anh được hậu thuẫn bằng một mục đích giúp đỡ học sinh hết mình. Trong quá trình làm tư vấn, anh rất hạnh phúc vì được giúp các em học sinh cảm thấy mất động lực, phương hướng, không biết cách học trong khi kì thi đang ngày càng đến gần, giúp các em vượt qua, tiến thẳng đến đại học với một sự tự tin cao và niềm tin sắt đá rằng mình CHẮC CHẮN có thể đỗ đại học. Nhưng anh cũng không khỏi lo lắng, vì nhiều em như vậy quá, sao các em giống anh thời điểm này năm trước quá, mà anh cứ tư vấn 1-1 thì không thể giúp hết các em, trong khi quỹ thời gian của anh ngày càng hạn hẹp. Nên anh quyết định viết bài viết này để cung cấp cho em toàn bộ niềm tin, chiến lược tổng thể, đầy đủ nhất để em có thể tự tin ôn thi và đỗ đại học một cách ngoạn mục nhất. Dù xuất phát điểm của em là gì, 13 điểm, 15 điểm hay 20 điểm, anh sẽ giúp em có hướng ôn thi hiệu quả để đạt ít nhất 25 điểm trong kì thi sắp tới. Hãy tin anh, anh viết bài viết này bằng tất cả tình cảm, sự lo toan, sự tự tin, và bằng sự thấu hiểu sâu sắc đối với em. Hãy đón nhận và rút kinh nghiệm từ nó ngay nhé, không chần chừ, không có ngày mai nào nữa, hãy bắt đầu NGAY BÂY GIỜ.

    Đầu tiên, anh xin sơ qua về tình hình của anh một năm trước, có thể em sẽ thấy mình trong câu chuyện của anh, vậy thì rất tốt, khi có sự đồng cảm, em sẽ học tốt hơn. Anh thi thử lần một vào đầu tháng 1, được 17 điểm. Nhưng điểm số không quan trọng, cái quan trọng là anh không biết làm thế nào để tăng được điểm số của mình lên, không có hướng nào cả. Nhà trường bắt học thêm 5 buổi chiều 1 tuần, việc đó càng làm anh mệt mỏi hơn vì kiến thức thu được quá ít mà lại tốn quá nhiều thời gian. Anh cảm thấy hầu hết các buổi học thêm anh đi học, đều không giúp anh tăng điểm của mình, không hiệu quả, chán nản, thất vọng, mệt mỏi, đó thực sự là cảm giác của anh 1 năm về trước.

    Em đã từng có cảm giác là 1 tuần đã trôi qua mà mình không thực sự học thêm được một điều gì hay nên bắt đầu từ đâu chưa? Hoặc là học đến phần sau, quên luôn phần trước, không nhớ những thứ quan trọng, và thường xuyên phải thất vọng? Anh cũng vậy thôi. Học thêm quá nhiều đến mức không kịp ôn lại và về nhà không đủ thời gian để học, em có gặp trường hợp như vậy không? Tệ hại hơn, anh thực sự bị mất phương hướng và sợ hãi rằng mình sẽ không thể đỗ được. Anh nghĩ "Ôi! Khó quá! Sao ôn thi vào cấp 3 thì ít kiến thức vậy mà thi đại học lại quá nhiều thế này? Mình không làm được, mình không làm được", điều đó cứ văng vẳng trong đầu anh và khiến anh lo sợ, anh chỉ ước rằng mình không phải đối mặt với kì thi này, ước rằng mình đã chăm chỉ hơn. Anh cảm thấy

    Mình thật nhỏ bé và yếu đuối. Anh biết rằng mình cần thay đổi điều gì đó, nhưng không biết cái điều gì đó ấy là gì..

    Nếu em thực sự tìm thấy bản thân mình trong câu chuyện của anh, thì việc đọc những dòng tiếp theo sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống của em, anh hứa với em như vậy.

    CÁI NGÀY EM BUỘC PHẢI THAY ĐỔI..

    Một hôm đi học thêm, trong giờ hóa, cô giáo có gọi anh lên bảng làm bài, cùng một bạn khác. Bạn ấy làm dễ dàng và được 10. Còn anh, chật vật 1 lúc cũng ra, nhưng lại bị sai ở một phương trình nào đó trong hệ phương trình 3 ẩn. Anh không có điểm. Khi cô giáo ghi vào sổ điểm, cô nói nhẩm một câu khiến anh nhớ mãi: "Diễn không biết phải làm thế nào nhỉ?". Em đã từng nghĩ mình tệ hại đến mức người ta không biết phải làm sao với em chưa? Dù có làm gì, dạy gì cũng không tiến bộ? Về chỗ ngồi, anh chỉ biết cắm mặt khóc, anh cảm thấy lòng đầy uất ức và cũng đau đớn như có con dao cắt từng miếng thịt của mình ra vậy. Ngay hôm đó, anh viết thư cho cô giáo dạy Vật Lý mà anh từng học thêm – hai cô trò rất quý mến nhau, để chia sẻ suy nghĩ, tâm sự của anh và anh hứa với cô anh sẽ đỗ Đại học Ngoại Thương, anh viết "Em nhất định phải đỗ đại học Ngoại Thương". Bây giờ nhìn lại anh cũng không tin nổi sao lúc ấy mình điên thế, mình trẻ trâu thế, máu thế. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, giờ anh đã là sinh viên FTU. Lúc ấy anh chưa được 6 điểm một môn, lúc thi anh đã đạt 9 toán, 8 lý, 8, 25 hóa. Và chính thức bước chân vào ngôi trường Ngoại Thương mà anh ngưỡng mộ. Anh kể câu chuyện này không phải để khoe khoang với em, anh chỉ muốn trao cho em một niềm tin mãnh liệt rằng em cũng có thể làm được và còn làm tốt hơn cả anh nữa, em có thể đỗ đại học, em có thể chứng tỏ năng lực của mình. Tin rằng mình làm được – đó là bước đầu tiên anh cần em nhận thức

    Trước khi tiến tới việc ôn thi nghiêm túc. Nào, có thể lúc này em đã có sự thay đổi trong suy nghĩ rồi đấy, bước tiếp theo anh em ta cùng tìm hiểu LÀM CÁCH NÀO để đạt được điểm số như mong muốn nhé.

    MÔN TOÁN:

    Thực sự anh không thể giấu nổi niềm tự hào khi được 9 toán thi đại học, đó là một điểm số đáng mơ ước đối với nhiều người, và đặc biệt hơn đối với anh khi mà suốt những năm đi học thêm anh chỉ là hạng lẹt đẹt vớ vẩn trong lớp, chuyên chép bài tập của bạn bè và khi làm bài phải mở sách xem lại cách trình bày mới may ra làm được một bài cẩn thận. Anh sẽ truyền hết bí quyết thượng thừa này cho em nhé. Đầu tiên, anh nhận thấy trong toán có một quy tắc gọi là 7 +2. Tức là 7 điểm dễ, và 2 điểm khó hơn cả, em có thể xem trong File Exel anh làm kèm để có quan sát tổng thể hơn nhé. Quan điểm của anh

    Thế này: Mình đang ôn thi đại học, mà lại không còn nhiều thời gian, nên sẽ ôn đủ để được 9 điểm đại học.

    Thế nào là đủ để được 9 điểm đại học?

    7 câu đầu tiên là những phần rất dễ và không bao giờ chạm đến phần tư duy khó nhằn mà ta quen nói là nghĩ mãi không ra. Em có thể để ý khi đi học thêm thầy cô sẽ dạy em hết một chuyên đề từ dễ đến khó, thậm chí một chuyên đề dễ như số phức hay logarit cũng ra những câu cực kì khó. Thực ra những câu như vậy không bao giờ thi. Những phần của lớp 12 là những phần dành cho học sinh thi tốt nghiệp, không phải ở mức dễ mà là ở mức độ cực dễ, và từ điểm 6, 5 trở xuống hầu như em chỉ cần học rất nhẹ nhàng, nói đúng ra là những câu đơn giản được lấy làm ví dụ trong sách giáo khoa thôi. Ví dụ logarit, lượng giác chỉ học hết công thức và luyện tập cách trình bày nhuần nhuyễn với những bài tập dễ đó là đủ. Hay tích phân chỉ học đổi biến và từng phần là xong, khỏi động đến những cái phức tạp tình bày hết cả hai trang giấy vẫn chưa xong, những cái đó không thể đem ra đánh đố học sinh thi tốt nghiệp được, vì vậy nó dễ, ít nhất là trong năm 2016 này. Vì sao lại học thế?

    Học thế có rủi ro không? Sở dĩ anh khuyên em học đơn giản những phần lấy 7 điểm là để tiết kiệm thời gian, vì nội dung của toán rất nhiều, điểm chia ra từng 0, 5 một nên để học hết các chuyên đề em sẽ phải tốn một lượng thời gian rất lớn, thi xong mới học hết mất. Anh muốn em phải chắc chắn rằng mình được trọn vẹn 7 điểm đó, vì thế em cần học đủ các chuyên đề, nhưng đừng học khó đến nỗi em phải vắt óc để hiểu, việc đó thật sự mất thời gian.

    Chỉ sau khi chắc chắn về 7 điểm đầu tiên em mới sẵn sang học đến 2 điểm tiếp theo. Anh bắt đầu học 2 điểm này từ đầu tháng 5. Anh có kinh nghiệm như sau:

    Đối với câu hình phẳng Oxy, em cần học những tính chất nổi bật đối với các loại hình như vuông, tròn, thoi, bình hành, chữ nhật và các loại đường thẳng, tia như phân giác, trung trực, đường cao, trung tuyến. Các tính chất hình học chính là điểm mấu chốt trong việc giải bài toán, và thường thì phải học trước. Nhưng theo anh thấy vào thi em sẽ không trúng tính chất mình đã học (nếu em như anh, không có nhiều thời gian để học được hết các tính chất). Việc học hình phẳng theo cách trên giúp em 2 điều, thứ nhất là nó rèn cho em kỹ năng giải hình phẳng, điều này là quan trọng để em có thể làm trơn tru bài toán khi đã có tư duy giải cụ thể, không bị mất điểm. Thứ hai là em sẽ rèn được tư duy giải hình phẳng bằng việc nhìn hình, dự đoán tính chất, đặt câu hỏi Phải bắt đầu từ đâu? Yêu cầu này có thể được giải quyết theo những cách nào? Một cách linh hoạt. Tư duy ấy chỉ có làm nhiều và chịu khó tìm hiểu tại sao em có thể làm được theo hướng như vậy trong lúc giải thì em mới hình thành được, và em hãy học bằng tư duy, vì lẽ dĩ nhiên đi thi không có bài nào mà em đã làm qua rồi và có thể làm lại y hệt cả. Bằng cách đó, em có thể tự tin đi thi mà không sợ câu này nữa.

    Đối với câu phương trình vô tỷ, bất phương trình vô tỷ và hệ phương trình, anh có kinh nghiệm cụ thể như sau. Đầu tiên em cần rèn thật nhiều câu này, đó là điều chắc chắn, để hình thành tư duy giải toán, nhìn đề suy ra cách giải. Anh đặc biệt nhấn mạnh 3 phương pháp chính để làm câu này đó là liên hợp, đánh giá và hàm số. Những bài đánh giá thường là những bài khó hơn cả. Năm 2015 người ra đề đã đánh vào 2 kĩ năng đó là liên hợp và hàm số, anh cũng đã mất một thời gian để suy nghĩ làm câu này, cuối cùng cũng ra. Việc làm được đó chỉ dựa vào một yếu tố duy nhất, đó là tư duy giải, từ đề này mình có thể giải theo hướng nào? Kiên trì biển đổi sau đó sẽ xử lý tiếp thế nào? Có sự tương đồng với phương pháp hàm số không? Có thể liên hợp được không? Và điều đặc biệt trong chuyên đề này đó là em có thể dùng máy tính để thử nghiệm trước khi giải, từ đó hình thành hướng giải cho mình, sau khi giải được một nghiệm có thể dùng máy tính tiếp để tìm nghiệm tiếp theo, liên tục định hướng. Giống như em đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, dần dần đi đến Đà Nẵng rồi tiếp tục xem chỉ dẫn tiếp tục để đến TP Hồ Chí Minh vậy, phải liên tục định hướng cách làm, xem phương pháp nào phù hợp để tìm ra nghiệm. Anh nhận thấy có một thước đo để đo độ chắc chắn kiến thức của em trong chuyên đề này, đó là khi nào em có thể giải câu hệ phương trình khối B năm 2013 một cách trơn tru, hiểu rõ và nhuần nhuyễn phương pháp thì em đã sẵn sàng rồi đấy. Tự tin lên nhé!

    MÔN LÝ

    Đối với môn Lý, một môn thi trắc nghiệm, trước tiên anh cần em hiểu rằng thi trắc nghiệm là trò chơi đúng sai. Kết quả cuối cùng em điền vào đề là quan trọng nhất. Nên trong khi học hãy nỗ lực để tìm cách giải nhanh, tư duy nhanh ra đáp án, thậm chí đoán đáp án để đạt điểm cao nhất trong bài thi. Sẽ có những bài giải không ra nhưng nhìn đáp án và đề bài có thể khoanh được đáp án đúng, không ai kiểm tra được em làm thế nào, vì thế hãy chuẩn bị tất cả võ công, tích lũy tất cả chiêu thức để chiến thắng em nhé.

    Nào, giờ hãy nhìn tổng thế môn Lý đáng yêu xem anh em ta có thể làm gì với nó nhé. Đầu tiên, nội dung thi vật lý được chia làm 7 chương lớp 12 và một số nhỏ câu của lớp 10, 11. Nhưng hãy quên lớp 10, 11 đi em nhé, vì đó là những câu khó lấy 9 điểm trở lên, học lại sẽ rất mất thời gian ở thời điểm này. Nên yên tâm ôn lấy 8 điểm cho anh đã. Vật lý có 30% là điểm lý thuyết và 70% là điểm bài tập. 3 chương đầu của lớp 12 là những chương hay được ra câu khó, đổ mồ hôi sôi nước miếng mới làm được. Còn 4 chương sau? Wow! Một món quà tuyệt vời, em có thể giành được ít nhất 5 điểm mà không cần học quá nhiều ở 4 chương này, và anh có đủ chiêu thức để truyền lại cho em đây. Hãy vào File Exel vật lý tương ứng để nhìn tổng quát các chương một lần đã nhé!

    Anh sẽ tư vấn về 4 chương cuối trước để em có thể yên tâm học và tin rằng mình có thể đạt 8 điểm môn này. 4 chương cuối rất hay được hỏi lý thuyết, và cách học đó là hãy dùng sơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức theo cách của em. Đó là cách nhanh chóng và dễ dàng nhất đối với lý thuyết môn lý. Thực ra khi đi thi em sẽ không mất điểm ở những câu bài tập khó đâu, hầu hết là do không học lý thuyết nên mới sai, và sai lý thuyết thì không mong gì điểm cao em nhé. Nếu toán có quy tắc 7 +2 thì lý có quy tắc 6 +2, đó là 30 câu đầu dễ và 10 câu sau hơi khó một chút. Nếu em đã làm được 30 câu đầu chắc chắn, thì khả năng cao em sẽ được 8. Nên hãy cẩn thận học lý thuyết, cẩn thận với những câu dễ, và tự tin lên nhé. Đối với chương Sóng điện từ em nên học quy tắc cho tương ứng để nhẩm tính nhanh hơn mà đỡ nhầm, quy tắc ấy có thể dùng được cho cả điện, sóng cơ học nữa đấy, chịu khó tìm hiểu sẽ ra. Chương 5 là chương tán sắc, giao thoa ánh sáng, cũng không quá khó để học, nhưng sẽ dễ nhầm, học chương này phải rõ ràng, vẽ hình minh họa để dễ hình dung. Tiếp đến chương 6 là chương sẽ giúp em học thêm được một tính chất mới của ánh sáng đó là tính hạt, khác với tính chất sóng em đã học ở chương 5, nhớ phân biệt 2 tính chất này, đề thi rất hay hỏi. Theo anh chương 6 là chương dễ nhất, nhẹ nhàng nhất, em không phải học khó, nhưng phải học đủ để nắm vững lý thuyết khi đi thi. Lời khuyên của anh ư? Hãy tận hưởng chương này, nó rất thú vị khi em thực sự tìm hiểu! Chương cuối cùng là chương vật lý hạt nhân, chương này có khá nhiều công thức và trường hợp, em hãy học quy tắc 1 cửa ngõ 4 lối đi để tránh bị nhầm, và để ý trường hợp nào tương ứng với công thức nào nhé, sẽ không quá khó đâu, chuẩn bị tinh thần nhé. Nhớ rằng 4 chương này không khó tí nào, mà lại cho em ít nhất là 5 điểm, nên học thật cẩn thận nhé.

    Tiếp theo anh muốn nói đến 3 chương đầu, 3 con quái vật thật sự trong môn lý, chắc em cũng cảm thấy vậy, nhỉ?

    Bắt đầu bởi chương dao động điều hòa, sẽ có khoảng 8, 9 câu ở chuyên đề này, có một câu trong đó là cực khó mà mình chả gặp bao giờ, và anh không hi vọng gì làm được câu đó (mục tiêu của mình là 8 điểm mà). Vậy nên hãy tập trung cho anh vào việc học những phần cơ bản nhất như đường tròn pha, trục dao động, mối liên hệ giữa x, v, a, t, s, con lắc lò xo, lý thuyết về dao động cưỡng bức, tắt dần, duy trì (anh thống kê hết rồi đấy). Chỉ riêng vậy thôi đã có thể giúp em làm được ít nhất 6 câu ở chuyên đề này, 1, 2 điểm đấy, ok chưa nào?

    Chương tiếp theo – sóng cơ học là một chương hơi kì cục, học nhiều phết mà thi có 5 câu, trong đó có một câu mà theo đúng nghĩa đọc không hiểu gì. Nhưng nếu học cẩn thận thì em có thể dễ dàng làm được 4 câu còn lại, tức là khoảng 0, 8 điểm trong đề. Những nội dung của chương này không hoàn toàn là khó, chỉ là em cần luyện tập nhiều để ăn từng câu một, và sẽ cần sự kiên trì nhất định đấy, xong nhiệm vụ đó là em đã có thể giành được 7 điểm trong đề mà không quá vật vã.

    Và cuối cùng là bức tường kiên cố, đem lại nhiều cay đắng cho học sinh nhất trong suốt hàng chục năm qua – chương dòng điện xoay chiều. Nói thế thôi chứ chương này cũng không quá khó nhằn đâu. Nó khó vì nó có tận 12 câu và cũng đến gần 1 nửa trong số đó là mới mẻ, sáng tạo. Đối với chương này anh đặc biệt khuyên em nên học cách vẽ giản đồ, từ giản đồ nối tiếp, suy ra công thức, đỡ phải nhớ nhiều. Kỉ lục anh nhận thấy chỉ từ một giản đồ đơn giản em có thể suy ra đến 6 công thức dài dòng một cách hết sức trực quan, đỡ bị nhớ nhầm và cho em góc nhìn bài toán tổng quát hơn. Ích lợi vô biên phải không nào? Trong chương này có một phần đó là phần truyền tải điện năng, theo anh em không nên mất thời gian học phần này vì phần này hết sức dễ nhầm mà lại khó hiểu, đối với anh đúng là vắt óc mà vẫn không hiểu nổi, nên bỏ qua em nhé. Học đã mất công mà thi lại không nhớ, nhầm nhọt thì cay đắng lắm.

    Ít nhất em cũng phải làm được 6 câu ở chương điện này, cho em ít nhất 1, 2 điểm, nhưng đa số là làm được hơn, vì kinh nghiệm em tích lũy khá nhiều khiến tư duy của em cũng sắc bén và giải quyết bài toán trước đây em tưởng chừng khó thì nay lại tương đối dễ dàng.

    MÔN HÓA

    Môn hóa cũng là môn thi trắc nghiệm như môn lý, kiến thức thi suốt từ lớp 10 đến hết lớp 12. Dài nhỉ? Lần đầu nhận ra điều này anh cũng thấy choáng lắm, nhưng cuối cùng anh cũng tìm ra cách. Anh sẽ chia hóa học ra làm 2 phần nhé, đó là lý thuyết và bài tập.

    1. Lý thuyết:

    Rõ ràng là lý thuyết hóa rất dài, nhỉ? Tận 3 năm cơ mà. Nhưng một lần nữa, tuyệt chiêu sơ đồ tư duy lại thể hiện thế mạnh của mình. Công cụ này sẽ giúp em ôn lý thuyết cực kì nhanh mà lại sinh động, hiệu quả. Lúc đi thi anh mang theo 3 cuốn sách giáo khoa 10, 11, 12 và khoảng chục cái sơ đồ tư duy anh vẽ thế là xong, làm trọn vẹn hoàn toàn. Và đối với môn hóa có tới 50% là lý thuyết, nên em biết hậu quả khi lười học lý thuyết rồi nhé, còn thảm khốc hơn môn lý nhiều. May mắn là lý thuyết trong đề thi lại khá dễ, nên em có thể yên tâm học, không quá khó, nhưng phải đầy đủ. Nếu môn lý 7 chương 7 cái sơ đồ tư duy thì môn hóa em cũng hãy thống kê từ các chương trong SGK và vẽ sơ đồ tư duy đầy đủ nhé. Và hãy nhớ khi học một chất mới, hay cả khi ôn tập, hãy học những tính chất đặc trưng của chất đó, và giải thích tính chất đó theo khía cạnh cấu tạo hoặc bảng tuần hoàn để hiểu rõ hơn, nhớ lâu hơn. Điều này rất có ích khi em liên hệ, so sánh với những chất khác.

    Những lưu ý, ghi nhớ hay phương trình đặc biệt em có thể ghi riêng ra để có thể xem lại khi cần, việc này đặc biệt phù hợp với những câu khó như dạng bài đếm.

    2. Bài tập:

    Bài tập hóa được chia rõ thành các dạng cụ thể, đối với mỗi chuyên đề thường có dạng bài tập kinh điển với những phương pháp giải đặc trưng, đó là những ví dụ đầu tiên được trưng ra khi em mới bắt đầu làm bài tập. Hãy nắm chắc những câu này, rèn luyện thật nhiều lần dạng bài đó, chú ý những chỗ hay bị nhầm để làm bài thi không mắc phải nữa nhé. Đặc biệt, trong môn hóa có một phần cực hay đó là PHƯƠNG PHÁP GIẢI. Em hãy nhìn vào File Exel Hóa tương tự nhé, anh đã thống kê 10 phương pháp quan trọng. Anh khuyên em nên học cách sử dụng các phương pháp này thật nhuần nhuyễn. Hãy tưởng tượng như bài thi hóa là chiến trường, những phương pháp đó chính là vũ khí, có loại hơi cùi, ít dùng như dao, kiếm, có loại hàng khủng như súng, xe tăng, thậm chí tên lửa hạt nhân, dùng phát nào chết phát ấy. Anh đặc biệt thích cách sử dụng những phương pháp kiểu "Mỗi bước đi đều để lại dấu vết", ví dụ như câu này: "Đề cho số liệu về khối lượng mà không cho khối lượng mol, tức là cho m mà không cho M, thì trăm phần trăm là bảo toàn khối lượng". Ồ, tuyệt phải không nào? Như vậy là dù bài thế nào ta vẫn có thể tự tin giải chỉ cần chắc kiến thức, lúc đầu anh cũng rất choáng khi được học cái này, chả ai ở trường dạy anh cả, và nó đã giúp anh được 8, 25 một cách hết sức ngoạn mục đấy ^^! Hãy nhớ câu này "THÀNH CÔNG LUÔN ĐỂ LẠI DẤU VẾT". Và học theo hướng làm chủ phương pháp giải thay vì ngồi nhìn đề đoán già đoán non về dạng và nhớ máy móc cách làm em nhé ^^! Trước mắt em đang là cuộc hành trình đầy thú vị vào thế giới hóa học đấy ^^, bắt đầu nào!

    CHUẨN BỊ KIẾN THỨC RỒI THÌ LUYỆN ĐỀ THÔI!

    Ố ồ, đây có vẻ là phần em quan tâm nhất trong giai đoạn này nhỉ? Có nên luyện đề không? Luyện kiểu gì đây? Luyện thế nào cho hiệu quả? Đầu tiên, anh muốn nhấn mạnh rằng nếu kiến thức của em chưa đủ tầm khoảng 70% so với toàn bộ nội dung cần thi đại học thì em ĐỪNG VỘI LUYỆN ĐỀ nhé. Lúc ấy luyện chưa thể đem lại hiệu quả được, và sẽ mất thời gian hơn là hiệu quả đấy ^^! Nếu em đã trang bị đầy đủ súng đạn (kiến thức) rồi thì dù cho muộn nhất là tháng 5, em có thể ra thao trường (luyện đề) rồi đấy!

    Đối với riêng môn toán, anh khuyên em không nên luyện đề sớm. Bản chất của môn toán thì các chương kiến thức rất tách biệt nhau, nên em chỉ cần học tốt từng chuyên đề theo hướng dẫn của anh bên trên là được, học cách trình bày rõ ràng, sạch sẽ, liền mạch, làm sao để vào thi viết lia lịa không cần kiểm tra lại cũng đúng 100%. Chú ý các chỗ hay thiếu, hay sai để sửa dần qua từng bài tập, nếu em muốn luyện đề có thể đẩy đến tháng 6 luyện 3 đề trở xuống là được, để dành đề năm 2015 là đề cuối cùng để đổ đầy cốc nước của sự tự tin trước khi đi thi toán nhé ^^!

    Vào giai đoạn tháng 6 cũng có thể em đang học 2 điểm cuối nên không cần quá căng thẳng khi làm đề, hãy tin rằng em có thể cải thiện được điểm trong tháng đó, thậm chí anh còn học bài cuối cùng của 2 điểm cuối vào ngày 29 tháng 6 ^^ mà ngày1 tháng 7 thi luôn. Không sao đâu nhé ^^!

    Đối với môn vật lý và hóa học là hai môn thi trắc nghiệm thì thật sự cần luyện đề một cách quy củ, có chiến thuật nhé. Anh không thích đi thi thử, anh tự luyện đề với khoảng thời gian 60 phút một đề, tập trung hết sức như thi thật để tạo áp lực, quen dần với nó thì thi thật 90 phút nhẹ nhàng ^^! Bật mí cho em là anh tự thi thì toàn được 4 với 5 thôi, nhưng dần dần điểm cũng tăng lên. Nhất là khi luyện đề em không cần làm nhiều đâu nhé, sau mỗi đề chỉ cần phân tích đúng, sai. Chỗ nào thấy thiếu trầm trọng thì phải ôn lại toàn bộ kiến thức (dùng sơ đồ tư duy nhé) và bồi đắp kiến thức dần qua từng đề, có thể em chỉ làm được 10 đến 15 đề cho đến lúc thi nhưng nếu phân tích nghiêm túc thì em có thể tự hào rằng mình đã nắm gọn kiến thức môn hóa vào trong bàn tay vàng của mình ^^! Hãy làm đề theo quy trình để quen dần, chia làm 5 lượt: Lượt 1 làm lí thuyết dễ, lượt 2 làm bài tập dễ, lượt 3 làm lí thuyết khó mà em còn phân vân, và lượt 4 giải quyết bài tập khó nhé, và lượt cuối cùng khoanh bừa chắc em cũng biết nhỉ =)) . Nhưng quan trọng là em cần phải chọn đề chất lượng mà làm, đề chất lượng không phải là đề khó, mà là đề sát với thi đại học nhất. Em có thể lấy bộ đề của năm 2015 ra và tham khảo chất lượng đề của các thầy cô nổi tiếng, trường nổi tiếng như chuyên Vinh, Phan Bội Châu để kiểm tra năng lực của mình. Một tiếng làm đề chất lượng vẫn hơn 10 tiếng làm những đề vớ vẩn, không sát thi vì nó không phản ánh được năng lực của em. Và hãy ghi nhớ điều này: Tinh thần khi làm đề phải như thi thật, căng thẳng, áp lực như thế. Hãy nhớ rõ rằng 90 phút khi thi thật là 90 phút cuối cùng, duy nhất, và nếu không chuẩn bị, rất có thể em sẽ thất bại. Dù là một tuần làm một đề hay hai đề, hãy làm nghiêm túc và phân tích chi tiết đề để em có thể đem kinh nghiệm ấy cho lần làm tiếp theo ^^!

    CHƯA HẾT ĐÂU.. THẬT RA ĐÂY MỚI LÀ PHẦN THÚ VỊ NHẤT

    Anh biết với tất cả những kỹ thuật, phương pháp và tư duy ôn thi như thế kia em vẫn có thể không làm gì cả, tiếp tục lười biếng và chấp nhận bỏ cuộc.. Anh nói có đúng không nhỉ? Vì thế phần tiếp theo đây anh sẽ sử dụng những ngôn từ chắt lọc nhất, truyền cho em nguồn động lực mạnh mẽ nhất để em luôn học tập với mức năng lượng cao, đầy hào hứng và cuồng nhiệt, cùng với đó là những phương pháp cụ thể để em có thể sử dụng ngay mà không tạo ra quá nhiều khó khăn.

    Nào ta cùng bắt đầu!

    Vào ngày thứ 20 – ngày cuối cùng nộp hồ sơ, anh lên Hà Nội vào Đại học Ngoại Thương để xem có nên rút đơn của mình hay không, vì điểm sàn hôm trước là 26, điểm của anh sau khi cộng là 26, 25. Nguy cơ trượt rất cao. Và thi điểm từng ấy mà trượt thì kéo theo nhiều hậu quả lắm. Kết quả như em biết, anh không rút, một phần vì tính toán rằng điểm sẽ không tăng thêm nữa, một phần vì lời hứa sẽ đỗ đại học Ngoại Thương và tình cảm với ngôi trường này.

    Anh còn nhớ thời điểm ấy, 4 giờ chiều, anh lên xe về nhà. Ngồi cùng bạn anh cũng nộp trường đó. Dòng suy nghĩ cứ chạy không ngớt trong đầu anh, anh cảm thấy điều gì đó đau nhói và anh đã khóc. Khóc vì lựa chọn cuối cùng cũng đã đi qua, khóc vì nếu trượt, người đau đớn nhất không phải anh, mà đó có thể là bố mẹ anh. 4 ngày sau đó đã trở thành những ngày đen tối nhất, bố mẹ anh đã tưởng anh trượt rồi, và chuẩn bị nhiều kế hoạch cho anh, nghe mà nhói đau. Họ hàng người quen vẫn nghĩ anh là một học sinh giỏi, đỗ đại học là cái chắc ăn, mà lỡ anh trượt thì bố mẹ sẽ chịu nhiều tủi nhục ghê gớm. Ngày 20 kết thúc, ngày 22/8 là sinh nhật anh, mà anh còn không dám tổ chức gì. Anh nghĩ nếu mình trượt, 18 năm lăn lộn vất vả của bố mẹ coi như đổ xuống sông xuống bể, chỉ việc trượt ấy thôi, một tay anh đã làm bẽ mặt không chỉ mình và những người yêu thương mình nhất, khiến chính mình thất vọng. Anh kể chuyện này chỉ muốn hỏi em một câu duy nhất: Em có muốn phải nếm trải cảm giác đó không? Anh tin là em đã có câu trả lời cho mình. Đừng để phải trải qua cảm giác đau đớn đó như anh. Anh đã có một phần may mắn khi đỗ đại học, nhưng không phải ai cũng được như vậy, và anh tin em cũng chả muốn rơi vào trường hợp như anh, quá mạo hiểm. Vì thế hãy học ngay từ bây giờ, đừng chần chừ, đừng có sợ hãi gì nữa khi em còn thời gian, học ngay đi thôi, tự hứa với mình rằng sẽ không bao giờ phải làm chính bản thân mình thất vọng nữa, hãy nỗ lực, tích cực lên, thời gian không chờ đợi một ai.

    Như vậy là anh đã kể xong hai câu chuyện của mình, hiện tại có thể em đang tràn đầy quyết tâm, em đang có một niềm tin rằng em có thể đỗ đại học và em phải đỗ. Và anh hi vọng những phương pháp dưới đây sẽ giúp em duy trì nguồn năng lượng mạnh mẽ này để em có thể ÔN THI NHƯ MỘT CHIẾN BINH.

    1. Em sẽ không thể đi về đâu khi không có mục tiêu:

    Bây giờ là thời khắc của quyết định, em thực sự cần bao nhiêu điểm cho một môn? Với năng lực hiện tại, anh mong rằng em sẽ học để lấy 9 điểm toán và ít nhất 8 điểm lý, 8 điểm hóa, nếu em giỏi hơn, em cần nhiều điểm hơn, cũng hãy đặt ra mục tiêu cụ thể nhé, nó sẽ định hướng cho mọi quyết định của em.

    Mục tiêu còn có ích khi em muốn tập trung học nữa. Nào, nếu mình có 1 tiếng, em muốn học xong lý thuyết của chương nào, vẽ mấy sơ đồ tư duy, hay hoàn thành bao nhiêu bài tập trong số bài tập kia? Nó sẽ giúp em tập trung học rất tốt đấy, hãy áp dụng để thấy sự kì diệu nhé.

    2. Để học hiệu quả em cần năng lượng mạnh mẽ:

    Rất đơn giản thôi, vì nguồn động lực em đang cảm nhận lúc này sẽ mất đi và chắc chắn sẽ mất đi, nên em cần có cách lấy lại khi cần, và anh sẽ hướng dẫn em ngay ở đây.

    Trước tiên, em cần xác định rõ lý do tại sao em lại phải nỗ lực ôn thi và kỉ luật mỗi ngày? Tại sao? Tại sao? Tại sao? Nếu trong đầu em xuất hiện lý do như để có công việc tốt, để được hơn người, để đỗ cao thì đó chưa phải lý do thật sự, đó là lý do ở bên ngoài. Hãy tiếp tục hỏi cho đến khi lý do xuất phát từ bên trong em, ví dụ là anh thì lý do là vì anh muốn được tự hào, muốn được coi trọng, muốn đem lại niềm vui và sự hãnh diện cho bố mẹ. Hãy đào sâu, để mỗi lần nản chí, em lại có lý do để vực dậy, khắc ghi sâu sắc lý do đó em nhé.

    Tiếp theo, em có để ý khi mình vận động, chơi thể thao thì cảm thấy thỏa mái hẳn ra không? Đó là sự thật, là khoa học. Hãy ghi nhớ nguyên tắc sau "Vận động tạo ra cảm xúc", hãy vận động thật mạnh khi thấy uể oải, mệt mỏi, hãy chạy, mắt nhìn lên, lưng thẳng, nói to, nó sẽ giúp em nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo. Đối với anh, trong quá trình ôn thi anh sử dụng loại nhạc điện tử (EDM) để kích thích năng lượng lên mức cao ngay lập tức, và quẩy theo, nhảy nhót điên cuồng một lúc cũng sẽ khiến mình tỉnh táo và ngay lập tức có năng lượng, hào hứng lao vào học. Anh đã chuẩn bị một danh sách nhạc EDM để em có thể nghe khi thấy mệt mỏi, xuống năng lượng. Nhớ nhé, vận động tạo ra cảm xúc. Em là người làm chủ cảm xúc, làm chủ vận mệnh của mình, đừng bao giờ đổ tội cho thói lười biếng hay trì hoãn, nó sẽ đưa em về con số 0, còn nếu hàng ngày điều khiển năng lượng của mình để học hiệu quả hơn, em sẽ thấy mình học nhanh đáng kinh ngạc và cũng vui vẻ hơn đấy!

    3. Lịch học tập:

    Ồ ồ, đây có vẻ là thách thức được em rất quan tâm phải không nào? Sắp xếp lịch học tập sao cho hiệu quả là một thách thức lớn, nhất là đối với những bạn học thêm nhiều. Chỉ tiếc rằng để học theo cách của anh, buộc em phải bỏ hầu hết những buổi học thêm không hiệu quả và không giúp em tiến bộ. Vì sao? Vì học thêm nhiều quá em làm gì còn thời gian ôn và tự học đâu mà tiến bộ nhỉ? Đó là quan điểm của anh, thật sự học thêm nhiều chỉ khiến mình thêm thất vọng thôi. Có thể vì thầy cô không đủ giỏi để truyền đạt cho em, có thể vì lịch học quá dày khiến em quá tải, và nó khiến em phải trả giá bằng một thứ mà em đang rất thiếu – thời gian. Nguy hiểm nhất là học nhiều mà thiếu định hướng, thiếu hiệu quả, học mãi không tiến bộ. Lời khuyên thật lòng của anh là em nên bỏ những buổi ấy đi, chỉ đi học những buổi em thấy thật sự có ích thôi. Đối với bản thân anh, anh nghỉ hết những buổi học thêm trừ môn toán, vì anh cần học cách trình bày cẩn thận cho môn toán. Còn lý hóa anh chuyển sang học online để chủ động thời gian và hiệu quả. Thật ra học online sẽ vô ích nếu em thiếu kỉ luật, thậm chí có hại hơn cả học thêm. Nhưng anh tin sau khi đọc những dòng chia sẻ bên trên của anh, em đã tự hứa với mình phải giữ kỉ luật, nỗ lực hết mình để học rồi, nếu không thì dù có học cách gì kết quả vẫn không thể cao hơn được. Đó là lời khuyên chân thành của anh. Em có thể cân nhắc trong trường hợp của mình, để tự do thời gian hơn, tiếp đó em mới có thể sắp xếp lịch học cho mình hiệu quả được.

    Sau khi đã có nhiều thời gian hơn, em có thể sắp xếp tự học 2 môn trong một ngày, mỗi lần học là 2 tiếng và 2 tiếng đó tập trung cho một môn. Nếu em đang tập trung và ham làm bài tập tiếp thì cũng không sao, nhưng phải chú ý là không bao giờ học quá lệch môn gì để rồi bỏ bê những môn kia. Môn nào yếu thì cải thiện thêm một chút, như đối với anh môn toán là anh yếu nhất. Nhớ rằng điểm thi đại học là tổng thể của 3 môn, học đều để đạt kết quả cao là một chiến lược chắc chắn và khiến em tự tin hơn hẳn. Sắp xếp làm bài tập một cách đầy đủ, nghiêm túc, xem bài giảng thì nên tự giải trước khi xem thầy giải để còn so sánh với cách làm của mình. Và như em thấy, em học thêm càng ít thì thời gian của em càng dư dả để tự học, tự đánh giá, biết rằng mình đang ở đâu, quan trọng hơn cả đó là em TIẾN BỘ, đừng để nhìn lại sau một tháng và thấy rằng mình chả học thêm được cái gì, đó là sự nuối tiếc to lớn khi mà quỹ thời gian đang cạn dần.

    Em nên nhớ rằng khi học online mỗi thầy sẽ có một thế mạnh riêng, cần biết kết hợp giữa các thầy để đạt hiệu quả cao nhất, không nên cực đoan theo hẳn một thầy mà bỏ qua cái hay của thầy giáo khác. Vậy nên giờ đây xu hướng là có 2 thầy giáo dạy một môn để tận dụng thế mạnh của mỗi thầy nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Sau cùng, người thành công không phải là người sao chép như một con vẹt, mà là người biết nhìn nhận, kết hợp những cách làm hữu ích nhất và biến nó thành phong cách riêng của mình. Điều này khi tiếp cận cách học của từng người em sẽ thấy.

    NHẮC NHỞ ĐÔI ĐIỀU..

    Nào, anh em ta đã đi một chặng đường dài, anh viết những dòng này mất 5 tiếng, quả thật là rất nhiều tâm huyết anh đã dồn vào đây. Khi đọc đến dòng này, có thể em đã quyết định rằng em sẽ học theo cách của anh, với cách tư duy và chiến thuật như anh để đạt ít nhất là 25 điểm. Em đã tin rằng mình có thể đỗ đại học. Nhưng vẫn chưa hết đâu, hãy giúp anh ghi nhớ điều này, làm mọi thứ để em có thể nhớ nó, đó là MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU PHI THƯỜNG, CHỈ CÓ SỰ THIẾU NỖ LỰC VÀ THIẾU KỈ LUẬT KHIẾN HỌ KHUYẾT TẬT. Cái anh muốn nói đến ở đây đó là việc em có sẵn sàng làm theo tư duy ấy mỗi ngày hay không, đừng bao giờ để bản thân phải thất vọng thêm một ngày nào nữa. LIFE WILL NEVER BE THE SAME AGAIN – cuộc sống sẽ không bao giờ như cũ nữa. Và anh mong rằng em không chỉ đọc xong để rồi lại để mình trượt dài, bỏ cuộc. Hãy áp dụng ngay, hãy tin rằng mình có thể để bứt phá. Suy cho cùng, làm gì có ai muốn nhìn lại năm 18 tuổi và thấy chính mình hèn nhát, đầy nỗi sợ và thất bại cay đắng phải không nào? Hãy ra quyết định, và ngày hôm nay là một ngày hoàn toàn mới trong cuộc đời em, là một ngày khiến em phải tự hào, phải thức tỉnh, phải mạnh mẽ.

    Chưa bao giờ anh lại đào sâu về chuyện cá nhân của mình như bây giờ, nhưng vì em, vì anh không muốn em phải lo lắng thêm một ngày nào nữa, anh đã viết ra, bằng tất cả trái tim và khối óc của mình, để thắp lên một ngọn lửa thật sự trong em, và anh tin rằng em sẽ thành công.

    Em phải đỗ đại học – Anh tin em.

    HÃY TIN CHÍNH MÌNH VÀ CHO BẢN THÂN MỘT CƠ HỘI.

    Thân mến,

    Anh Diễn - FTU
     
    Táo ulaThursday Lyen thích bài này.
    Last edited by a moderator: 19 Tháng sáu 2020
  2. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    Thực sự rất rất hữu ích, e năm nay cũng đã lên 12 và cũng đang trong tình trạng "gần thất vọng" và cần hướng đi rõ ràng như lời anh nói. Sau khi a đọc, e đã ghi toàn bộ các câu hỏi và đặt ra mục đích riêng cho mik. E muốn toán 9 điểm, muốn không bị chê cười. E biết khi e lên đó mà phát biểu, mặc dù e cũng biết làm nhưng e lại diễn là không biết làm và sau đó cũng tự thất vọng. Như a nói tất cả mọi người sinh ra đều phi thường cả, mặc dù mới chỉ đầu năm và e nhận được nhưng con điểm đắng ngắt. Nhưng e sẽ làm được! Vì Life will never be the same again!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...