Bệnh cường giáp là gì? Triệu chứng và điều trị cường giáp

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Koko6868, 3 Tháng bảy 2021.

  1. Koko6868

    Bài viết:
    61

    Chúng ta đã nghe nhiều về cường giáp nhưng vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Vì thế, bài viết sau sẽ cung cấp những kiến thức như bệnh cường giáp là gì? Triệu chứng và điều trị cường giáp để bạn đọc có thể nhận biết cũng như có biện pháp khắc phục hiệu quả hội chứng này.

    Bệnh cường giáp là gì?

    Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở phía trước cổ, ngay dưới thanh quản và trên xương ức. Tuyến giáp tiết ra hormone đóng vai trò trong chuyển hóa và phát triển cơ thể.

    Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất ra lượng hormone nhiều hơn bình thường khiến nồng độ hormone tuyến giáp trong máu tăng cao. Người mắc bệnh cường giáp thường gặp phải tình trạng tăng chuyển hóa của cơ thể với những biểu hiện lâm sàng rõ rệt.


    [​IMG]

    Cường giáp không phải một bệnh riêng biệt mà là một hội chứng. Có nhiều bệnh gây ra hội chứng cường giáp, trong đó phải kể đến bệnh Basedow. Basedow thường gây ra các triệu chứng như cường giáp, bướu giáp lan tỏa, bệnh lý mắt, phù trước xương chày.

    Ngoài ra, cường giáp còn có thể là do viêm tuyến giáp, bướu giáp đơn nhân, đa nhân hóa độc, tác dụng phụ của thuốc amiodarone.

    Triệu chứng của bệnh cường giáp

    Bệnh cường giáp thường có những biểu hiện rõ rệt, chúng ta có thể nhận biết bệnh này qua một số triệu chứng sau:

    - Hồi hộp và đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh và mạnh trong lồng ngực, đau ngực, khó thở.

    - Sợ nóng, không chịu được những nơi có nhiệt độ cao hay thời tiết nóng nực do thân nhiệt của người bệnh cường giáp cao hơn bình thường.

    - Tiêu chảy kéo dài cũng có thể là triệu chứng của bệnh cường giáp, nguyên nhân là do khi mắc bệnh này nhu động ruột hoạt động thường xuyên hơn.

    - Bệnh nhân cường giáp thường bị run tay mất kiểm soát, run tay với tần số nhanh và biên độ nhỏ.

    - Xuất hiện bướu cổ (cổ là nơi chứa tuyến giáp) do tuyến giáp phì đại.

    - Khi bị cường giáp người bệnh thường bị sụt cân dù chế độ ăn uống bình thường hay thậm chí là ăn nhiều hơn, nhiều người có thể sụt mất vài kilogram trong vòng một tháng.

    - Ra mồ hôi nhiều và thường xuyên ngay cả khi không vận động mà chỉ ngồi yên một chỗ.

    - Tính tình thay đổi thất thường, lo lắng và dễ cáu giận.

    - Người bệnh cường giáp thường bị khó ngủ, ngủ không ngon, giấc ngủ ngắn hơn bình thường.

    - Cơ thể mệt mỏi, người bệnh không muốn vận động nhiều.


    [​IMG]

    Biến chứng của bệnh cường giáp

    Cường giáp nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị hiệu quả thì bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

    Biến chứng về tim mạch: Người bị cường giáp thường gặp phải tình trạng tim đập nhanh, nghiêm trọng hơn có thể bị rung nhĩ. Nếu chậm trễ trong việc điều trị có thể dẫn đến tình trạng suy tim gây nguy hiểm đến tính mạng.

    Bão giáp: Tình trạng này xảy ra khi nồng độ hormone tăng cao, các triệu chứng bệnh đột ngột trở nặng. Khi đó, nếu không được điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

    Lồi mắt ác tính: Khi bị cường giáp do bệnh Basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt, nhạy cảm hơn với ánh sáng, thường xuyên bị chảy nước mắt; đôi khi còn kèm theo tình trạng viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.

    Chẩn đoán cường giáp

    Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo cường giáp, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và làm xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh chính xác.

    Những xét nghiệm cần thực hiện khi chẩn đoán cường giáp là: Xét nghiệm định lượng TSH, FT3, FT4. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ TSH giảm, nồng độ FT3 và FT4 tăng thì có thể bạn đã bị cường giáp.

    Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể tiến hành một số kiểm tra cận lâm sàng khác như: Siêu âm tuyến giáp, siêu âm doppler tuyến giáp để đánh giá kích thước và xác định nguyên nhân của hội chứng cường giáp.


    [​IMG]

    Điều trị cường giáp

    Hội chứng cường giáp hiện được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau dựa trên mức độ và biểu hiện của nó. Cụ thể:

    Dùng thuốc: Thông thường cường giáp được điều trị bằng thuốc uống. Bao gồm các loại thuốc như: Thuốc kháng giáp tổng hợp (ức chế sản xuất hormone tuyến giáp), thuốc chẹn beta giao cảm hoặc thuốc an thần. Người bệnh cần điều trị theo một liệu trình kéo dài liên tục từ 12 – 18 tháng theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc dù các triệu chứng của bệnh đã biến mất.

    Iod phóng xạ hoặc ngoại khoa: Nếu cường giáp gây bướu cổ tái phát nhiều lần, ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì có thể được điều trị bằng iod phóng xạ giúp phá hủy tế bào giáp và giảm sản xuất hormone tuyến giáp, hoặc tiến hành phẫu thuật.

    Chế độ dinh dưỡng cho người bị cường giáp

    Để việc điều trị đạt kết quả tốt trong thời gian ngắn và hạn chế nguy cơ bệnh tái phát, người bị cường giáp cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bạn cần bổ sung dưỡng chất cũng như kiêng khem một số thực phẩm khi cần thiết.

    Bệnh cường giáp nên ăn gì?

    Người bị cường giáp nên bổ sung các loại thực phẩm sau:

    - Ăn nhiều trái cây giàu chất chống oxy hóa như: Dâu tây, việt quất, kiwi, cam quýt, cà chua, mâm xôi, rau chân vịt, cải xoăn, ớt chuông, bí đỏ để tăng cường hệ miễn dịch, cân bằng hormone tuyến giáp.


    [​IMG]

    - Các loại cải như: Bắp cải, súp lơ, bông cải xanh giúp làm giảm hormone tuyến giáp. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều để tránh bị suy giáp.

    - Thực phẩm giàu vitamin D và omega 3 như cá hồi. Vì omega 3 sẽ giúp làm dịu hoạt động của tuyến giáp còn vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn để xương chắc khỏe.

    - Thực phẩm giàu kẽm như: Óc chó, hạnh nhân, hạt bí ngô, hạt lanh để cơ thể không bị thiếu hụt kẽm khi tuyến giáp hoạt động quá mức.

    - Bổ sung đạm thực vật để hạn chế triệu chứng giảm cân khi bị cường giáp.

    - Bổ sung các sản phẩm từ sữa như: Sữa chua, sữa ít béo, phô mai để bổ sung canxi cho cơ thể, phòng ngừa loãng xương. Bởi vì người bị cường giáp dễ bị loãng xương do thường gặp phải tình trạng rối loạn chuyển hóa canxi máu.

    Bệnh cường giáp kiêng ăn gì?

    Người bị cường giáp cần kiêng các loại thực phẩm sau:

    - Thực phẩm giàu iod như: Muối iod, rong biển, một số loại hải sản vì iod sẽ thúc đẩy hoạt động của tuyến giáp, khiến tình trạng cường giáp ngày càng nặng hơn.

    - Thực phẩm có hàm lượng đường cao như: Kẹo bánh, các loại mứt, nước trái cây, nước ngọt. Vì người bệnh cường giáp thường bị rối loạn chuyển hóa carbohydrate, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể.

    - Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa như: Thịt đỏ, món chiên xào hoặc chế biến nhiều lần, bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên. Vì các loại thực phẩm này sẽ khiến triệu chứng bệnh thêm trầm trọng hơn.

    - Ngoài ra, người bệnh cường giáp cũng nên hạn chế uống cà phê, sữa tươi nguyên kem hay rượu bia.

    Hy vọng, qua bài viết bạn đọc đã hiểu được cường giáp là gì, triệu chứng cũng như cách điều trị cường giáp. Cường giáp ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe vì thế bạn cần chủ động thăm khám và điều trị ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường.
     
    Thùy Minh thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng bảy 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...