Tác phẩm: Bến xe Tác giả: Thương Thái Vi. Thể loại: Tiểu thuyết, thanh xuân vườn trường, ngược, SE. "Sinh mệnh vẫn chưa đến, mùa xuân của sinh mệnh đã qua đi." Có lẽ đây chính là lời nhận xét thích hợp nhất đối với chuyện tình đẫm nước mắt trong tác phẩm Bến xe. Đây là một câu chuyện hết sức trong sáng, nhưng cũng quá đỗi bi thương, đã để lại trong lòng người đọc những nỗi ám ảnh và day dứt khôn nguôi, về một thầy Chương với một tình yêu âm thầm vĩ đại, về một Liễu Địch với những rung cảm chân thực nhất của tuổi học trò. Câu chuyện Bến xe bắt đầu với những khung cảnh quen thuộc của cuộc sống tại một ngôi trường cấp ba trọng điểm. Chương Ngọc là một thầy giáo Ngữ văn khiếm thị dạy theo chế độ hợp đồng, còn Liễu Địch là người phụ trách giúp đỡ thầy Chương, từ những việc vụn vặt hàng ngày, đưa thầy đến bến xe, cho đến việc giúp thầy Chương phê bài chấm điểm. Có thể nói, Liễu Địch chính là cái bóng của thầy Chương, sự xuất hiện của thầy cũng đồng thời sẽ mang theo Liễu Địch. Lần đầu tiên Liễu Địch gặp thầy Chương là trong tiết Ngữ Văn đầu năm học, cô bị ấn tượng bởi kiến thức uyên bác của thầy, khi thầy Chương có thể đọc lại tất cả những tác phẩm mà các bạn học yêu cầu mà không hề sai một chữ, ngoài ra, Liễu Địch còn thương xót cho số phận của thầy Chương, một con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Cho nên, Liễu Địch đã bày tỏ nguyện vọng được giúp đỡ cho thầy, nhưng lòng tự trọng của một người thầy đã khiến Chương Ngọc từ chối lòng tốt của cô. Nhưng chính sự quyết tâm và chân thành của cô học trò nhỏ đã khiến thầy thay đổi cách nhìn nhận, và cũng mở lòng hơn, đón nhận sự ấm áp từ cô gái khác biệt này. Liễu Địch từ nhỏ đã được mệnh danh là thần đồng văn học, cô ngưỡng mộ thầy Chương, cũng xót xa cho số phận của thầy, càng xót xa nên càng muốn đi sâu vào thế giới của con người cô đơn đó, nên đã phạm phải điều cấm kỵ của thầy khi lấy thầy làm chủ đề cho bài viết. Tuy bị điểm không tuyệt đối nhưng cô lại biết được câu chuyện bi thảm của thầy Chương, điều đó càng khiến cho Liễu Địch kính trọng sự mạnh mẽ của thầy, đồng thời, trong lòng cô dường như có những cảm xúc vô hình bắt đầu sinh sôi nảy nở. Ngày tháng cứ thế lặng lẽ qua đi, ngày cô rời xa mái trường cấp ba sắp đến. Trong đêm liên hoan cùng các bạn, Liễu Địch mãi mê mà quên mất việc tới lớp đón thầy, kết quả, thầy đã đứng đợi ở bến xe gần một đêm băng giá. "Tôi biết, nếu em không xảy ra chuyện gì, em nhất định sẽ ra bến xe này tìm tôi" Câu nói ấy đã chạm đến những sợi cảm xúc mong manh nhất trong trái tim ngây thơ của Liễu Địch, cô nhào đến ôm lấy thầy Chương, những giọt nước mắt cứ thế tuôn rơi, như chưa bao giờ được khóc. Trước ngày thi đại học, Liễu Địch đã tìm đến tận nơi ở của thầy Chương, cũng từ đó, cô hiểu thêm về cuộc sống của thầy, cũng khám phá thêm nhiều điều mới lạ. Trong căn phòng nhỏ, hai con người, với tiếng nhạc du dương, những câu hát kia cũng chính là những lời nói từ tận đáy lòng. Giây phút này đây, thầy Chương không phải thầy Chương, chỉ là một người đàn ông đang thành thật với cảm xúc của riêng mình. Khi chỉ vừa đọc qua một đoạn đầu câu chuyện, tôi đã ngỡ đây là một tình cảm thầy trò trong sáng ngây thơ, và hai người yêu nhau rồi sẽ tìm ra bến bờ hạnh phúc. Nhưng không.. "Danh dự là gì? Nói trắng ra, danh dự chính là cách nhìn của người khác về bạn. Bạn có danh dự hay không, không phải vấn đề bản thân bạn có trong sạch hay không, mà là vấn đề người khác có thừa nhận bạn hay không? Vì vậy từ xưa đến nay, rất nhiều người dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch và bảo vệ danh dự của bản thân.." Tình yêu dù có mãnh liệt đến đâu, cũng không thể nào vượt qua định kiến. Chương Ngọc vì bảo vệ danh dự của người con gái mình yêu, chấp nhận hi sinh bản thân, không muốn cô vì những chuyện hiểu lầm mà ảnh hưởng đến tương lai tươi đẹp, nên thầy chọn cách ra đi, tự kết liễu cuộc đời mình để cho cô bảo toàn danh dự. "Trong hiện thực cuộc sống, con người không dễ thông cảm cho người sống, mà dễ thông cảm cho người chết. Con người thường nhớ tới khuyết điểm của người sống. Một khi người đó chết đi, con người sẽ dễ nhớ đến ưu điểm của họ." "Liễu Địch, thứ mà tôi có thể cho em trong cuộc đời này chỉ là một danh dự trong sạch và một tương lai tươi đẹp mà thôi. Nếu chúng ta có kiếp sau, nếu kiếp sau tôi có đôi mắt sáng, tôi nhất định sẽ ở bến xe này, đợi em." Kiếp sau? Liệu sẽ còn kiếp sau? Liệu kiếp sau hai người vẫn sẽ là thầy Chương và Liễu Địch, liệu kiếp sau thầy sẽ tìm được ánh sáng của riêng mình, và liệu kiếp sau, chuyện tình của hai người cũng không dở dang và đầy bi thương như thế? Đến cuối cùng, tình cảm vẫn chẳng thổ lộ ra. Đến cuối cùng, tận lúc ra đi vẫn không thể nào nhìn nhau lần cuối. Đến cuối cùng, chỉ sót lại những tiếc nuối và những giọt nước mắt vẫn lăn dài. Khi sắp khép lại câu chuyện này, tôi đã mong chờ và hi vọng, hi vọng rằng cái chết của thầy Chương là giả, thầy vẫn sống và đợi Liễu Địch đến tìm thầy. Nhưng không, không hề có một phép màu nào để tôi có thể tiếp tục nhen nhóm chút niềm tin. Thầy đã thật sự ra đi, và sẽ không bao giờ quay trở lại. Bến xe là một câu chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, hết sức trong sáng ngây thơ nhưng cũng quá day dứt lòng người, day dứt bởi những đau thương, đớn đau về một tình yêu cao cả. Văn phong mượt mà sâu lắng, những phân đoạn tả cảnh đặc sắc tuyệt vời, và những kiến thức văn hóa uyên thâm, Thương Thái Vi đã xây dựng nên một tác phẩm in đậm thổn thức lòng người. Hãy đến với Bến xe, để cảm nhận những cảm xúc không tên và nỗi niềm day dứt. Để hoài niệm về những kí ức của năm tháng cắp sách đến trường, và để âm vang về một tình cảm thiêng liêng của một con người tài hoa bạc mệnh. Người viết bài: Cá rô phi❤