Các bạn vẫn hay nghe những từ trên các bản tin thời sự, hoặc là trong các phim tài liệu của truyền hình Việt Nam, và chắc các bạn cũng thắc mắc sự khác biệt giữa những từ này đúng không? Mình sẽ giải thích rõ những từ này có nghĩa gì và cách sử dụng nó trong các hoàn cảnh cụ thể. Trước hết là bổ nhiệm và cũng là từ dễ hiểu nhất trong ba từ. Đó là hành động của một cá nhân có chức vụ cao hơn trong bộ máy nhà nước chọn một người vào vị trí cấp dưới của mình. Có thể sẽ có một số bạn sử dụng nhầm ngữ cảnh nên mình cũng sẽ nói luôn cách sử dụng. Bổ nhiệm chỉ dùng để nói đến việc phân phối cơ cấu trong bộ máy nhà nước chứ không được sử dụng ở những trường hợp khác như là "cô giáo chủ nhiệm bổ nhiệm lớp trường, lớp phó", bắt buộc phải là "bộ trưởng bổ nhiệm một vị lãnh đạo cấp cục hay cấp tổng cục". Ngoài ra từ này cũng hay được sử dụng ở trong các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam). Vậy nên đừng bạn nào lẫn lộn nhé, đang yên đang lành lại nói: "Tôi bổ nhiệm cậu làm bạn thân tôi." Thứ hai, ta có từ bầu. Tương tự, từ này cũng chỉ được dùng trong bộ máy nhà nước mà thôi. Cụ thể, Quốc hội có thể bỏ phiếu để lựa chọn ai đó vào làm Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ thì ta gọi đó là Quốc hội bầu Chủ tịch nước, bầu Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động này có thể dễ gây nhầm lẫn với bổ nhiệm và cũng có nhiều người tranh cãi, nhưng đại khái bạn cứ hiểu là bầu đi theo nhiệm kì, cụ thể đó là nhiệm kì 5 năm của Quốc hội. Cứ hết nhiệm kì cũ thì lại phải"bầu những người mới theo quyết định của tập thể. Trong khi đó bổ nhiệm thì lại không phụ thuộc vào điều này mà có thể diễn ra do nhu cầu cần thiết trong bất kì khoảng thời gian nào trong nhiệm kì, và tùy thuộc vào ý chí của người bổ nhiệm người duy nhất. Cuối cùng ta có bầu cử. Đây cũng là hoạt động chọn ra một người vào hoạt động trong bộ máy nhà nước như trên, nhưng chức vụ đó nhất định là một trong hai chức vụ sau: Đại biểu Quốc hội hoặc Đại biểu Hội Đồng Nhân dân và hơn nữa phải được quyết định thông qua bỏ phiếu tập thể. Hơn nữa, người thực hiện bầu cử lại là nhân dân chứ không phải là một chức vụ khác trong bộ máy nhà nước. Nên tóm lại, bầu khác bầu cử ở mặt chủ thể, một bên là các cơ quan nhà nước, một bên là người dân. Sắp tới vào năm 2021 sẽ kết thúc nhiệm kì 5 năm của Quốc hội khóa 14, các bạn nào trên 18 tuổi đi bầu cử thì các bạn nhớ dùng đúng từ đấy nhé. Vậy thôi! Mình giải thích có dễ hiểu không?