Bát Canh Tập Tàng Mẹ Nấu Tác giả: Trương Văn Hà * * * Tôi sinh ra và lớn lên trong vòng tay âu yếm của mẹ. Suốt mấy chục năm trời cha đi biền biệt theo khói lửa chiến tranh. Từ hạt lúa củ khoai, từ con ốc, con cua, từ quả bầu, quả bí, mẹ nuôi anh em tôi thành người.. Ngày ấy, ở đồng ruộng quê tôi cua đồng nhiều vô kể, đặc biệt là vào vụ gieo, vụ cấy. Quần quật làm việc cả buổi, đến trưa tranh thủ và vội bát cơm là mẹ tôi lại đi dọc bờ ruộng tìm bắt cua về nấu cho chúng tôi ăn. Khi đã biết đi chăn trâu cắt cỏ, thì tôi cũng đã biết mang giỏ lẽo đẽo theo mẹ ra đồng bắt cua. Loài cua đồng thường nằm sâu trong hang, có những cửa hang quá nhỏ là mẹ lại phải nhờ cậy đến tôi. Hôm nào có tôi đi theo, mẹ cũng bắt được cả một giỏ đầy cua. Có lẽ cho đến suốt cả cuộc đời tôi cũng sẽ chẳng bao giờ quên được những món ăn từ do chính tay mẹ tôi chế biến, như món ruốc cua, bún riêu cua, cua rang, cua luộc, cua nấu canh tập tàng.. Trong đó món cua nấu canh tập tàng do mẹ nấu là dễ làm hơn cả, lại là một món ăn ngon, bổ dưỡng và rất mát vào mùa hè mà anh em tôi vẫn thích ăn nhất. Rau tập tàng thì vườn nhà tôi nhiều lắm. Chỉ cần 15 phút đi một vòng là mẹ hái được cả một rổ to ăn trong cả ngày. Trong đó cái thứ rau tàu bay, rau mồng tơi, rau đay, rau ngót, rau má và cả rau khoai thì đều nấu với cua đồng rất hợp. Khi mẹ đang nhặt rau, hai anh em tôi thường giúp mẹ tách vỏ cua, lấy gạch cua bỏ vào một bát nhỏ và giã cua cho thật nhuyễn. Có hôm vì chưa quen, cậu em tôi bị cua cắn vào ngón tay trỏ đau điếng, khóc ré lên và nó còn thề rằng từ nay không thèm ăn canh cua đồng mẹ nấu. Vì đau mà cu cậu nói dỗi thế thôi, chứ buổi nào mà mẹ đi làm về trưa quá, không kịp nấu canh cua tập tàng là nhất định cu cậu vùng vằng bỏ bữa không chịu ăn.. Cua sau khi giã xong, mẹ bỏ tất cả vào nước lạnh vò tan ra, lọc lấy nước, còn xác thì bỏ ra ngoài nấu cho lợn ăn. Gạch cua sau khi được phi hành mỡ, mẹ lấy nước đã lọc cua cho vào nồi đun sôi, sau đó cho rau tập tàng vào nấu chin là ăn được. Những hôm có canh cua nấu rau tập tàng, anh em tôi đều ăn hết nhẵn nồi cơm ba lon gạo.. Tôi còn nhớ mãi, hôm đó đang độ nghỉ hè, trời nắng chang chang, vừa tranh thủ thả trâu ngoài bãi tôi và mấy đứa bạn con nhà nghèo trong xóm nhảy ùm xuống con kênh trước nhà mò bắt cá bống. Do dầm nước quá lâu mà về nhà tôi bị cảm hàn rất nặng, đầu nhức như búa bổ. Mấy quả trứng gà mà mẹ đã đổi gạo của mấy nhà hàng xóm, mấy miếng thịt mỡ mẹ xin ở nhà bà nội về mà tôi vẫn không thể nuốt nổi vì thấy cổ họng đắng ngắt. Nhưng khi mẹ bưng bát canh cua tập tàng bón cho tôi từng thìa, thì tôi bắt đầu nuốt được một vài miếng. Tuy vẫn còn cảm giác chán ăn nhưng cố nuốt cho hết bát canh mẹ bón thì tôi đã bắt đầu cảm thấy đầu mình đã nhẹ nhõm hơn, đỡ đau nhức hơn. Thì ra nhờ bát canh cua tập tàng có tác dụng giải nhiệt khá tốt mà bệnh cảm hàn của tôi cũng đã thuyên giảm. Từ đó mỗi khi trời nắng chang chang tôi đi chăn trâu về, thì mẹ thường đã nấu sẵn một tô canh cua với rau tập tàng để tôi ăn cho mát. Mỗi lần ba về phép, hai mẹ con tôi lại xách giỏ ra bờ ruộng tìm bắt cua đồng về nấu canh tập tàng đãi ba. Bát canh mẹ tôi nấu dù thiếu cả bột ngọt, chỉ có một vài nêm thêm một vàu đường kính, nhưng hôm nào ăn ba cũng tấm tắc khen ngon.. Giờ đây hai anh em tôi đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Sơn hào hải vị, của ngon vật lạ chúng tôi đã được thưởng thức nhiều, nhưng vào những ngày hè oi bức, nắng như đổ lửa ở quê tôi, tôi lại thấy thèm được ăn một bát canh cua nấu rau tập tàng của mẹ. Chiều ý tôi, hôm nào nắng to là mẹ ra chợ cố tìm cho được một mớ cua đồng về nấu canh rau tập tàng. Nồi canh sau khi được nhắc xuống, mẹ cẩn thận nêm thêm bột ngọt và một ít hạt tiêu xay mịn là trở nên đậm ngọt và thơm lừng. Những bữa cơm như vậy, giai đình tôi bao giờ cũng tràn ngập niềm vui và niềm hạnh phúc.. Trương Văn Hà