Hỏi đáp Bằng cấp có quan trọng hay không?

Thảo luận trong 'Hỏi Đáp' bắt đầu bởi Diệp Minh Châu, 6 Tháng mười 2021.

  1. Diệp Minh Châu

    Bài viết:
    115
    Sinh thời, nhà lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản Lê nin đã từng nói: "Học, học nữa, học mãi". Quả vậy, chúng ta từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành đều phải trải qua một quá trình học tập từ những điều cơ bản như "học ăn, học nói, học gói, học mở" cho đến những kiến thức chuyên sâu hơn ở các cấp học trên nhà trường. Và ở mỗi thời điểm, mỗi thế hệ lại có những quan điểm khác nhau về việc học tập, đặc biệt là học đại học. Nếu như thế hệ đi trước vẫn thường răn dạy con cháu rằng: "Hơn nhau chỉ một tấm bằng đại học, cuộc sống đã bớt gập ghềnh" thì giới trẻ ngày nay hầu hết lại cho rằng: "Bằng cấp không quan trọng, quan trọng là ở năng lực, biết nắm bắt thời cơ". Đây quả thật là hai ý kiến trái chiều, đầy sự mâu thuẫn và chúng loại trừ lẫn nhau. Nhưng suy cho cùng cả hai đều hướng đến vấn đề về năng lực cá nhân. Và với tôi, việc học đại học chưa bao giờ là lỗi thời và giá trị thực sự của tấm bằng đại học sẽ cho biết bạn là ai, bạn đang ở đâu và làm được những gì trong cuộc đời này.

    Với mỗi chúng ta, sau khi đã hoàn thành xong chương trình giáo dục ở bậc Trung Học Phổ Thông thì đa phần sẽ lựa chọn việc học đại học. Đó là việc học, nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống. Học đại học đồng nghĩa với việc chúng ta đang tiến tới chiếm lĩnh vốn tri thức sâu rộng của một chuyên ngành trong xã hội. Đó sẽ là tiền đề cơ bản cho sự phát triển trong tương lai của bạn. Và lẽ dĩ nhiên, cái đích mà bất cứ ai cũng hướng tới sau khi tốt nghiệp là có một công việc ổn định tạo ra thu nhập đủ để đáp ứng những nhu cầu của chúng ta. Khi có một tấm bằng đại học thì cơ hội có việc làm cũng như khả năng thăng tiến sẽ cao hơn. Vậy thì tại sao đại bộ phận giới trẻ hiện nay lại cho rằng tấm bằng đại học đã không còn quan trọng nữa? Đó là bởi chúng ta chưa hiểu rõ và chưa đạt được giá trị thực sự của một tấm bằng đại học.

    Việc sở hữu một tấm bằng đại học chính là minh chứng cho năng lực của cá nhân mỗi người. Ví dụ trong một cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm và chú ý đến người có bằng cấp hơn là người chỉ tự tay vỗ ngực rằng tôi có năng lực. Làm sao để người ta có thể tin tưởng vào khả năng của bạn khi bạn không có gì để chứng minh đây. Họ sẽ chọn người có sự bảo đảm ở tấm bằng đại học. Bởi để được tốt nghiệp đại học bạn đã phải trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực mà bạn đã chọn. Do đó mà nhiều người nghĩ rằng càng là những trường đại học danh tiếng, top đầu như Trường Kinh Tế Quốc Dân, Đại học Ngoại Thương, Đại học Bách Khoa.. thì tấm bằng đại học lại càng trở nên có giá trị hơn. Và theo thống kê từ thực tế cho thấy những người đã tốt nghiệp đại học trên trung bình kiếm được nhiều tiền trong đời hơn những người không tốt nghiệp hoặc không học đại học. Hơn nữa, với môi trường đại học, tại một thời điểm nào đó, bạn sẽ phải tham gia một dự án nhóm. Dự án này có thể được thực hành trong phạm vi lớp học, trong câu lạc bộ, hay trong những quy mô khác. Điều đó giúp bạn biết cách làm việc nhóm, hợp tác với nhiều người và rèn luyện cho bạn khả năng nói trước đám đông. Có một thực tế là một trong những bí mật dẫn đến thành công của con người hiện đại so với người nguyên thủy đã tồn tại xuyên suốt lịch sử tiến hóa chính là con người hiện đại đã phát triển khả năng làm việc hợp tác với những nhóm người khác. Đại học chính là bước chuẩn bị cho bạn bước vào hành trình làm việc nhóm của cuộc đời. Trong kho tàng ngạn ngữ Nga có câu nói "Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người". Chương trình giáo dục đại học giúp cho bạn có được một nền tảng tri thức nhất định về các lĩnh vực trong cuộc sống, trau dồi và rèn luyện các kĩ năng mềm như ngoại ngữ, tin học, văn phòng.. Vậy nên, các sinh viên đại học đã có thể thực tập và đi làm từ năm thứ ba, từ đó mà cơ hội việc làm trở nên đa dạng và cao hơn.

    Đặc biệt, điều mà tôi ấn tượng và mong muốn được trải nghiệm nhất ở Đại học đó là được tham gia các hoạt động xã hội, được cống hiến cho cộng đồng. Ở Việt Nam, các trường đại học đều có chiến dịch tình nguyện "Mùa Hè Xanh" phối hợp cùng với Đoàn Thanh Niên tham gia các hoạt động công ích xã hội như làm đường, xóa mù chữ cho trẻ em vùng sâu vùng xa, xây nhà tình thương.. Đại học đầy rẫy những cơ hội để cống hiến thời gian giúp đỡ cộng đồng. Và tôi tự tin khẳng định rằng trong xã hội ngày nay chúng ta cần nhiều hơn nữa những người có tinh thần và kĩ năng phục vụ xã hội, cần hơn bao giờ hết!

    Chúng ta có thể thấy, hầu hết những người đang cống hiến cho xã hội đều đã trải qua quá trình học đại học. Như Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông là cựu học sinh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khoa văn. Từ bước đệm này ông đã học lên các cấp cao hơn (học viện chính trị) rồi đạt được cơ hội đi du học ở Liên Xô. Những kiến thức đại học và kinh nghiệm thực tế đã mang lại thành công cho ông trong cương vị một nhà lãnh đạo của đất nước. Hay kỹ sư Lê Duy Loan, bà cùng gia đình định cư bên Mỹ khi còn nhỏ và hiểu rõ được tầm quan trọng của việc học, bằng mọi giá cho dù hoàn cảnh có quá khó khăn bà vẫn cố gắng hoàn thành xuất sắc học thuật của mình với học vị tiến sĩ ngành khoa học máy tính. Từ đó, mang lại những cống hiến to lớn cho nền công nghệ máy tính..

    Vậy mà nhiều bạn trẻ lại cho rằng bằng cấp không quan trọng mà quan trọng là năng lực và nắm bắt thời cơ. Thử hỏi năng lực là từ đâu mà có nếu không được rèn luyện và học hỏi những điều mới? Chúng ta không thể mong chờ miếng bánh may mắn "thời cơ" từ đâu rơi xuống được. Thời cơ là do những người có tầm nhìn, có khả năng tốt mới nắm bắt được mà thôi. Giới trẻ ngày nay thường ảo tưởng rằng: Không cần học cũng sẽ thành công bởi có tấm gương tiêu biểu Bill Gates. Ông đã bỏ ngang việc học đại học mà tự mình khởi nghiệp và tạo nên đế chế trong ngành công nghiệp máy tính (Microsoft). Nhưng chúng ta nên nhớ đại học mà ông bỏ là Havard, và chính gia đình ông đã là một trong những điều kiện khách quan tạo nên cơ hội thành công cho ông.

    Có thể nói, giá trị thực sự của việc học đại học có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, với xu thế hiện nay thì đại học không phải là tất cả. PGS Văn Như Cương cho rằng: Nền giáo dục hiện tại là ứng thí, phục vụ "toàn dân lên lớp, toàn dân vào đại học". Chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào đại học, trong khi số đông sinh viên ra trường không có việc làm. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học. Chúng ta cần nhận rõ bản thân có đủ nền tảng kiến thức để học chuyên sâu hơn hay không. Nếu không chúng ta còn rất nhiều cơ hội ở các trường cao đẳng và đào tạo nghề. Nơi mà hiện nay đang thu hút rất nhiều sinh viên cần công việc trong một thời gian ngắn. Đừng biến việc học Đại học trở thành học "Đại", khi mà thực tế cho thấy rằng có quá nhiều trường đại học được mở ra và số lượng sinh viên thì ngày càng gia tăng.

    Có ai đó đã từng nói rằng: "Những gì chúng ta biết ngày hôm nay sẽ lỗi thời vào ngày hôm sau. Nếu chúng ta ngừng học thì chúng ta sẽ ngừng phát triển". Việc học chưa bao giờ lỗi thời và không ngừng nghỉ. Tri thức không dùng vật chất làm thước đo mà làm cho nhân cách con người tỏa sáng. Học tập không chỉ giúp ích cho cá nhân mỗi người mà còn góp phần vào tiến hóa chúng của toàn nhân loại.
     
  2. Tác giả Trà Anh

    Bài viết:
    538
    Cá nhân mk thấy bằng cấp thực sự quan trọng. Dù là bây giờ có kha khá ý kiến tranh cãi nổ ra xung quanh vấn đề này.

    Vì bằng cấp có thể chứng minh rằng ta đã từng đi học và được đào tạo bài bản. Hoặc ta đã được hưởng 1 nền giáo dục đầy đủ. Những ng được đi học họ sẽ có những cách ứng xử, cách nói chuyện và kiến thức mới hay ho. Môi trg học đường cx là một môi trg vs nhiều trải nghiệm rất thú vị đó.

    Nhưng còn những ng không đi học thì sao? Họ vẫn có thể trở thành ng có ích nếu họ chăm làm và đào sâu kiến thức. Kể cả không học từ trg lớp thì họ cx sẽ có nhiều kiến thức trg cuộc đời mà.

    Tóm lại bằng cấp quan trọng nhưng cta không nên ỷ lại vào nó. Dù đã học xong nhưng hãy cố gắng tiếp tục đào sâu và chăm chỉ vs ngành nghề của mk. Đó ms là qtrong nhất.
     
    Diệp Minh ChâuLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...