NLXH: Bàn luận về mối quan hệ giữa học và hành; NLVH: Thơ hay, hay bằng xúc động, tình cảm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Hà Thu Nguyễn, 28 Tháng hai 2021.

  1. Hà Thu Nguyễn

    Bài viết:
    49
    Đề bài:

    Câu 1:
    Từ văn bản Bàn luận về phép học, nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học với hành.

    Câu 2:

    Thơ hay, hay bằng xúc động, tình cảm và thông qua xúc động tình cảm đem đến cho người đọc một nhận thức về tư tưởng, ý chí hành động thẩm mỹ.

    (Trích Thơ hành trình và tiếp nhận, Mã Giang Lân, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, trang 76)

    Anh/chị hiểu như thế nào về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ sau:

    NẮNG MỚI

    (Lưu Trọng Lư)

    Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

    Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

    Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

    Chập chờn sống lại những ngày không.

    Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời

    Lúc người còn sống, tôi lên mười;

    Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

    Áo đỏ người đưa trước dậu phơi,

    Hình dáng me tôi chửa xóa mờ

    Hãy còn mường tượng lúc vào ra:

    Nét cười đen nhánh sau tay áo

    Trong ánh trưa hè trước dậu thưa.

    (Nguồn: Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB Văn học, 2003, trang 283)

    Hướng dẫn:

    Câu 1:


    Học đi đôi với hành là điều quan trọng trong phương pháp học tập. Ý kiến của La Sơn Phu Tử khi bàn về phép học là đúng đắn, học và hành có mối quan hệ gắn bó mật thiết.

    Có thể hiểu học là quá trình tiếp thu kiến thức đã được tích luỹ trong sách vở, là nắm vững lí luận đã được đúc kết là những kinh nghiệm nói chung, là trau dồi kiến thức để mở mang trí tuệ cho con người.

    Hành: Là quá trình thực hành, ứng dụng kiến thức lí thuyết vào thực tiễn đời sống.

    Thật vậy, chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô, học ở bạn bè; tự học qua sách vở và học ở thực tế đời sống. Chẳng hạn như học kiến thức các môn khoa học xã hội để rèn giũa phẩm hạnh đạo đức, để trở thành con ngoan, thành người công dân tốt.

    Chúng ta cần học đi đôi với hành. Học kết hợp với hành là đúng đắn. Học kết hợp với hành giúp có kiến thức vững chắc, có kĩ năng sống tốt, từ đó có thể làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình và góp phần hữu ích vào sự nghiệp chung của đất nước. Ví dụ như học sinh vận dụng những điều thầy dạy để làm một bài toán, một bài văn. Trong những kì thi "tuổi trẻ sáng tạo" ta thấy tuổi trẻ Việt Nam đã biết "theo điều học mà làm", có nhiều phát minh, ứng dụng trong lĩnh vực tin học và công nghệ thể hiện tài năng, trí tuệ Việt Nam

    Bên cạnh đó, chúng ta cần phê phán thói học vẹt, học chay, lười học.. học không hành, hành không học..

    Để học đi đôi với hành, các bạn hãy học chuyên cần, chăm chỉ. Học lí thuyết kết hợp với luyện tập, ứng dụng vào cuộc sống có hiệu quả. Ngoài ra, học sinh còn cần phải học ở sách vở, học ở bạn bè, học trong cuộc sống. Tránh tư tưởng sai lầm học cốt thi đỗ lấy bằng cấp là đủ. Cần học suốt đời, học không bao giờ dừng

    Tóm lại, "Học đi đôi với hành" là phương pháp học tập đúng đắn, để có kiến thức, kĩ năng vững chắc và tương lai tốt đẹp.

    Câu 2.

    2.1. Giải thích:


    - Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ảnh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhịp điệu .

    - Thơ hay, hay bằng xúc động, tình cảm: Một trong những yếu tố tạo nên bài thơ hay là những rung động, cảm xúc chân thành, tinh tế, mãnh liệt, sâu xa của người sáng tác trước hiện thực cuộc sống.

    - đem đến cho người đọc một nhận thức về tư tưởng, ý chí hành động thẩm mỹ: thơ hướng người đọc đến những suy nghĩ đúng đắn, tích cực, hình thành lí tưởng, lẽ sống tiến bộ, lành mạnh; thúc đẩy họ nỗ lực hành động hướng tới giá trị tốt đẹp, nhân văn.

    À Ý kiến thể hiện quan niệm về thơ hay: Thơ hay ở sự chân thành, tinh tế trong cảm xúc và việc đem đến những thông điệp về nhận thức, tư tưởng, hành động.

    2.2. Bình luận:

    a. Cơ sở lí luận: Đây là một nhận định đúng đắn, khái quát ngắn gọn về đặc trưng nội dungvà giá trị của thơ.

    - Đặc trưng nội dung:

    + Thơ biểu hiện những xúc động nội tâm, tình cảm của con người trước sự việc bên ngoài, giúp ta hiểu con người chủ thể ở bên trong.

    + Tình cảm trong thơ phải chân thật nghĩa là những trạng thái tình cảm đó người nghệ sĩ có thể đã trải qua hoặc chứng kiến, lắng nghe và xúc động mãnh liệt. Có như vậy, thơ mới thấm thía và nhận được sự đồng cảm sâu rộng từ người đọc.

    + Tình cảm trong thơ thường là những tình cảm lớn, cao đẹp, nhân văn.

    - Giá trị:

    + Đem đến cho người đọc nhận thức nhiều mặt cuộc sống, hiểu về bản chất cuộc sống và hiểu về chính mình; hình thành những tư tưởng tiến bộ, giúp tâm hồn con người trở nên lành mạnh, trong sáng, cao thượng hơn.

    + Thúc đẩy người đọc khát khao hướng tới những hành động cụ thể, thiết thực vì một cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn.

    b. Cơ sở thực tế - làm sáng tỏ qua phân tích bài thơNắng mới – Lưu Trọng Lư

    - Thí sinh làm sáng tỏ nhận định, đi sâu phân tích cụ thể bài thơ được nêu ở đề bài.

    - Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, song cần bám sát định hướng của đề, cần đạt được những yêu cầu cơ bản sau:

    * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

    - Tác giả: Lưu Trọng Lư (1911-1991) là một trong những nhà thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho phong trào Thơ mới. Ông được ghi nhận là một hồn thơ sầu mộng, ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên, dễ gợi cảm động.

    - Tác phẩm: Nắng mới in trong tập Tiếng thu (1939). Tác phẩm thể hiện nỗi nhớ thương tha thiết về người mẹ trong kí ức tuổi thơ.

    * Thơ hay, hay bằng xúc động, tình cảm: Nắng mới là dòng hồi tưởng, là tình yêu và nỗi nhớ của người con về hình bóng của người mẹ trong dĩ vãng.

    - Khổ 1: Trạng thái cảm xúc trong hiện tại.

    + Bối cảnh nảy sinh tâm trạng:

    Thời gian: Hiện tại, buổi trưa; lặp đi lặp lại như đã thành quy luật – thời điểm khi nắng đầu mùa xuất hiện báo hiệu những ngày lạnh, ẩm đã hết (Mỗi lần nắng mới )

    Không gian: Ấm áp, lung linh (nắng mới ) ;hẹp, gần gũi(bên song) ; vắng vẻ, quạnh hiu (tiếng gà xao xác, não nùng ).

    + Tâm trạng cảm xúc: Nỗi buồn nhớ dĩ vãng; bâng khuâng, sầu mộng (lòng rượi buồn; chập chờn sống lại những ngày không ).

    - Khổ 2, 3: Nỗi nhớ trong hiện tại khơi dòng cho kí ức về mẹ.

    + Tình cảm của người con:

    Quá khứ có mẹ gắn với không gian nắng mới ngoài đồng nội mênh mông, tươi sáng, ấm áp và tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc (nắng mới reo ngoài nội ).

    Nỗi nhớ không phai nhạt theo thời gian (chửa xóa mờ ).

    + Hình ảnh người mẹ trong nỗi nhớ của người con:

    Mẹ hiện lên cùng ánh sáng, hơi ấm (mỗi lần nắng mới ), màu sắc (áo đỏ ) và hành động phơi áo trước dậu.

    Hình ảnh người mẹ được phác họa theo lối chấm phá qua dáng điệu (lúc vào ra ) và qua cái hồn trong nụ cười (nét cười đen nhánh sau tay áo ).

    Vẻ đẹp: Giản dị, ân cần, chu đáo; duyên dáng, kín đáo, tỏa sáng, mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

    À Bài thơ hay bởi xúc động, tình cảm chân thành, sâu nặng của nhân vật trữ tình dành cho mẹ.

    * Thông qua xúc động, tình cảm, Nắng mới đem đến cho người đọc một nhận thức về tư tưởng, ý chí hành động thẩm mỹ.

    - Nắng mới gợi niềm đồng vọng sâu xa trong tâm hồn người đọc bởi tác phẩm chạm đến tình cảm thiêng liêng, ấm áp nhất trong mỗi con người – tình mẹ. Là kỉ niệm, nỗi niềm riêng của Lưu Trọng Lư nhưng lại làm bao người đọc nhớ thương, bâng khuâng, đồng cảm.

    - Kí ức về mẹ trong Nắng mới như vầng sáng soi rọi, sưởi ấm, nâng đỡ cho tâm hồn mỗi người, giúp ta biết trân trọng, yêu thương những phút giây khi còn có mẹ.

    2.3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:

    - Để tạo nên một tác phẩm hay có giá trị, nhà thơ cần lựa chọn hình thức thể hiện như ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, giọng điệu, cấu tứ.. Những yếu tố thuộc về hình thức của thơ sẽ truyền tải đắc địa nội dung cảm xúc và giá trị tư tưởng mà tác giả gửi gắm đến người đọc.

    - Nhận định cũng gợi nhắc những đòi hỏi, yêu cầu:

    + Với người nghệ sĩ, đặc biệt là thi sĩ, sáng tác trước hết là bày tỏ tiếng nói tự nhiên, chân thành của cảm xúc trước cuộc đời; luôn trau dồi tài năng nghệ thuật để truyền ngọn lửa của cảm xúc mãnh liệt đến độc giả.

    + Với người tiếp nhận, đọc thơ là gặp gỡ một tâm hồn sẵn sàng tri âm; trân trọng quá trình lao động sáng tạo của người nghệ sĩ. Từ trang thơ, mỗi người đọc hãy nhận thức về chính mình và cuộc đời để có hành động tích cực, ý nghĩa, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
    Last edited by a moderator: 8 Tháng một 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...