Nội dung ôn tập gồm hai phần: Tổng hợp kiến thức, Khái Quát kiến thức Ngữ Văn 9 kì II; Định hướng ôn tập Văn bản phần đọc hiểu Văn bản 9 kì II để giúp các em hệ thống kiến thức, ôn thi hiệu quả. A. Phần Văn 1. Văn bản nghị luận hiện đại: Bàn về đọc sách – Chu Quang Tiềm; Tiếng nói văn nghệ - Nguyễn Đình Thi; Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan. Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông – ten. 2. Văn học hiện đại Việt Nam: A. Thơ hiện đại: - Con cò, - Mùa xuân nho nhỏ, - Viếng Lăng Bác, - Sang thu, - Nói với con B. Truyện- tiểu thuyết hiện đại: - Làng, - Chiếc lược ngà, - Lặng lẽ Sa Pa, - Bến quê, - Những ngôi sao xa xôi - Bố của Xi-mông. - Con chó Bấc. C. Kịch: Bắc Sơn II. Tiếng Việt Thế nào là thành phần khởi ngữ? Cho ví dụ Thành phần biệt lập là gì? Có mấy thành phần biệt lập, nêu khái niệm? Cho ví dụ mỗi loại Nêu các phép liên kết câu và liên kết đoạn văn Phân biệt nghĩa tường minh và hàm ý, để sử dụng hàm ý cần có những điều kiện nào? Viết đoạn văn có sử dụng hàm ý và cho biết đó là hàm ý gì? Nắm khái niệm các từ loại, vận dụng để nhận biết Kể tên các thành phần chính và thành phần phụ của câu, nêu dấu hiệu nhận biết từng thành phần III. Tập làm văn - Nghị luận thơ và nghị luận về tác phẩm truyện (đoạn trích) - Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống - Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí B. Nội dung trọng tâm -phần văn bản 1, Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm - Ông là nhà mĩ học và lí luận học nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là danh nhân lớn, học vấn cao, là tác giả của nhiều bài chính luận nổi tiếng - Hoàn cảnh sáng tác: Bài luận này của Chu Quang Tiềm được trích trong "Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui nỗi buồn của việc đọc sách", Bắc Kinh (1995) - Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận - Giá trị nội dung: Chu Quang Tiềm trong bài viết đã khẳng định đọc sách là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn. Từ việc đưa ra những sai lầm trong việc đọc sách, tác giả hướng tới cách đọc sách khoa học, hợp lí cho con người: + Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách: Bằng lập luận hợp lý, thấu tình đạt lí, kín kẽ sâu sắc, đoạn văn cho thấy đọc sách là để nâng cao nhận thức, bồi bổ trí tuệ, phát triển tâm hồn, tình cảm, rèn giũa hành động. + Những khó khăn của việc đọc sách: Sách nhiều khiến con người không chuyên sâu và đọc lạc hướng, lãng phí thời gian và sức lực. - Phương pháp đọc sách hiệu quả là cần chọn cho tinh, cho kĩ. Cần đọc cho kĩ; vừa đọc vừa suy nghĩ, không đọc tràn lan mà cần đọc có kế hoạch và có hệ thống. - Giá trị nghệ thuật: Bài văn nghị luận đã đặt ra và bàn về một vấn đề có ý nghĩa trong đời sống. Luận điểm rõ ràng, thuyết phục. Bố cục bài viết hợp lí, chặt chẽ, các ý được dấn dắt tự nhiên. Lối viết giàu hình ảnh, nhiều so sánh thú vị 2. Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi (1924-2003) - Ông là nhà văn, nhà phê bình văn học và là nhạc sĩ Việt Nam thời hiện đại; thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo triết học, viết văn, làm thơ, soạn kịch, viết lí luận phê bình - Hoàn cảnh sánh tác: Tiểu luận "Tiếng nói của văn nghệ" được Nguyễn Đình Thi viết năm 1948, in trong cuốn "Mấy vấn đề văn học" (xuất bản năm 1956) - Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận - Giá trị nội dung: Bài tiểu luận bàn về nội dung của văn nghệ và sức mạnh kì diệu của nó đối với đời sống của con người, giúp con người được sống phong phú hơn và tự nhiên hoàn thiện nhân cách tâm hồn mình: + Nội dung tiếng nói của văn nghệ: Bằng lập luận bằng những luận cứ trong tác phẩm và thực tế, đoạn văn cho thấy nội dung của văn nghệ là hiện thực mang tính cụ thể sinh động được phản ánh qua lăng kính của người nghệ sĩ, là đời sống trải nghiệm của người nghệ sĩ và của chính độc giả. + Vai trò của tiếng nói của văn nghệ: Văn nghệ giúp mọi người tự nhận thức mình, tự xây dựng nhân cách và cách sống của bản thân mình và xã hội: Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta phải tự bước đi trên con đường ấy + Bản chất của văn nghệ: Là tiếng nói của tình cảm; nói nhiều đến cảm xúc; mượn sự việc để tuyên truyền - Giá trị nghệ thuật: Bố cục chặt chẽ, hợp lí, dẫn dắt tự nhiên. Lối viết giàu hình ảnh, sử dụng nhiều dẫn chứng thơ văn, dẫn chứng thực tế, khẳng định các ý kiến, nhận xét, tăng sức hấp dẫn cho bài viết. 3. Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới -Vũ Khoan (sinh năm 1937) - Vũ Khoan được biết đến là một nhà chính trị và ngoại giao xuất sắc của Việt Nam - Hoàn cảnh sáng tác: Bài viết này đăng trên tạp chí Tia sáng năm 2001, in trong tập Một góc nhìn của trí thức, NXB Trẻ, Thành phố HCM, 2002 - Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận - Giá trị nội dung: Tác phẩm đã nêu ra bình luận cụ thể về những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách và thói quen của người Việt Nam, từ đó, đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam phải khắc phục điểm yếu để bước vào thế kỉ mới: + Với cách đặt vấn đề trực tiếp, ngắn gọn, thuyết phục, đoạn văn cho thấy sự chuẩn bị bản thân con người là sự chuẩn bị quan trọng nhất trong hành trang bước vào thế kỉ mới. + Tình hình thế giới: Khoa học công nghệ phát triển như huyền thoại. Sự giao thoa sâu rộng giữa các nền kinh tế +Nhiệm vụ của đất nước: Cần thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Tiếp cận với nền kinh tế tri thức + Điểm mạnh của con người Việt Nam: Thông minh, nhạy bén với cái mới. Cần cù, sáng tạo. Có tinh thần đoàn kết, đùm bọc, nhất là trong kháng chiến chống ngoại xâm. Có bản tính thích ứng nhanh. + Điểm yếu của con người Việt Nam: Thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành. Thiếu đức tính tỉ mỉ, hành động theo phương châm "nước đến chân mới nhảy", chưa có được thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương. Thường ích kỉ, đố kị nhau trong đời sống thường ngày. Có thái độ kì thị trong kinh doanh. + Nhiệm vụ khi bước vào thế kỉ mới: Lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh: Phát huy điểm mạnh. Vứt bỏ điểm yếu. Làm cho lớp trẻ nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu, làm quen với những thói quen tốt đẹp. - Giá trị nghệ thuật: Bài viết đặt ra vấn đề nóng hổi, cấp thiết với cách nhìn nhận khách quan kết hợp với lí lẽ lập luận giản dị, chặt chẽ và thái độ tôn trọng đối tượng, tinh thần trách nhiệm của tác giả. Việc sử dụng ngôn ngữ báo chí gắn với ngôn ngữ sinh hoạt đời thường, cách nói giản dị, dễ hiểu, sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ sinh động, cụ thể và hàm súc cũng là những nét tiêu biểu về nghệ thuật của tác phẩm 4. Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten - Hi-pô-lít Ten sinh năm 1828, mất năm 1893 - Ông được biết đến là một sinh viên xuất sắc ở cả hai ngành tự nhiên và xã hội, ông đã lấy được hai bằng khi ông chưa 20 tuổi - Hoàn cảnh sáng tác: Văn bản trích từ chương II, phần thứ hai công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng "La Phông- ten và thơ ngụ ngôn" của ông, xuất bản lần đầu năm 1853, đã tái bản nhiều lần. - Giá trị nội dung: Bằng cách so sánh hình tượng con cừu và con chó sói trong thơ ngụ ngôn của La Phông- ten với những dòng viết về hai con vật ấy của nhà khoa học Buy- phông, tác giả làm nổi bật đặc trưng của sáng tác nghệ thuật +Hình tượng cừu trong thơ ngụ ngôn của La-phông-ten: Bằng việc so sánh hình tượng cừu dưới ngòi bút của Buy-phông: Thấy con cừu ngu ngốc và sợ sệt, nhà thơ đã phản ánh hiện thực bằng suy nghĩ và tình cảm của mình và động lòng thương cảm những con cừu non tội nghiệp, buồn rầu và dịu dàng. +Hình tượng chó sói trong thơ ngụ ngôn của La-phông-ten: Bằng việc so sánh hình tượng sói (bi kịch của sự độc ác) dưới cái nhìn của nhà khoa học: Chó sói thù ghét mọi sự kết bạn, dáng vè hoang dã, bản tính hư hỏng, thật đáng ghét; nhà thơ đã dựng hình tương chó sói (hài kịch về sự ngu ngốc) cũng khốn khổ, vụng về và bất hạnh, vô lại, luôn đói dài và luôn bị ăn đòn. - Giá trị nghệ thuật: Cách trình bày và sắp xếp luận điểm chặt chẽ giàu thuyết phục, dẫn chứng khoa học, lối viết hấp dẫn 5, Con cò (Chế Lan Viên) - Phong cách sáng tác: Ông được đánh giá là một nhà thơ có phong cách và đặc sắc. Thơ ông lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ, triết lí và khả năng sáng tạo hình ảnh. - Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ "Con cò" sáng tác năm 1962, in trong tập "Hoa ngày thường- Chim báo bão" của Chế Lan Viên. - Giá trị nội dung: Khai thác hình tượng con cò trong những câu hát, lời ru, bài thơ "Con cò" của Chế Lan Viên ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru trong cuộc đời mỗi người: + Hình ảnh con cò theo lời ru đến với tuổi thơ con, đó là biểu tượng cho cuộc đời lam lũ của mẹ. Tác giải vận dụng sáng tạo hình ảnh, âm điệu ca dao dân ca => những câu ca dao in dần vào mảnh hồn thơ ngây của con + Hình ảnh con cò trong tiềm thức của con qua lời ru của mẹ: Cò gần gũi, gắn bó với con từ thuở trong nôi. + Cò theo con trên từng chặng đường đời: Cò trở thành người bạn đồng hành trên con đường đi học của con. Khi khôn lớn, trưởng thành, cánh cò sẽ tiếp tục gắn bó với con miệt mài không nghỉ, không xa rời. Hình ảnh cánh cò đồng hành cùng con là biểu tượng cho người mẹ, cho tình mẹ luôn gắn bó, che chở cho con trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. + Ý nghĩa lời ru: Qua lời ru con cảm nhận được bao điều thân thuộc gần gũi thanh bình của quê hương, cũng cảm nhận được tấm lòng bao la của người mẹ, lời ru hoàn thiện tâm hồn nhỏ bé của con để con lớn lên biết yêu thương và trân quý những giá trị tốt đẹp. - Giá trị nghệ thuật: Bài thơ thành công trong với thể thể thơ tự do, nhiều câu mang dáng dấp của thể thơ 8 chữ nên cảm xúc được thể hiện linh hoạt, giọng điệu suy ngẫm mang tính triết lí, vận dụng sáng tạo ca dao - Liên hệ mở rộng: Đưa ra suy nghĩ của bản thân về tình mẹ trong cuộc sống 6. Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải) - Hải thường viết về thien nhiên và lòng yêu cuộc sống. Thơ ông bình dị, nhẹ nhàng nhưng đậm chất triết lí về cuộc đời thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết - Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ viết vào tháng 11-1980 trong hoàn cảnh đất nức đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới nhưng còn vô vàn khó khăn gian khổ, thử thách, không đầy một tháng trước khi nhà thơ qua đời. Bài thơ như một lời tâm niệm chân thành, gửi gắm tha thiết của nhà thơ để lại với đời - Giá trị nội dung: Bài thơ bộc lộ cảm xúc của tác giả trước mùa xuân của thiên nhiên đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn làm một "mùa xuân nho nhỏ" dâng hiến cho đời: + Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất nước: Với nghệ thuật đảo cú pháp, bức tranhmùa xuân thiên nhiên xứ Huế tươi đẹp không gian cao rộng, màu sắc tươi sáng và âm thanh rộn ràng như thiết; tác giả ngây ngất trước vẻ đẹp của mùa xuân của thiên nhiên, khao khát hòa mình với thiên nhiên đất trời. + Cảm xúc về mùa xuân của đất nước: Với nghệ thuật điệp cấu trúc, từ láy, nhà thơ như reo vui trước tinh thần lao động khẩn trương của con người làm nên mùa xuân của đất nước. Tự hào về lịch sử bốn nghìn năm "vất vả và gian lao" của đất nước. ĐỒng thời tin tưởng vào tương lai tươi đẹp của đất nước mai sau + Ước nguyện của tác giả chân thành và thiết tha, giản dị. Tác giả muốn làm "con chim hót" : Góp tiếng hót cho cuộc đời. Tác giả muốn làm "nhành hoa" : Góp chút sắc hương cho cuộc sống. Tác giả muốn làm "nốt trầm" : Cho sự hoàn thiện của bản nhạc cuộc sống. Khao khát cống hiến phần tươi đẹp nhất của mình cho cuộc đời chung. + Lời ngợi ca quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế- yêu mến với di sản văn hóa phi vật thể - Giá trị nghệ thuật: Bài thơ theo thể thơ năm tiếng, có nhạc điệu trong sáng, thiết tha gần gũi với dân ca, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, nhiều so sáng và ẩn dụ sáng tạo - Bài học liên hệ: Hãy viết về khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ cho cuộc đời 7. Viếng lăng Bác (Viễn Phương) - Phong cách sáng tác: Thơ của Viễn Phương giàu cảm xúc nhưng không bi lụy, thơ ông nền nã, thì thầm, bâng khuâng - Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết vào tháng 4 năm 1976, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước nước thống nhất, lăng Bác Hồ mới được khánh thành, Viễn phương ra Bắc thăm Bác, nhà thơ đã viết bài thơ này và được in trong tập "Như mây mùa xuân" năm 1978 - Giá trị nội dung: Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sắc của nhà thơ nói riêng và mọi người nói chung khi đến thăm lăng Bác: + Tác giả đứng trước lăng Bác với cảm xúc nghẹn ngào, xưng con với Bác vì Bác như một người cha nhân hậu hiền từ + Cảm xúc trước đoàn người vào lăng viếng Bác: Biết ơn công lao to lớn của chủ tịch Hồ Minh, niềm thành kính của người dân Việt Nam với vị lãnh tụ của dân tộc, yêu mến và niềm ngưỡng vọng lãnh tụ + Cảm xúc khi vào lăng, nhìn thấy di hài Bác: Nhà thơ như nghe thấy nỗi đau cứ nhức nhối như cắt, như cứa trong tim mình; thành kính, xúc động + Những tình cảm, cảm xúc trước lúc ra về: Lưu luyến không muốn rời xa. Bộc lộ niềm dâng hiến tha thiết, mãnh liệt, muốn làm một điều gì đó vì Bác Chủ thể "con" thể hiện ước nguyện này không phải của riêng tác giả mà là của tất cả mọi người, của dân tộc ta đối với Bác - Giá trị nghệ thuật: Bài thơ viết theo thể thơ bảy chữ, giọng điệu thơ trang trọng tha thiết, có nhiều hình ảnh thơ đẹp lãng mạn gợi nhiều xúc cảm 8. Bài thơ: Sang thu (Hữu Thỉnh) - Phong cách sáng tác: Ông là người viết nhiều, viết hay về con người và cuộc sống ở nông thôn. Thơ ông giản dị nhưng vô cùng tinh tế và sâu sắc - Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ ra đời gần cuối năm 1977 khi đất nước mới thống nhất hòa bình, in trong tập "Từ chiến hào đến thành phố" - Giá trị nội dung: Bài thơ là những cảm nhận thực sự tinh tế cùng sự quan sát vô cùng tỉ mỉ của tác giả về sự biến chuyển của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu. Từ đó bộc lộ tình yêu thiết tha với thiên nhiên của một tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc: + Cảm nhận về thiên nhiên lúc giao mùa, tín hiệu báo thu về: Cảm nhận từ những gì vô hình ( "hương ổi, gió se, phả", sương chùng chình "). Tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan tinh tế: Khướu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình) và bằng tâm hồn (hình như thu đã về) + Quang cảnh đất trời vào thu với những dấu hiệu và hình ảnh đây hữu hình, không gian đất trời mở ra nhiều tầng bậc khác nhau:" Sông dềnh dàng "," chim vội vã "," mây vắt nửa mình ". Cong người vừa muốn níu kéo cái rực rỡ của mùa hè, vừa muốn vội vã làm những việc khi vào thu. + Những biến chuyển âm thầm của tạo vật và suy ngẫm về cuộc đời người lúc chớm thu: Tín hiệu mùa hạ vẫn còn nhưng đã nhạt dần, nắng vẫn còn nhưng đã nhạt, mưa ít đi, sấm cũng bớt đi. Trước những biến đổi bất thường, những con người từng trải sẽ vững vàng hơn. - Giá trị nghệ thuật: Bài thơ viết theo thể thơ năm chữ, sử dụng rất nhiều những hình ảnh sinh động hấp dẫn, cảnh tượng được miêu tả tự nhiên chân thực, ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị, gợi nhiều cảm xúc. 9. Nói với con (Y Phương) - Thơ ông thể hiện tâm hồn mạnh mẽ, chân thực và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người dân tộc miền núi, mang đậm bản sắc vùng cao. - Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác năm 1980, khi đất nước mới hòa bình thống nhất nhưng gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Từ hiện thực ấy nhà thơ sáng tác bài thơ như lời tâm sự, động viên chính mình đồng thời nhắc nhở con cái sau này. - Giá trị nội dung: Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống, niềm tự hào về quê hương, dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc đến tình cảm đẹp đẽvới quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống: + Cội nguồn sinh dưỡng của con: Là cội nguồn gia đình và cội nguồn quê hương. Con lớn lên trong những tháng ngày chờ trông, mong đợi, vòng tay che chở của cha mẹ. Cội nguồn quê hương. Cuộc sống lao động của người đồng mình gắn bó, đầy niềm vui, vẻ đẹp tinh thần, với tấm lòng cao cả tấm lòng cao cả, thủy chung. + Quê hương và gia đình nuôi con khôn lớn: Người cha gợi cho con niềm tự hào và khát vọng xây dựng quê hương, kế tục truyền thống đáng tự hào của người đồng mình: Gắn bó, yêu thương, đùm bọc. Có chí khí mạnh mẽ, tuy nhiều buồn lo cực nhọc nhưng tâm càng sáng chí càng bền, tầm nhìn càng xa càng rộng. Thủy chung tình nghĩa, bản lĩnh kiên cường, bất chấp khó khăn gian khổ. Đầy nghị lực. Người đồng mình giàu lòng tự trọng. Người đồng mình khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp + Điều cha mong muốn ở con: Khi con trưởng thành, dù ở bất cứ đâu, đi bất cứ nới nào cũng không bao giờ được sống một cách tầm thường phải luôn giữ lấy cốt cách giản dị, ý chí của dân tộc để vững bước. - Giá trị nghệ thuật: Bài thơ được làm theo thể thơ tự do phóng khoáng làm cho cảm xúc cụ thể, rõ ràng, giọng điệu thơ trìu mến, thiết tha. Ngôn ngữ thơ cụ thể, hàm súc, nhiều ý nghĩa, hình ảnh thơ độc đáo sinh động mang đậm bản sắc thơ ca miền núi cũng là những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm. 10. Bài thơ: Mây và sóng (R. Ta-go) - Phong cách sáng tác: Đối với văn xuôi, Ta-go đề cập đến các vấn đề xã hội, chính trị, giáo dục. Về thơ ca, những tác phẩm của ông thể hiện tinh thần dân tộc và dân chủ sâu sắc, tinh thần nhân văn cao cả và chất trữ tình triết lí nồng đượm; sử dụng thành công những hình ảnh thiên nhiên mang ý nghĩa tượng trưng, hình thức so sánh, liên tưởng vè thủ pháp trùng điệp. - Hoàn cảnh sáng tác:" Mây và sóng "được viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập thơ Si-su (Trẻ thơ), xuất bản năm 1909 và được Ta-go dịch ra tiếng Anh, in trong tập Trăng non xuất bản năm 1915. - Giá trị nội dung: Thông qua cuộc trò chuyện của em bé với mẹ, bài thơ Mây và sóng của Ta-go ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc. Bài thơ chứa đựng những triết lí giản dị nhưng đúng đắn về hạnh phúc trong cuộc đời: + Lời mời gọi của những người trên mây và sóng: Thế giới mà mây và sóng vẽ ra là thế giới diệu kì, bí ẩn, hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ thơ." Mây "và" sóng "là biểu tượng cho thế giới thần tiên kì ảo mà em bé tưởng tượng ra, cũng là những thú vui, những cám dỗ trong cuộc sống thường ngày mà con người rất dễ bị thu hút + Phản ứng của em bé trước lời mời gọi: Ban đầu, em bé bị hấp dẫn bởi những lời mời. Sau đó em bé từ chối lời mời vì tình yêu thương mẹ thiết tha của em bé. Mẹ với tình yêu thương đã trở thành sức mạnh, nguồn động lực cho em bé vượt qua những cám dỗ. + Trò chơi của em bé và mẹ: Con là mây và mẹ là trăng.." Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ.. Đối với em bé, đó là trò chơi thú vị hơn, hay hơn vì những trò chơi ấy bắt nguồn từ tình yêu thương mẹ. + Triết lí qua bài thơ: Con người không tránh khỏi những sự thu hút, cám dỗ từ đời sống, nếu như không có điểm tựa vững chắc, con người rất dễ vướng vào những cám dỗ đó. Tình mẫu tử chính là một điểm tựa vững chắc trong đời người. Hạnh phúc, đó không phải là những thứ quá xa vời, cũng không phải tự nhiên mà có, hạnh phúc luôn nằm ngay gần chúng ta, trong những điều giản dị hàng ngày, do chính chúng ta tạo ra. - Giá trị nghệ thuật: Sử dụng hình ảnh mang giàu chất trữ tình mang ý nghĩa biểu tượng. Kết cấu bài thơ như một câu chuyện kể tạo ấn tượng thú vị với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé. Nghệ thuật đối lập, ẩn dụ, nhân hóa.. ⇒ Bài học: Viết về vẻ đẹp tình mẫu tử. 11. Bến Quê- Nguyễn Minh Châu (1930-1989) - Phong cách sáng tác: Chủ yếu viết về những âm vang chiến trận, bao quát cả những vấn đề dân sự qua cảm hứng của một người lính đầy trải nghiệm. - Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn Bến quê in trong truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu - Giá trị nội dung: Qua cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật Nhĩ, truyện Bến quê gửi gắm những suy nghĩ, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, quê hương: + Hoàn cảnh của Nhĩ: Sống những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh. + Cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật Nhĩ về vẻ đẹp thiên nhiên nơi bến quê: Mỗi cảnh vật đều mang nét đẹp riêng rất đỗi quen thuộc và bình dị, xúc động trước vẻ đẹp thân thương, bình dị của xứ sở quê hương. + Cảm xúc của Nhĩ về người vợ: Những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh Nhĩ mới cảm nhận được vẻ đẹp của Liên- người vợ của anh, tần tảo, hi sinh thầm lặng vì chồng vì con nhưng vẫn có vẻ đẹp bình dị, mộc mạc chân thành. Dù đã trở thành người đàn bà thành thị nhưng Liên vẫn vẹn nguyên những vẻ đẹp tâm hồn trong sáng + Cuối đời, Nhĩ mới nhận ra và thấm thía tình cảm gia đình bởi anh đã nhân ra gia đình mãi mãi là ấm áp, hạnh phúc và là nơi nương tựa vững chắc nhất. + Cảm xúc và suy nghĩ về khát vọng bình dị cuối đời: Khao khát trong vô vọng được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Từ việc nhờ đứa con trai không thành cùng với quãng đời tuổi trẻ của mình, Nhĩ đã nghiệm ra một quy luật có tính chất phổ biến của đời người. Hành động cố thu người "giơ tay khoát khoát" như muốn thức tỉnh mọi người: Hãy mau thoát ra những cái chùng chình, vòng vèo trên đời để hướng tới những giá trị đích thực của cuộc sống. - Giá trị nghệ thuật: Truyện thành công trong việc tạo dựng tình huống nghịch lí, trần thuật qua dòng nội tâm nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu giàu chất suy tư, hình ảnh mang tính biểu tượng. 12. Những Ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê sinh năm 1949 - Phong cách sáng tác: Bà viết truyện ngắn với một ngòi bút giàu nữ tính, miêu tả tinh tế, đặc sắc. - Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn Nhưng ngôi sao xa xôi được viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra vô cùng ác liệt, lúc đó tác giả từng là chiến sĩ thanh niên xung phong ở Trường Sơn. - Giá trị nội dung: Truyện ngắn Nhưng ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã khắc họa rõ nét tâm hồn trong sáng, mộng mơ cùng tinh thần lạc quan dũng cảm giàu nghị lực của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó cũng là hình ảnh đẹp của thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam những năm kháng chiến chống Mĩ: + Hoàn cảnh sống và chiến đấu: Các cô gái sống trong một cái hang dưới chân cao điểm – nơi tập chung nhiều bom đạn và sự nguy hiểm ác liệt. Công việc vô cùng nguy hiểm, luôn căng thẳng, cái chết luôn rình rập đòi hỏi sự bình tĩnh, tự tin và dũng cảm. +Các cô gái có phẩm chất chung của người chiến sĩ thanh niên xung phong: Họ có lí tưởng sống cao đẹp, sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân, hi sinh hạnh phúc cá nhân để nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Kiên cường dũng cảm đối mặt với mưa bom bão đạn. Tinh thần trách nhiệm cao với công việc, khối lượng công việc lớn nhưng các cô thường cố gắng hoàn thành tốt mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ. Có tình đồng chí, đồng đội gắn bó đầy yêu thương. + Điểm riêng của mỗi người. Nho là em út, tính trẻ con, thích ăn kẹo, có dáng vẻ nhỏ nhắn. Nhưng khi bị thương lại luôn là một cô gái rắn rỏi và bản lĩnh. Nhân vật Thao là chị cả nhưng lại thích làm duyên, thích hát. Trong cô có sự kết hợp giữa cái nhút nhát, mềm yếu và cái bản lĩnh quyết đoán đến vô cùng. Nhân vật Phương Định là một cô gái hồn nhiên, hay mơ mộng hay sống với kỉ niệm của thiếu nữ ở thành phố nơi cô sống. Rất dũng cảm, bản lĩnh, không sợ chết mà chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ. - Giá trị nghệ thuật: Truyện ngắn có cách kể chuyện tự nhiên: Ngôi kể thứ nhất – Phương Định kể chuyện làm tăng tính chân thực, ngôn ngữ truyện sinh động, trẻ trung, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật qua hành động, lời nói, suy nghĩ xuất sắc. - Bài học: Viết đoạn văn liên hệ với những phẩm chất đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam bấy giờ nói chung. 13. Bố của Xi-mông - G. Mô- pa- xăng - G. Mô- pa- xăng: Một nhà văn Pháp tài năng với gia tài văn chương đồ sộ - Hoàn cảnh sáng tác: Văn bản là một phần của truyện ngắn Bố của Xi- mông, lấy từ Tuyển tập truyện ngắn Pháp, thế kỉ XIX. - Giá trị nội dung: Qua diễn biến tâm trạng của ba nhân vật: Xi- mông, Blăng- sốt và Phi- líp, nhà văn gợi cho ta về lòng yêu bạn bè, mở rộng ra là yêu thương con người, sự thông cảm với những nỗi đau hoặc lầm lỡ của người khác: + Nhân vật Xi-mông: Là một đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu và đáng thương nhưng đồng thời Xi – mông cũng là đứa rất có nghị lực + Nhân vật Blăng- sốt: Là một người thiếu phụ đẹp, đức hạnh, trót lỡ lầm. + Nhân vật Phi – lip: Là người nhân hậu, giàu tình thương đã cứu sống Xi-mông, nhận làm bố của Xi-mông, đem lại niềm vui cho em. - Giá trị nghệ thuật: Ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả thật sâu sắc, tinh tế; hình thức giản dị trong sáng, thể hiện một nội dung cô đọng, sâu sắc. - Liên hệ bản thân về lòng thương yêu con người, bè bạn. 14. Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang - Giá trị nội dung: Đoạn trích khắc họa thành công hình tượng Rô- bin- xơn. Tuy cuộc sống gian nan nhưng Rô- bin- xơn không thốt ra lời than phiền đau khổ nào khi khắc họa chân dung mình. Trái lại, qua lời kể của chàng, hiện lên như bức chân dung một vị chúa đảo trị vì đảo quốc của mình - Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật miêu tả, khắc họa diện mạo nhân vật được sử dụng thành công, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn.. là nét đặc sắc trong đoạn trích 15. Con chó Bấc - Giắc Lân – đơn sinh năm 1876 mất năm 1916 là nhà văn Mĩ. - Hoàn cảnh sáng tác - Tiếng gọi nơi hoang dã sáng tác năm 1903, là tiểu thuyết ra mắt bạn đọc sau khi ông phải theo những người tìm vàng đến miền Clân-đai-cơ ở Ca-na-đa trở về. - Xuất xứ: Con chó Bấc trích tiểu thuyết này - Giá trị nội dung: Đoạn trích bộ lộ những nhận xét tinh tế của tác giả về con cho Bấc đồng thời thể hiện tình cảm của tác giả đối với loài vật. - Giá trị nghệ thuật: Kết hợp tự sự miêu tả bằng quan sát, nhận xét và trí tượng tượng tuyệt vời của tác giả. Không sử dụng nhân hóa một cách triệt để. Chỉ qua lời kể chuyện đã bộc lộ &tâm hồn& của con chó Bấc. Nhà văn đứng ngoài quan sát và miêu tả chứ không đóng vai nhân vật. 16. Bắc Sơn - Hoàn cảnh sáng tác: Vở kịch Bắc Sơn được Nguyễn Huy Tưởng sáng tác và đưa lên sân khấu vào đầu năm 1946 trong không khí sôi sục của những năm đầu cách mạng - Giá trị nội dung: Đoạn trích thể hiện những xung đột diễn ra trong nội tâm nhân vật Thơm, thúc đẩy diễn biến tâm trạng nhân vật để đi tới bước ngoặt quan trọng, làm nổi bật vẻ đẹp và sự chuyển biến trong nhận thức của nhân vật Thơm - Giá trị nghệ thuật: Tác giả thành công trong việc xây dựng tình huống kịch: Tình huống éo le, bất ngờ, bộc lộ rõ xung đột và thúc đẩy hành động kịch phát triển, tác giả đã tổ chức được các đối thoại với những nhịp điệu, giọng điệu khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn của hành động kịch/. Trên đây là tổng hợp kiến thức cơ bản Ngữ văn 9, kì II; Bài viết sẽ tiếp tục hướng dẫn các em làm các dạng đề tập làm văn 9 kì I, kì II, mời các em đón đọc!