Review Sách Balzac Và Cô Bé Thợ May Trung Hoa - Đới Tư Kiệt

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Vương Tâm Nguyên, 13 Tháng tư 2020.

  1. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    Balzac Và Cô Bé Thợ May Trung Hoa – Đới Tư Kiệt

    Đới Tư Kiệt là một nhà văn và đạo diễn người Pháp gốc Hoa, xuất thân trong một gia đình trí thức. Ông từng có thời gian phải đi cải tạo từ năm 1971 đến 1974. Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa là tiểu thuyết đầu tiên của ông, ra đời vào năm 2000. Bốn năm sau đó, tiểu thuyết được dựng thành phim do chính Đới Tư Kiệt làm đạo diễn.

    [​IMG]

    Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa là câu chuyện xoay quanh hai cậu thiếu niên thành phố: Lạc và nhân vật tôi. Lạc là người có tài kể chuyện, còn nhân vật tôi là một tay chơi vĩ cầm. Trong thời gian Cách mạng văn hóa diễn ra, năm 1971, cả hai được gửi tới vùng miền núi Phụng Hoàng để "cải tạo". Bố mẹ họ là những bác sĩ, nha sĩ, lúc này bị coi là kẻ thù của chính trị. Do đó, trong thời gian cải tạo, hai cậu phải làm những công việc cực nhọc, ăn uống thiếu thốn. Cơ hội được trở về sau cải tạo của họ chỉ có ba phần ngàn.

    Tại đây, cả hai gặp cô gái thợ may và đem lòng cảm mến cô. Một thiếu niên khác cũng "được" cải tạo ở núi Phụng Hoàng là Bốn Mắt. Lạc thường kể cho cô bé thợ may những câu chuyện hiếm hoi mà cậu hết sức khó khăn mới đọc được từ vali sách của Bốn Mắt. Nhờ đó, cô bé thợ may đã có những thay đổi sâu sắc trong tâm hồn. Cô quyết định rời khỏi miền sơn cước, vào thành phố với ý thức rằng vẻ đẹp của phụ nữ là kho tàng vô giá – điều cô học được từ nhà văn Balzac.

    Câu chuyện tuy ngắn nhưng hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa. Ấy là hiện thực xã hội Trung Hoa đầy u ám trong những ngày Văn cách. Là cuộc sống nhàm chán ở vùng núi xa xôi không màu văn minh . Tuy vậy, trong xã hội đó vẫn có một thế hệ trẻ khao khát được vươn đến tri thức đang rực sáng ngoài thế giới kia chứ không chịu núp lùm trong bóng tối mang danh "cách mạng". Cô bé thợ may Trung Hoa, Lạc và nhân vật tôi chính là những đại diện.

    Nhân vật tôi và Lạc là những thiếu niên khi mà đã biết đọc thì chẳng-còn-gì-để-đọc, bị hạn chế về nguồn kiến thức ở thế giới bên ngoài. Có lẽ vì vậy mà khi nhìn thấy chiếc vali Bốn Mắt cất giấu, dù chưa biết đó là gì nhưng hai cậu đã nhận ra chiếc vali ấy toát ra một "mùi văn minh". Khao khát được tiếp cận với thế giới bên ngoài chính là điểm mấu chốt của câu chuyện. Chính nhờ những quyển sách trong chiếc vali đã khai sáng cho hai cậu và cả cô bé thợ may rất nhiều điều. Tựa một ngọn hải đăng soi sáng những con đường bao la ngoài biển cả, họ tìm thấy trong từng trang sách những điều mới lạ, khơi gợi nên những cảm xúc nơi trái tim tuổi mới lớn.


    [​IMG]

    Cách mạng văn hóa là một bầu trời đen tối để bừng sáng lên những vì sao của sức mạnh tri thức . Từ một miền sơn cước hẻo lánh, xa xôi, nơi muốn thấy "bất kì dấu hiệu văn minh nào, phải lặn lội hai ngày qua vùng núi lởm chởm" đã le lói chút ánh sáng văn minh. Nhờ có hai cậu "thiếu niên thành phố" mà lần đầu tiên dân ở đây được biết tới vĩ cầm – thứ mà họ gọi là "đồ chơi vớ vẩn". Từ việc áng chừng thời gian, nay họ đã được biết tới đồng hồ, dấu hiệu lạ lùng của văn minh đó được xem như một vật đáng kính mà mọi người kéo đến để thỉnh giáo. Từ một miền núi không hề biết đến xem phim là gì, trưởng làng cũng đã gửi hai cậu thiếu niên đến vùng khác xem phim để về tường thuật lại. Đó há chăng là những bước chân đầu tiên tiếp cận văn minh?

    Tuy vậy, mảnh đất này vẫn còn tồn tại những bất cập, xuất phát ngay từ trong tư tưởng, đó là thái độ thù nghịch với Tây phương, trung thành mù quáng với Mao Trạch Đông. Hễ có liên quan đến Tưởng Giới Thạch thì hiển nhiên trở thành tội đồ, thành phản động. Chính lối suy nghĩ ấy đã làm khổ bao nhiêu trí thức, vùi dập họ tới bước đường cùng. Bên cạnh tư tưởng đó, núi Phụng Hoàng vẫn còn tồn tại những điều lạc hậu, mê tín như gọi bà đồng, chữa bệnh bằng cách quất roi vào người, không biết nha sĩ là gì.. Đó là những điều hạn chế tạo thành một vách ngăn vô hình giữa con người và văn minh.

    Ngay từ tên truyện cũng là một sự va đập giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Điều này còn được thể hiện qua các chi tiết như chiếc đồng hồ con gà và cây vĩ cầm. Nhưng hẳn độc giả cũng có thể nhận thấy được tác động xuyên suốt và mạnh mẽ nhất truyện là chiếc vali sách của Bốn Mắt – nơi chứa đựng cả một thế giới khác và là ngọn nguồn của mọi sự mở mang mới. Bắt đầu từ Ursule Mirouët của Honoré de Balzac đã khơi gợi trong hai cậu bé thiếu niên một niềm khao khát mãnh liệt với thế giới văn chương về tình yêu và phép lạ. Để rồi ngay lập tức Lạc đọc xong, liền đi tìm cô bé thợ may để kể cho cô nghe. Còn nhân vật tôi lại tìm cách chép những câu yêu thích trong đó vào chiếc áo khoác da cừu. Sau khi nghe Lạc kể, cô bé thợ may đã dành một niềm trân trọng và nâng niu đối với tác phẩm của Balzac, chiếc áo nằm trong lòng tay cô như một linh vật trong tay tín đồ.

    Chính nhờ niềm khao khát được cầm trên tay và phiêu lưu trong từng trang sách mà hai cậu đã có ý định trộm vali sách của Bốn Mắt để có thể đọc được nhiều hơn. Thời buổi bấy giờ, muốn tìm đến tri thức cũng phải lén lút và hành động như chuột thì thật đáng buồn biết bao. Nhưng với trí tò mò trong hoàn cảnh đói khát tri thức, hai cậu bé không ngại gì điều đó. Một lí do khác thôi thúc hai cậu, đó là làm cho cô bé thợ may văn minh hơn. Rồi thì phi vụ cũng trót lọt, trong tay hai cậu là cả "đống sách rực sáng dưới ánh đèn pin", "trên cùng là năm sáu bộ tiểu thuyết của ông bạn cũ Balzac, rồi tới Victor Hugo, Stendhal, Dumas, Flaubert, Baudelaire, Romain Rolland, Rousseau, Tolstoy, Dostoyevsky, và cả vài nhà văn Anh: Dickens, Kipling, Emily Bronte.. khiến hai cậu mừng quýnh, vuốt ve những cuốn sách như chạm vào đời người và cảm thấy ghê tởm những kẻ đã không cho họ được biết đến những cuốn sách này trước đây. Tựa chừng đó là một hành động che giấu tội ác vậy.

    Từ đây, công cuộc khai sáng tri thức, đem lại văn minh cho cô bé thợ may bắt đầu. Nhưng rồi, cô bé thợ may lại thay đổi quá nhanh chóng. Từ một cô sơn nữ dân dã, trở thành một cô gái độc lập và hiện đại, thay đổi trang phục, cắt tóc ngắn, từ bỏ người cha, từ bỏ quê hương và cả hai cậu" thiếu niên thành phố"– người đã giúp cô khai mở văn minh để ra thành phố. Những điều mà cô được nghe kể qua những câu chuyện chính là nguyên nhân hình thành nên những suy nghĩ thay đổi này, mà trực tiếp nhất có thể nói là những cuốn sách của Balzac, nơi ông cô đã học được một điều rằng vẻ đẹp của người phụ nữ là kho tàng vô giá. Có thể nói đây chính là ví dụ điển hình về sức ảnh hưởng của văn chương đối với người tiếp nhận.

    Xét đến cùng, sự thay đổi của cô gái thợ may là một điều tất yếu. Balzac và những tư tưởng mới đã giúp cô nhận ra giá trị của bản thân, để mà trân trọng bản thân và tìm cho mình hướng đi khai mở.

    Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa là một lựa chọn thật sự phù hợp cho người trẻ, đọc để hiểu, để cảm nhận và để rèn luyện tâm hồn. Hoặc như để tìm hiểu rõ hơn về Trung Hoa những ngày Cách mạng văn hóa, ắt hẳn tiểu thuyết của Đới Tư Kiệt là một gợi ý không tồi.

    Vương Tâm Nguyên.
     
    myhanh305Bụi thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tư 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...