Bài viết tập làm văn số 1 lớp 11

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Đặng Châu, 7 Tháng chín 2018.

  1. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    399
    Đề 1: Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?

    Dàn ý:
    Mở bài:
    Truyện cổ tích là nơi mà người Việt xưa gửi gắm những ước mơ khát vọng của mình trong cuộc sống.
    Một trong rất nhiều ước mơ mà người xưa mong muốn là thiện thắng ác, tốt thắng xấu.
    Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu cho khát vọng ấy.
    Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ nóng bỏng trong cổ tích mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị của nó. Nghĩa là không chỉ xưa, mà ngay cả nay, con người chân chính luôn vươn tới khát vọng ấy.

    Thân bài:
    a) Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong tác phẩm "Tấm Cám".

    + Hoàn cảnh của Tấm: Mồ côi mẹ, cha mất sớm, ở mẹ con Cám, bị mẹ con Cám tìm mọi cách hãm hại.
    + Sự độc ác của mẹ con Cám:
    • Khi Tấm còn ở chung với mẹ con Cám: Tước đoạt mọi quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần của Tấm.
    • Sau khi Tấm trở thành hoàng hậu: Lừa giết Tấm, giết cả những kiếp hóa thân của Tấm.
    + Nhận xét:
    • Mẹ con Cám là đại diện cho tuyến ác, cái ác càng lúc càng lộ liễu, tàn nhẫn, nhiều thủ đoạn.
    • Tấm là đại diện cho cái thiện. Cái thiện luôn bị cái ác chèn ép, hãm hại. Ban đầu, Tấm nhu nhược, bị động, chỉ biết trông chờ vào Bụt. Về sau, Tấm tự vươn lên, tự đấu tranh để giành hạnh phúc.
    b) Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xã hội xưa và nay:
    Trong xã hội xưa:

    • Cái ác thường có thế lực mạnh, bất chấp thủ đoạn để hãm hại cái thiện.
    • Cái thiện không đơn độc mà luôn được sự giúp đỡ của mọi người.
    • Cái thiện phải tự trưởng thành, tự đấu tranh để giành hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh đó cái thiện có thể phải trải qua nhiều thử thách, nhưng kết quả cuối cùng cái thiện luôn chiến thắng cái ác, cái ác luôn bị trừng phạt.
    Trong xã hội ngày nay:
    • Cái thiện và cái ác vẫn song song tồn tại và cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xãhội vẫn còn mãi như một quy luật tất yếu.
    • Cái ác càng nhiều thủ đoạn, càng thâm hiểm hơn.
    • Cái thiện phải xây dựng được vị trí xã hội vững chắc, lập trường vững vàng, phải đoàn kết để chống cái ác.
    Kết bài
    Liên hệ bản thân rút ra bài học:
    • Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ tồn tại trong xã hội xưa và nay mà còn tồn tại trong bản thân mỗi người.
    • Cần xây dựng nhân cách tốt đẹp để vững vàng trước những tác động xấu.
    • Kiên quyết đấu tranh chống cái xấu, cái ác trong xã hội.
    Bài mẫu

    Từ nhỏ chúng ta đều đã được nghe về chuyện Tấm Cám, câu chuyện không chỉ mang tính giáo dục cao mà còn là thể hiện khát vọng một cuộc sống bình an, công bằng. Công bằng ở đây nói chính xác là cái thiện sẽ thắng cái ác, người ác sẽ bị trừng trị và người tốt sẽ được hạnh phúc, đó là ước nguyện muôn đời của nhân dân. Và chính ở truyện Tấm Cám, chúng ta có thể thấy rõ ước nguyện ấy, thông qua câu chuyện, chúng ta hiểu rõ hơn về mâu thuẫn trong xã hội. Mà không chỉ có thời xưa mà ngay đến thời nay, con người vẫn giữ ước nguyện ấy và hy vọng sẽ thành hiện thực.

    Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong xã hội xưa được khắc họa qua truyện Tấm Cám. Vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng Tấm lại rất hiền lành, hiểu lễ nghi và luôn chấp nhận cho số phận khổ sở của mình mà không một chút oán trách. Tấm sống cùng sự ghẻ lạnh và hành hạ của mẹ con Cám, hết lần này đến lần khác cô bị hãm hại từ thể chất đến tinh thần. Nhưng dù có tủi nhục và đau đớn hơn nữa thì Tấm vẫn luôn lạc quan và luôn giữ lễ nghi đúng mực với mẹ Cám và chăm lo cho Cám. Sau khi cô trở thành Hoàng hậu, mẹ con họ vẫn không buông tha cho cô, luôn lừa giết cô và cả những lần hóa thân.

    Từ đó, ta thấy mẹ con Cám là đại diện cho cái ác, cho những điều xấu xa, thấp hèn, trái với lương tâm. Cái ác đó ngày càng lộ liễu, tàn nhẫn với nhiều thủ đoạn. Còn Tấm đại diện cho cái thiện, cho những điều tượng trung cho chính nghĩa, lẽ phải. Cái thiện luôn bị cái ác chèn ép, bắt nạt, hãm hại. Ban đầu, Tấm nhu nhược, bị động, bị hãm hại chỉ biết khóc và trông chờ vào sự giúp đỡ của Bụt. Thế nhưng con người ta khi bị áp bức quá mức, bị dồn vào thế đường cùng, đi quá giới hạn mà lòng chịu đựng cho phép thì sẽ tự vùng lên, đấu tranh kiên quyết với cái ác để giành lại hạnh phúc cho mình.

    Nhưng người xưa có câu: "'Ở hiền gặp lanh, ác giả ác báo''. Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong xã hội xưa đã rất căng go, quyết liệt. Cái ác có thế lực mạnh, bất chấp thủ đoạn để hãm hại cái thiện. Nhưng cái thiện không đơn độc mà luôn có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Cái thiện phải tự trưởng thành, tự đấu tranh để giành lại hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh đó, cái thiện luôn phải trải qua những gian nan, thử thách nhưng kết quả cuối cùng thì phần thắng vẫn nghiêng về cái thiện và cái ác sẽ bị trừng trị.

    Bất kể nơi nào cái thiện tồn tại thì ở đó mầm móng cái ác luôn rình rập. Chúng luôn tác động, bài trừ, gạt bỏ nhau nhưng lại là tiền đề tồn tại cho nhau. Không nơi nào tồn tại toàn những người tốt, và cũng sẽ chẵng có một xã hội với tất cả những công dân xấu cả. Cái tốt cái xấu đã và đang hiện hữu trong mỗi chúng ta, thật sai lầm khi chúng ta sống mà chỉ cố gắng làm điều tốt! Người tốt thật sự là người biết tự nhìn nhận ra những sai lầm của bản thân và tránh lập lại chúng. Hơn nữa, không có quan niện thiện, ác nào là vĩnh viễn đối với mọi thời đại, đúng với mọi giai cấp, mọi hoàn cảnh cụ thể.

    Trong xã hội hiện đại ngày nay, cuộc đấu tranh ấy vẫn không ngừng nghỉ, vẫn đầy cam go, quyết liệt. Cái thiện và cái ác vẫn song song tồn tại. Cái ác ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, nham hiểm hơn. Các quan chức nhà nước biến chất dựa vào quyền lực và địa vị để tham ô, ăn hối lộ, vùi dập những người dám đấu tranh. Tiêu biểu như ông Nguyễn Đức Kiên_phó chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng ACB đã có những hành vi thu lợi nhuận bất chính, gây rối loạn thị trường tiền tệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tài chính của chính phủ. Giới xã hội đen bất chấp luật pháp, dùng bạo lực và đồng tiền để thực hiện các hành vi phạm pháp, khống chế người khác, chà đạp nhằm mục đích buôn bán chất cấm, phụ nữ và trẻ em, . . . Những kẻ tha hóa, biến chất, lười lao động, ăn chơi xa đọa, sẵn sàng làm ất cứ chuyện gì trái với đạo nghĩa làm người để thỏa mãn mục đích cá nhân ích kỉ, xấu xa, bỉ ổi của mình mà không thèm quan tâm đến hậu quả về sau. Cuộc đấu tranh trong bản thân mỗi người để chống lại thói hư tật xấu như tham lam, ích kỉ, gian lận, . . . mới là gay go nhất bởi vì trong mỗi con người luôn tồn tại hai mặt tốt và xấu.

    Nhưng hãy thử đặt trường hợp mẹ con Cám là đại diện cho cái ác mà lại sống hạnh phúc thì sao? Thì trẻ em ngày nay đến trường chỉ được dạy về sự bất công, dạy về những sự chịu đựng khốn cùng khi chịu thiệt thòi mà từ đó thế hệ mai sau trở nên nhu nhược và không dám đứng về phía công bằng và hòa bình. Và khi đó, trẻ em đến trường chỉ để được gieo vào sự thù hận vào tâm trí. Rồi một ngày nào đó bạn chợt nhận ra rằng thế giới xung quanh chúng ta đều là những người dửng dưng và vô tâm. Hãy thử tưởng tượng một ngày nọ bạn chứng kiến cảnh một vụ cháy, nhưng những người xung quanh chẳng ai mảy may quan tâm mà chỉ lo chuyện của chính mình thì sẽ như thế nào? Tất nhiên bạn sẽ mất niềm tin vào cuộc sống này và tự đặt câu hỏi mình sinh ra trên đời để làm gì. Và cứ như thế, Trái Đất bao trùm trong lạnh lẽo.

    Và tưởng tượng xem một ngày nọ, trên đường phố, chủ các chiếc xe đều nhường nhau chạy trước. Một chủ tiệm vàng trông thấy một người lao công đang thu gôm rác cực khổ, liền giúp đỡ cho ông ấy. Ông chủ các công ty đứng ở cổng hỏi thăm từng nhân viên rồi trao tặng những suất giúp đỡ cho những người có hoàng cảnh hơi túng thiếu. Ở các khu phố, người ta đến gọi cửa từng nhà tặng sách giáo khoa trong khi trên Tivi đang đưa tin sách đang lên giá.

    Bởi vậy mới nói, cái ác có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi nhưng xung quanh đó vẫn còn nhưng cái tốt đang hiện diện xung quanh. Và chính vì thế mà chúng ta cần phải xây dựng được vị trí xã hội vững chắc, lập trường vững vàng, phải đoàn kết để chống cái ác. Sống nhu nhược, yếu đuối cũng không phải là sống tốt, trước cái ác con người phải kiên quyết đấu tranh để đòi lại những thứ đáng thuộc về mình.

    Dù muốn hay không thì bên trong chúng ta vẫn luôn tồn tại một mặt trái ngược với bản thân bây giờ. Quan trọng là chúng ta có thể ý thức được mặt nào cần thiết và mặt nào không cần thiết để phát triển và trở thành một phần tạo nên một xã hội tốt đẹp hay không. Tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là ý thức cá nhân của mỗi con người, một khi nhận thức chính xác được cái gì là đúng hay sai thì tự khắc bản thân ta sẽ biết phải làm gì. Như Robin Sharmatừng nói: "Bạn sẽ biết khi nào bạn biết."

    Tham khảo: vndoc.com.
     
    Tiểu Thư thích bài này.
  2. Đặng Châu Cảm ơm vì sự cố gắng của bạn.

    Bài viết:
    399
    Đề 3:
    Nghị luận xã hội về vấn đề học đi đôi với hành




    I. Mở bài: giới thiệu về vấn đề cần bàn luận “ học đi đôi với hành”

    Trong mỗi chúng ta ai cũng đã từng cắp sách đến trường. Ai đến trường cũng có cách học riêng cho chính bản thân mình, và cách học truyền thống xưa nay ông bà ta vẫn dạy là “ học đi đôi với hành”. Đây là một cách học phối hợp giữa học và thực hành, là một cách học vô cùng hữu ích. Nhưng ít ai nhận ra được sự hữu ích của cách học này, sua đây chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn “ học đi đôi với hành”.

    II. Thân bài
    1. Giải thích học là gì? Hành là gi?

    a. Học là gi?
    - Học là lãnh hội, tiếp thu kiến thức từ những nguồn kiến thức như thầy cô, trường lớp,….
    - Sự tiếp nhận các điều hay, hữu ích trong cuộc sống và xã hội.
    - Học còn là nền tảng cho việc áp dụng áp dụng thực tế đạt hiệu quả.
    - Học không chỉ là sự tiếp nhận kiến thức mà còn là việc học các lễ nghi, các điều hay lẻ phải của cuộc sống,….
    - Những người không có kiến thức sẽ không tồn tại trong xã hội.

    b. Hành là gì?
    - Hành là việc vận dụng những điều học được vào thực tế của cuộc sống.
    - Hành còn là mục đích của việc học, để có đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
    - Thực hành giúp ta nắm chắc kiến thức hơn, nhớ lâu hơn và hiểu sâu hơn những điều được học.
    => tại sao học phải đi đôi với hành?
    - Học mà không có hành sẽ không hiểu được vấn đề, gây lãng phí thời gian
    - Còn hành mà khong có học sẽ không có kết quả cao

    2. Lợi ích của “ học đi đôi với hành”
    - Hiệu quả trong học tập
    - Đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả
    - Học sẽ không bị nhàm chán

    3. Phê phán lối học sai lầm
    - Học chuộng hình thức
    - Học cầu danh lợi
    - Học theo xu hướng
    - Học vì ép buộc

    4. Nêu ý kiến của em về “ học đi đôi với hành”
    - Học đi đôi với hành là một phương pháp học đúng đắn
    - Nêu cách học của mình
    - Thường xuyên vận dụng cách học này
    - Có những ý kiến để phát huy phương pháp học này

    5. Khẳng định học đi đôi với hành là một phương pháp học hiệu quả.

    [​IMG]

    III. Kết bài: nêu cảm nghĩ của e về “ học đi đôi với hành”

    Học và hành là hai hình thức mà chúng ta phải làm tốt cả hai và kết hợp chúng với nhau một cách hiệu quả. Học giỏi nắm chắc kiến thức thì mới giúp ta hành tốt, nếu học tốt mà không thực hành cũng bỏ đi. Hành sẽ bổ sung, hoàn thiện kiến thức mà ta học được. Mỗi học sinh chúng ta đều phải học tốt, hành tốt và kết hợp “Học đi đôi với hành”.

    Bài văn mẫu
    Bàn về phép học thì ắt hẳn chúng ta đều tự định hình cho mình một cái nhìn về việc học hành mà thông qua đó là cách học riêng của mỗi chúng ta. Ai khi đến trường cũng tự nhận thức được việc học quan trọng, nhưng không phải ai cũng có cách học đúng đắn để có thể phát triển tốt bản thân. Nhưng tôi tin chắc rằng luôn có một công thức học hiệu quả cho tất cả mọi người mà qua đó là nguồn gốc của các phương pháp học tiên tiến hiện nay, đó là "học đi đôi với hành" mà ông bà ta hay nói.

    Trước hết để có thể hiểu hết ý nghĩa của câu nói trên, thì bản thân ta phải hiểu rõ học là gì, hành là gì. Trước hết là học. Học là một hành động bản năng của con người khi tiếp xúc với cái mới, là sự lĩnh hội các kiến thức được truyền qua nhà trường, thầy cô, bạn bè và môi trường xung quanh. Học không chỉ là học về kiến thức, mà còn là học về lễ nghi, học về cách đối nhân xử thế. Mà qua đó, học có thể là nền tảng để áp dụng vào thực tế, khiến mọi thứ chuyển động đúng quỹ đạo và mục đích cá nhân. Mục đích của việc học là để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết về nhiều mặt để có thể làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình, góp phần hữu ích vào việc xây dựng sự nghiệp riêng và sự nghiệp chung.

    Nhưng để áp dụng được tốt thì ta lại phải nói về "hành". Hành ở đây là thực hành, là tự trải nghiệm thực tế về những gì mình đã biết đến môi trường xung quanh mà từ đó có thể khám phá ra cái mới trong mỗi trường hợp đặc biệt. Không những thế, thực hành còn giúp ta ghi nhớ sâu kiến thức và hiểu cặn kẽ những gì chúng ta đã học. Ví dụ như thay vì để đo chiều cao một cái cây thì bạn phải đo từ đỉnh ngọn đến gốc thì với công thức Toán học dễ dàng, bạn có thể tính được ngay lập tức. Hoặc một luật sư mang những kinh nghiệm mười mấy năm đứng trước tòa án của mình để giúp đỡ các sinh viên trên tòa án giả định, đó là hành.

    Học để hành, có nghĩa là phải học để làm cho tốt. Thực tế cho thấy có học vẫn hơn. Ông cha chúng ta đã khẳng định: Bất học bất tri lí, có nghĩa là không học thì không biết đâu là phải, là đúng. Người có học khác hẳn người vô học không phải chỉ ở chữ nghĩa mà còn ở nhiều thứ khác như trình độ nhận thức, khả năng ứng xử trong giao tiếp xã hội, khả năng giải quyết công việc trong những tình huống phức tạp… Mục đích của việc học là để làm cho mọi công việc được thực hiện với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Theo như ông bà ta nói, thì học nhất định phải đi đôi với hành, không thể tách rời nhau ra được. Vì nếu học không có hành thì chỉ là lãng phí thời gian vào những thứ mà ta không thể hiểu, từ đó dẫn đến sự nhàm chán và rồi ta sẽ từ bỏ việc học. Và ngược lại, thực hành mà không học thì rất khó tiếp thu. Đó chính là lý do vì sao các môn khó tiếp thu như Toán, Lý, Hóa luôn cho những bài toán thực tế, điều đó giúp lôi cuốn người học và tìm được đam mê giữa những môn học này mà không nhàm chán, tăng hiệu quả học. Từ đó tạo nên nguồn nhân lực trí thức và chất lượng.

    Nhưng bên cạnh đó vẫn có những lối học sai lầm được các bạn trẻ ưa chuộng ngày nay. Ví dụ như chạy theo những môn học thời thượng và xem thường những môn học truyền thống. Điều này là không nên vì làm như vậy sẽ không thể phát triển toàn diện và không đủ kiến thức về cuộc sống để xử lí những tình huống cấp thiết. Hoặc chỉ lo nhồi nhét kiến thức mà không bước ra ngoài tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động trải nghiệm, như đã nói bên trên, học mà không có hành tất nhiên không có hiệu quả, mà học thiếu đi những kiến thức về đời sống thì ta cũng chẳng làm được gì. Ví dụ như bạn đang đi ngoài đường thì gặp một vụ cướp, mặc dù bạn biết lúc đó mình cần gọi ngay cho cảnh sát và đuổi theo tên cướp nếu có thể. Nhưng do chưa bao giờ tiếp xúc với trường hợp thực tế cũng như thực hiện mọi việc quá máy móc nên kết quả là bạn chẳng làm được gì cả.

    Điều quan trọng nhất là làm sao đưa lí thuyết vào thực tiễn để được kiểm nghiệm, cụ thể hóa bằng những sản phẩm có thực. Và quan trọng nhất vẫn là tinh thần tự giác, tự học của bản thân người học. Rosie Nguyễn từng viết trong Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu rằng tự học là điều khó vì bạn phải tự quản lý kỷ luật bản thân, tự mình dạy mình nhưng có hiệu quả đến cả đời. Theo đó, mỗi ngày tôi luôn dành ra ít thời gian tầm nửa tiếng hay một tiếng để đọc, đọc sách, đọc báo, đọc những bài viết. Việc đó không chỉ làm tôi có thêm hiểu biết mà còn giúp tôi luyện khả năng tư duy suy nghĩ từng khía cạnh của sự việc. Sau đó việc phân bố thời gian học là không thể không đề cập đến. Sắp xếp thời gian làm bài tập và học trên lớp và sau đó tự mình dạy mình những kiến thức mở rộng mà mình thích. Qua một năm nhìn lại, tôi cảm thấy bản thân đã học được nhiều điều.

    Là một học sinh, cần phải nghiêm túc trong việc học. Học là phải hiểu, và hiểu là phải thực hành. Không học vẹt, học tủ, học qua loa cho có. Khi học xong thì cần phải ôn lại bài và làm lại các bài tập vận dụng để có thể nhớ được những bài vừa học. Và một điều không thể thiếu là cần phải sáng tạo, mạnh dạn nói lên kiến thức và suy nghĩ của mình để góp phần cho việc học thêm tốt và thành công hơn.

    Học và hành là hai hình thức mà chúng ta phải làm tốt cả hai và kết hợp chúng với nhau một cách hiệu quả. Học giỏi nắm chắc kiến thức thì mới giúp ta hành tốt, nếu học tốt mà không thực hành cũng bỏ đi. Hành sẽ bổ sung, hoàn thiện kiến thức mà ta học được. Mỗi học sinh chúng ta đều phải học tốt, hành tốt và kết hợp “Học đi đôi với hành”.

    Tham khảo: hadim.vn
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...