Nghị luận: Thi trung hữu họa, Thi trung hữu nhạc

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nguyễn Hoàng Đan, 25 Tháng tám 2020.

  1. Nguyễn Hoàng Đan Này cậu, cậu còn nhớ mình của năm đó chứ?

    Bài viết:
    110
    Đề bài:

    Cổ nhân từng nói: "Thi trung hữu họa", "Thi trung hữu nhạc".

    Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng sự hiểu biết của mình về văn học hiện đại Việt Nam, hãy làm sáng tỏ.

    Hướng dẫn:

    I. Mở bài:
    Giới thiệu vấn đề nghị luận

    II. Thân bài

    1. Giải thích ý kiến

    a. Giải thích từ ngữ

    Thi: Thơ

    Thi trung hữu họa: Trong thơ có họa

    Thi trung hữu nhạc: Trong thơ có nhạc.

    Nghĩa thuần Việt: Trong thơ có âm nhạc, trong thơ có hội họa

    b. Giải nghĩa ý nghĩa: Đây là một quan niệm trong phạm trù văn học trung đại. Tuy nhiên học sinh cần phải đặt quan niệm này trong bối cảnh hiện nay (phạm trù văn học hiện đại) để lý giải và cắt nghĩa

    * Thơ, Nhạc, Họa

    + Thơ là loại hình nghệ thuật dùng chất liệu ngôn từ, Nội dung cốt lõi của thơ là chất trữ tình. Hình thức là sự phân dòng.

    + Hội họa: Là loại hình nghệ thuật tạo hình. Hội họa dùng chất liệu mầu sắc, đường nét, hình khối và độ sáng tối để miêu tả thế giới

    + Âm nhạc: Âm nhạc là bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh, nhịp điệu để diễn tả tư tưởng tình cảm và đời sống. Âm thanh ở đây không phải là âm thanh bình thường mà là âm thanh nghệ thuật người ta gọi là nhạc âm. Yếu tố tạo nên nhạc âm là: Cao độ, trường độ, âm sắc, cường độ. Như vậy đây là 3 loại hình nghệ thuật khác nhau với đặc trưng riêng biệt về chất liệu.

    * Trong thơ có nhạc, họa

    + Trong thơ có nhạc chính là tính nhạc trong thơ: Khi nói đến nhạc tính trong thơ là muốn nói đến những yếu tố tác động ngoài ngữ nghĩa, những yếu tố tạo nên bởi cái vỏ âm thanh của từng từ ngữ cùng với sự kết hợp âm thanh giữa nhiều từ ngữ theo những nhu cầu biểu cảm mà người làm thơ muốn tạo ra cho người đọc, người nghe. Nó được thể hiện ở các mặt sau: Sự trầm bổng, sự cân đối và sự trùng điệp.

    • Sự trầm bổng: là sự thay đổi âm thanh cao thấp khác nhau giữa các thanh điệu, tạo nên giai điệu cho câu thơ. Có 2 cách để tạo cung bậc của thanh điệu. Cách 1: Dựa vào cao độ của điểm kết thúc: Các thanh có âm vực cao là thanh ngang, thanh ngã, thanh sắc; Các thanh có âm vực thấp thanh huyền, thanh hỏi, thanh nặng. Cách 2: Dựa vào đường nét vận động: Các thanh có đường nét bằng phẳng: Thanh huyền, thanh ngang (gọi là thanh bằng), các thanh có đường nét không bằng phẳng gãy khúc là thanh ngã, hỏi, sắc, nặng. (gọi là thanh trắc). Như vậy sự phối thanh trong từng câu thơ, bài thơ sẽ tạo nên sự trầm bổng hay tạo nên tính nhạc trong thơ

    • Sự cân đối: Sự cân đối đượng thể hiện ở sự tương xứng, hài hòa giữa các dòng thơ và nhịp điệu. Nhịp điệu thơ được tạo ra nhờ vào cách ngắt nhịp. Có nhiều cách ngắt nhịp tạo nên nhịp điệu khác nhau: Nhịp chẵn, nhịp lẻ, nhịp cân xứng, nhịp không cân xứng.. Từ đó tạo nên nhạc tính cho bài thơ

    • Sự trùng điệp: Sự trùng điệp được thể hiện ở điệp âm, điệp vần, điệp thanh, điệp câu, điệp ngữ.. Các âm thanh đó được láy đi láy lại tạo ấn tượng quấn quýt, liên kết, không dứt, tạo thành dòng âm thanh chứa đựng cảm xúc.

    Như vậy: Đối với mỗi bài thơ khác nhau, sẽ có sự trầm bổng, sự cân đối, sự trùng điệp khác nhau. Điều này tạo nên đặc trưng riêng của nhạc tính trong mỗi bài thơ.

    + Trong thơ có họa chính là tính họa trong thơ: Khi nói đến tính họa trong thơ là nói đến sự tạo hình trong thơ. Tạo hình trong thơ là cách dùng ngôn ngữ hòa phối mầu sắc, ánh sáng, hình khối, đường nét để tạo nên hình tượng nghệ thuật.

    Tóm lại: Trong thơ có nhạc, họa là sự khẳng định một đặc trưng cơ bản của văn học: Văn học là loại hình nghệ thuật tổng hợp

    2. Lý giải ý kiến

    - Thơ - nhạc - họa đều là các loại hình nghệ thuật, song có sự khác biệt, đặc biệt là về chất liệu. Tuy nhiên dù là chất liệu gì thì các loại hình nghệ thuật ấy cùng phản ánh đời sống của con người

    - Chất liệu của thơ là ngôn từ. Ngôn từ văn học có vỏ âm thanh, sử dụng nghệ thuật âm thanh sẽ tạo nên tính nhạc trong thơ, hay nói cách khác, tính nhạc trong thơ là một điều tất yếu.

    - Chất liệu của thơ là ngôn từ mà ngôn từ là phương tiện để tư duy, nó có thể phản ánh thế giới một cách đầy đủ nhất, vừa khái quát, vừa cụ thể. Chính vì thế tất cả mầu sắc, đường nét, hình khối, ánh sáng đều có thể được ngôn từ miêu tả, khắc họa thành những hình tượng nghệ thuật. Hay nói cách khác, tính họa trong thơ cũng là một tất yếu

    - Mặt khác ngôn từ văn học với những đặc trưng cơ bản: Tính phi vật thể, tính vô cực hai chiều không gian và thời gian, cho nên nó có thể khắc phục được sự giới hạn của vật thể, không gian, thời gian của âm nhạc và hội họa, do đó văn học có khả năng phát huy tất cả các thế mạnh của âm nhạc và hội họa. Do đó, góp phần thể hiện chất trữ tình một cách sâu sắc.

    - Đặc trưng của hình thức thơ là các dòng thơ. Tính nhạc và tính họa giúp co các dòng thơ có sự liên kết, nhịp nhàng, dễ đi vào lòng người đọc.

    3. Chứng minh

    Khi chứng minh yêu cầu học sinh:

    - Chọn đúng tác phẩm trong phạm vi tư liệu (văn học hiện đại)

    - Phân tích để thấy được tính nhạc và tính họa trong thơ

    + Chỉ rõ tính nhạc trong thơ thể hiện ở: Sự trầm bổng, sự cân đối, sự trùng điệp (chỉ rõ bài thơ đó trầm hay bổng (nếu là phố hợp trầm bổng thì chỉ rõ trầm ở câu nào, bổng ở câu nào), bài thơ đó cân đối hay bất cân đối, do đâu tạo nên được sự cân đối đó, bài thơ có trùng điệp hay không? Điều gì tạo nên sự trung điệp)

    + Chỉ rõ tính họa trong thơ: Nhà thơ đã dùng ngôn ngữ để thể hiện mầu sắc, đường nét, hình khối.. như thế nào. Chỉ rõ sự tinh tế trong việc phối mầu, dựng cảnh để tạo nên tính nghệ thuật hội họa trong bài thơ..

    - Chỉ ra và phân tích tác dụng của tính nhạc và họa trong việc thể hiện chất trữ tình và sự lôi cuốn của thơ

    - Phạm vi dẫn chứng: Gồm nhiều thể loại thơ, nhiều giai đoạn..

    4. Mở rộng, nâng cao

    - Vấn đề xưa nhưng hoàn toàn đúng và có sự phát triển trong giai đoạn văn học hiện đại (khuyến khích học sinh có sự so sánh giữa văn học trung đại và văn học hiện đại)

    - Để tạo nên bài thơ có chất họa, chất nhạc, người nghệ sỹ phải là một tài năng về sử dụng ngôn ngữ. Hơn nữa, tài năng đó phải trở thành độc đáo, không lặp lại. Điều đó tạo nên phong cách riêng của mỗi nhà thơ.

    - Bài học cho người sáng tác: Nghiêm túc, sáng tạo trong việc sử dụng ngôn từ

    - Bài học cho người tiếp nhận: Nghiêm túc, có trình độ để có thể cảm nhận được âm nhạc, hội họa trong thơ, để cảm nhận sự độc đáo, đặc sắc của loại hình nghệ thuật tổng hợp thơ ca.
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 8 Tháng một 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...