Bài làm: Không biết từ bao giờ, trăng đã thành nàng thơ, thành người bạn tri âm, tri kỉ của biết bao tâm hồn thi sĩ. Đã có "trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần" của Xuân Quỳnh là sông trăng, thuyền trăng, "trăng nằm sông soãi trên cành liễu" của nhà thơ lãng mạn Hàn Mặc Tử hay ánh trăng hữu tình trong thơ Hồ Chí Minh. Trong miền thơ mênh mang ấy, "Ánh trăng" của Nguyễn Duy như một lời tâm sự chân thành đã neo vào tâm hồn người đọc những tâm trạng kia, những suy ngẫm giàu trăn trở. Bài thơ được sáng tác năm 1978 khi đất nước đã thống nhất in trong tập "Ánh trăng". Nhan đề bài thơ là "Ánh trăng" nhưng không phải là một bức tranh miêu tả cảnh, miêu tả trăng mà nó mang dáng dấp một tự sự và những suy nghĩ đượm màu triết lí. Mở đầu bài thơ, tác giả đã tái hiện những kí ức về vầng trăng trong quá khứ và vầng trăng ở hiện tại. Hai câu thơ đầu tiên đã gợi lại những kỉ niệm đẹp, những tình cảm gắn bó giữa con người với con người và vầng trăng trong quá khứ: "Hồi nhỏ sống với đồng Với sống rồi với bể Hồi chiến tranh ở rừng Vầng trăng thành tri kỉ" Lời thơ nhẹ nhàng như những lời thủ thỉ, tâm tình, kể về một quãng thời gian của tuổi thơ, tuổi trẻ, nhất là quãng thời gian chiến tranh đau khổ. "Hồi nhỏ" và "hồi chiến tranh" là hai mốc thời gian mở ra một không gian bao la, mênh mông suối nước, khoảng trời ấy nuôi lớn cả một tâm hồn tuổi thơ với bao khát vọng. Điệp từ "hồi" gợi nhắc sự hồi tưởng và gắn bó sâu sắc của trăng với con người. Bên cạnh đó, điệp từ "với" được nhắc lại ba lần cũng đã nhấn mạnh được sự thân thiết, gần gũi giữa con người với thiên nhiên. Hai tiếng "tri kỉ" chính là gắn bó thân thiết, khi trở thành người lính, hành quân trên những nẻo đường trăng tròn, nằm ngủ dưới trăng, ánh trăng lung linh tỏa sáng như người bạn tri kỉ của người lính. Tác giả rất thành công trong việc nhân hóa "trăng" như một người bạn thân thiết, tri âm tri kỉ, là đồng chí của người lính cách mạng. Cuộc sống "hồi nhỏ", "hồi chiến tranh" tuy vất vả, khó khăn mà chan hòa với thiên nhiên. Cuộc sống ấy bình dị, vô tư và mênh mông hoài bão như thiên nhiên. Vì lẽ ấy, trăng chính là hiện thân của quá khứ, của kí ức chan hòa tình nghĩa. "Trần trụi với thiên nhiên Hồn nhiên như cây cỏ Ngỡ không bao giờ quên Cái vầng trăng tình nghĩa" Ở khổ thứ hai, tác giả sử dụng phép so sánh "trần trụi, hồn nhiên" với "thiên nhiên", "cây cỏ" chỉ lối sống đơn giản, mộc mạc, mọi buồn vui, sướng khổ đều gắn bó với trăng. "Không bao giờ quên" là một lời khẳng định chắc nịch rằng trăng luôn sống mãi trong lòng chúng ta, nhưng khi kết hợp với từ "ngỡ", kết quả lại ngược lại, ý thơ bị lung lay, báo trước một sự thay đổi. Vầng trăng đã gắn bó với con người từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành như một người bạn tri kỉ, nhưng liệu vầng trăng có mãi mãi bền vững với con người- "cái vầng trăng tình nghĩa" ấy. Đến với khổ thứ ba, tác giả đã thể hiện cảm xúc của mình về vầng trăng của hiện tại. Khi chiến tranh kết thúc, người lính từ giã núi rừng trở về với thành phố nơi đô thị hiện tại. "Từ hồi về thành phố Quen ánh điện cửa gương Vầng trăng đi qua ngõ Như người dưng qua đường" Hình ảnh "ánh điện cửa gương" ở khổ thơ trên được dùng theo phép tu từ hoán dụ để chỉ cuộc sống ở thành phố đầy đủ tiện nghi. Mặc dù vậy, trăng vẫn tròn đầy lặng lẽ đi qua thành phố nhưng người bạn năm xưa chỉ coi trăng như một vật chiếu sáng. "Vầng trăng đi qua ngõ" được so sánh với hình ảnh "người dưng qua đường" thể hiện một sự bội bạc vẫn thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, có mới nới cũ. Như vậy, hoàn cảnh sống thay đổi kéo theo con người đổi thay, quên đi ân tình trong quá khứ. Sự lãng quên ấy có thể là mãi mãi nếu không có một chuyển biến bất ngờ, thành phố mất điện. Hoàn cảnh ấy là bước ngoặt tạo cảm xúc dâng trào, giúp nhà thơ bộc lộ rõ nét cảm xúc, tư tưởng chủ đề của tác phẩm. "Thình lình đèn điện tắt Phòng buyn-đin tối om Vội bật tung cửa sổ Đột ngột vầng trăng tròn" Phép đảo ngữ từ láy "thình lình", "đột ngột" được đưa lên đầu câu nhằm nhấn mạnh sự việc bất ngờ là mất điện. Tác giả đã đặt ba động từ "vội bật tung" liền nhau để diễn tả sự khó chịu và hành động khẩn trương, hối hả của con người để đi tìm nguồn sáng. Và hình ảnh vầng trăng tròn tình cờ mà tự nhiên, đột ngột đã làm sáng lên cái gốc tối ở con người, đánh thức sự ngủ quên trong điều kiện sống của con người đã hoàn toàn đổi khác. Nếu như khổ thơ thứ tư đẩy tình huống thơ đến cao trào thì khổ thơ thứ năm lại "rưng rưng" trong sự xúc động mãnh liệt của nhà thơ: "Ngửa mặt lên nhìn mặt Có cái gì rưng rưng Như là đồng là bể Như là sông là rừng" Ở khổ thơ trên, trăng và con người đã gặp nhau trong một giây phút tình cờ. Vầng trăng xuất hiện vẫn còn một tình cảm tràn đầy, không mảy may sứt mẻ. Tư thế "ngửa mặt lên nhìn mặt" là tư thế trực tiếp đối mặt. Nhân hóa "mặt" chính là vầng trăng tròn thể hiện được rằng con người thấy mặt trăng là thấy được người bạn tri kỉ ngày nào. Ánh trăng đã đánh thức những kỉ niệm quá khứ tốt đẹp, đánh thức tình cảm bạn bè năm xưa, đánh thức lại những gì con người đã lãng quên. Tác giả sử dụng phép so sánh, liệt kê, điệp ngữ, lặp cấu từ "như là đồng là bể, như là sông là rừng" diễn tả được dòng hoài niệm ùa về, những kí ức về người bạn tri kỉ ngày nào đã được đánh thức. Cảm xúc "rưng rưng" là biểu thị của một tâm hồn đang xúc động, muốn khóc, gợi nhớ, gơi thương khi gặp lại bạn tri kỉ. Nhịp thơ hối hả dâng trào như người tình dào dạt. Niềm hạnh phúc của nhà thơ như đang được sống lại một giấc chiêm bao. Bài thơ được khép lại với hình ảnh sâu lắng. Từ những hồi tưởng và thức tỉnh, nhà thơ đi đến suy ngẫm và triết lí nhân sinh sâu sắc, khái quát nội dung toàn bài thơ: "Trăng cứ tròn vành vạnh Kể chi người vô tình Ánh trăng im phăng phắc Đủ cho ta giật mình" "Trăng tròn vành vạnh" ở đây có hai lớp nghĩa, đó là nghĩa tả thực về sự tròn đầy lung linh của trăng, thiên nhiên vũ trụ vĩnh hằng và chỉ quá khứ đẹp để không thể phai mờ. Trăng còn được nhân hóa "kể chi người vô tình-ánh trăng im phăm phắc" gợi thái độ bao dung, nhân hậu mà nghiêm khắc, nhắc nhở nhà thơ và chúng ta: Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt. "Giật mình" là cảm giác và phản xạ tâm lí có thật của một người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nông nổi trong cách sống của mình. Cái "giật mình" tự nhắc nhở bản thân không bao giờ làm người phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên. Câu thơ thầm nhắc nhở chính mình và cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta, những người chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, hưởng những tiện nghi hiện đại, đừng bao giờ quên công sức đấu tranh cách mạng của biết bao người đi trước đó chính là đạo lí sống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Thể thơ năm chữ được vận dụng sáng tạo, ngôn ngữ thơ trong sáng, giọng điệu tâm tình, nhịp thơ lúc trầm lắng suy tư, lúc nhịp nhàng tha thiết đã góp phần làm nổi bật chủ đề tạo nên sự chân thành và sức truyền cảm sâu sắc của bài thơ. Tóm lại, bài thơ "Ánh trăng" ca ngợi vầng trăng tri kỉ của tuổi thơ, của người lính một thời trận mạc, đồng thời gợi nhắc mọi người biết sống ân nghĩa thủy chung, uống nước nhớ nguồn, giữ trọn đạo lí tốt đẹp như một câu chuyện riêng, tiếng thơ của Nguyễn Duy đem đến những cảm xúc nhẹ nhàng, sấu lắng. Có lẽ vì vậy mà đến với "Ánh trăng", chúng ta cảm thấy lòng mình dường như lắng lại.