Bài tiểu luận Nghiên cứu phát triển du lịch bền vững trong quá trình khai thác phát triển tài nguyên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Rimee, 26 Tháng bảy 2021.

  1. Rimee

    Bài viết:
    1
    Đề tài:

    Nghiên cứu phát triển du lịch bền vững trong quá trình khai thác phát triển tài nguyên du lịch ở Sapa



    Lời giới thiệu

    Hòa nhịp với công cuộc đổi mới đất nước, những năm vừa qua Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho thu nhập quốc gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Sa Pa là một điểm du lịch nổi tiếng của miền Bắc với cảnh thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số nơi đây. Du lịch hiện chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập của Sa Pa và đóng góp không nhỏ vào tổng thu nhập của tỉnh Lào Cai. Ða dạng hóa sản phẩm, du lịch Sa Pa đang từng bước phát triển tương xứng tiềm năng để trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia trong không gian tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc của đất nước.

    Với tiềm năng dồi dào, du lịch của Sa Pa đã xây dựng và phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, từ nghỉ dưỡng đến du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng đến du lịch MICE, tổ chức hội nghị, hội thảo. Bên cạnh việc lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, lôi cuốn du khách trong nước và ngoài nước, Sa Pa cũng mở ra những cơ chế khuyến khích, mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Cùng với sự phát triển của du lịch, lực lượng lao động địa phương làm việc trong các cơ sở lưu trú tăng nhanh, hướng dẫn du lịch cũng tăng nhanh, qua đó từng bước nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

    Chính vì vậy nhóm chúng tôi đã chọn Nghiên cứu những vấn đề bất cập hiện nay trong quá trình khai thác phát triển tài nguyên du lịch ở Sa Pa để đánh giá những tài nguyên du lịch mang lại cho Sa Pa, nghiên cứu những vấn đề bất cập và đưa ra giải pháp nhằm phát triển bền vững hơn tại đây.

    Kết cấu đề tài như sau:

    Lời giới thiệu

    Chương I: Giới thiệu sơ lược và lịch sử hình thành Sa Pa.

    Chương II: Phân tích những tài nguyên du lịch mang lại giá trị cho du lịch Sa Pa.

    Chương III: Hiện trạng phát triển du lịch ở Sa Pa hiện nay.

    Chương IV: Những vấn đề bất cập trong quá trình khai thác phát triển tài nguyên du lịch ở Sa Pa.

    Chương V: Một số giải pháp phát triển bền vững ở Sa Pa

    Kết luận


    CHƯƠNG I

    GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH SA PA.



    1. Giới thiệu sơ lược về SaPa

    SaPa là một thị xã thuộc tỉnh Lào Cai, nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị xã Sa Pa có độ cao trung bình khoảng 1.500 m – 1.800 m so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 33 km và 317 km tính từ Hà Nội. Ngoài con đường chính từ thành phố Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Tam Đường, Lai Châu. Từ trung tâm thị xã nhìn xuống có thung lũng Ngòi Đum ở phía đông bắc và thung lũng Mường Hoa ở phía đông nam. Tại ngã ba ranh giới phía Tây của thị xã Sa Pa với các huyện Tam Đường và Tân Uyên, trên địa bàn xã Hoàng Liên là ngọn núi Phan Xi Păng - nóc nhà của Đông Dương, cao gần 3.143m.

    Đây là nơi sinh sống của dân cư 6 dân tộc Kinh, H'Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó và các dân tộc khác. Mặc dù phần lớn cư dân Sa Pa là những người dân tộc thiểu số, nhưng khu vực trung tâm thị xã lại tập trung chủ yếu những người Kinh sinh sống bằng nông nghiệp và dịch vụ du lịch.

    Sa Pa có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: Buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông. Và đây là một trong những nơi hiếm hoi của Việt Nam có tuyết.

    Vào thập niên 1940, người Pháp đã quy hoạch, xây dựng Sa Pa thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng khá lý tưởng. Ở đây có đầy đủ hệ thống thủy điện, trạm nước, dinh toàn quyền, tòa chánh sứ, sở than, kho bạc, kiểm lâm, hệ thống đường nhựa và đặc biệt là hơn 200 biệt thự theo kiểu phương Tây ở ngay trung tâm thị trấn, nằm xen giữa những cánh rừng đào và những rặng samu. Điều này làm cho thị trấn này mang nhiều dáng vấp của một thành phố châu Âu.

    2. Lịch sử hình thành của Sa Pa

    Thời phong kiến, địa phận Sa Pa thuộc Châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa. Đến thời Minh Mạng nhà Nguyễn, châu Thủy Vĩ được chia thành nhiều tổng, địa phận Sa Pa được tách ra lập thành tổng Hướng Vinh, bao gồm 15 làng. Mùa đông năm 1903, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ tỉ lệ 1/100.000, đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả thượng nguồn Ngòi Đum. Đoàn thám hiểm đã đặt tên cao nguyên này là Cao trạm Sa Pa.

    Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại. Trong tiếng Quan Thoại phát âm là SaPả hay SaPá tức "bãi cát" do ngày trước khi có thị trấn Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Ngoài ra, Sa cũng có thể là cách nói lệch đi theo phiên âm tiếng Tàu là Sha cũng có nghĩa là Cát. Từ hai chữ "Sa Pả", người phương Tây phát âm không dấu, thành Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó thành "Cha Pa" và một thời gian rất dài sau đó người ta dùng "Cha Pa" như một từ tiếng Việt. Về sau, từ này viết được thống nhất là Sa Pa.

    Thị trấn Sa Pa trước đây có một mạch nước đùn lên màu đỏ đục, nên dân địa phương gọi là "hùng hồ", tức "suối đỏ". Sự kiện này đã đóng dấu ấn vào quá trình phát triển Sa Pa và trở thành mốc lịch sử phát hiện Sa Pa. Sau khi tỉnh Lào Cai được thành lập (12/7/1907), khu Sa Pa được hình thành gồm 2 xã là: Bình Lư và Hướng Vinh. Những năm thập kỷ 1930, Sa Pa đổi thành Hạt, bao gồm 37 làng, một phố và có 1020 hộ.

    Ngày 09/03/1944, Thống sứ Bắc Kỳ đã ra nghị định thành lập châu Sa Pa, bao gồm 02 xã là: Mường Hoa, Hướng Vinh và khối phố Xuân Viên (thị trấn Sa Pa ngày nay).

    Năm 1948, Sa Pa được chia thành 3 xã là Sa Pa Chung, Mường Bo, Kim Hoa (sau còn gọi là Móng Và).

    Năm 1976, khi sáp nhập tỉnh Hoàng Liên Sơn từ 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái và Nghĩa Lộ, thì Sa Pa trở thành một huyện của tỉnh Hoàng Liên Sơn.

    Đến năm 1991, sau khi tỉnh Lào Cai được tái lập thì Sa Pa là một huyện của tỉnh Lào Cai ngày nay, trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trong nước và được nhiều bạn bè quốc tế biết và tìm đến.

    CHƯƠNG II

    PHÂN TÍCH NHỮNG TÀI NGUYÊN DU LỊCH MANG LẠI GIÁ TRỊ CHO DU LỊCH SAPA.


    1. Tài nguyên du lịch tự nhiên

    Sa Pa là điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam không chỉ bởi thiên nhiên đã ưu đãi cho Sa Pa một vùng đất với núi non kỳ vĩ của đỉnh Phanxipang, phong cảnh hữu tình nên thơ của núi Hàm Rồng, những ruộng bậc thang lượn sóng, của Thác Bạc, suối Vàng.. mà ở đó còn có không khí mát mẻ quanh năm, có đủ bốn mùa trong một ngày. Sa Pa - nơi được mệnh danh là thành phố trong sương nhưng không khí lại vô cùng trong lành. Hệ động, thực vật ở đây phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại, đặc biệt có nhiều loại động, thực vật quý hiếm cần được bảo vệ. Trên dãy núi Hoàng Liên thuộc khu du lịch Sapa có những loại dược liệu quý, hiếm, là "mỏ" của loài gỗ quý như thông dầu. Khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn có 136 loài chim, có 56 loài thú, 553 loài côn trùng. Có 37 loài thú được ghi trong "sách đỏ Việt Nam". Rừng Hoàng Liên Sơn có 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc.

    Phan Xi Păng: được ví như "Nóc nhà của Đông Dương", nơi đây cao 3.143m rất thích hợp cho những người thích môn leo núi và là khu vực của nhiều loại động, thực vật quý hiếm như cây Hoàng Liên, cây Thông Dầu, gà gô, gấu, sơn dương.. Để lên được đỉnh núi ngoài hình thức đi bộ, leo núi còn có hệ thống cáp treo 3 dây và tàu hỏa leo núi hiện đại nhất khởi điểm từ Thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Phan Xi Păng.

    Núi Hàm Rồng : với độ cao 1.800m, là một ngọn núi hình đầu rồng, nằm ngay trong trung tâm trị trấn Sa Pa, đồng thời cũng là khu du lịch sinh thái nổi tiếng. Khu du lịch sinh thái gồm 3 khu vực chính đó là vườn hoa Hàm Ròng, vườn đá Thạch Lâm và cuối cùng là đỉnh Hàm Rồng, nơi có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Sa Pa từ trên cao. Càng lên cao càng có cơ hội khám phá những khung cảnh tuyệt đẹp như: Vườn Lan, Cổng Trời, Sân Mây, vườn Đào.. Nơi đây được ví như một Sapa thu nhỏ bởi vẻ đẹp hội tụ của thiên nhiên, văn hóa và con người của thị trấn vùng cao.

    Thung lũng Mường Hoa: lôi cuốn đông đảo du khách tham quan bởi vẻ đẹp hữu tình của cảnh đất trời hội tụ. Nơi đây có một bãi đá cổ kỳ bí, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc sinh sống. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, ký tự kỳ lạ mà đến nay vẫn chưa giải mã được. Khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ.

    Ngoài ra còn có nhiều địa điểm khác như: Thác Bạc, Thác Tiên Sa, Cầu Mây, Động Tả Phìn, Tả Giàng Phình, vườn quốc gia Hoàng Liên..


    2. Tài nguyên du lịch nhân văn

    Không chỉ tài nguyên du lịch tự nhiên mà những tài nguyên du lịch nhân văn còn mang lại giá trị cho du lịch Sa Pa. Sa Pa là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc anh em, sự đa dạng dân tộc đã làm nên sự phong phú về bản sắc văn hóa của SaPa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Điều này mang lại giá trị không nhỏ cho phát triển loại hình du lịch trải nghiệm về văn hóa bản địa ở Sa Pa.

    Bản Cát Cát (thôn Cát Cát) : là một ngôi làng nhỏ được hình thành từ giữa thế kỷ XIX do một bộ phận dân tộc ít người quần tụ. Là bản lâu đời của người Mông, còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Đặc biệt nơi đây còn giữ được khác nhiều phong tục độc đáo, trong đó không thể không kể đến "tục kéo vợ". Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều đặc sản như rượu Sán Lùng, thắng cố, thịt hun khói "khăng gai", bánh ngô, đậu xị..

    Bãi Đá Cổ: trải dài trên thung lũng Mường Hoa với gần 200 khối đá, được khám phá bởi nhà khảo cổ người Pháp. Đây được xem là di chứng cho sự xuất hiện của người tiền sử và được xem là di sản quý giá mảnh đất Tây Bắc. Trên những phiến đá có những hoa văn độc đáo, lạ mắt như ruộng bậc thang, hình người, nhà sàn hay chữ viết được chạm khắc rất rõ ràng.


    Sa Pa còn có nhiều hoạt động lễ hội, giao lưu văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số độc đáo như: Hội xòe của dân tộc Tày; hội hát giao duyên của dân tộc Dao; hội Gầu Tào của dân tộc Mông; hội xuống đồng của dân tộc Giáy.. với những vũ điệu độc đáo và huyền bí; những làn điệu dân ca mê đắm lòng người cùng những trò chơi dân gian mang tính nhân văn. Ngoài ra, Sapa còn có nhiều nét văn hóa hấp dẫn như: Chợ tình, múa khèn, tết cơm nới của người Giáy..

    Chương III:

    HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở SA PA HIỆN NAY.


    - Phát triển du lịch ở Sapa đã có nhiều khởi sắc và trong những năm tới sẽ còn thay đổi theo hướng tích cực. Một Sapa vươn mình ra tầm cỡ quốc tế và xây dựng ngành du lịch phát triển như hiện nay.

    - Du lịch mang lại nguồn thu cho huyện Sa Pa bằng việc thu thuế, phí tham quan và một số nguồn thu khác. Đồng thời du lịch cũng mang lại cơ hội để tăng nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Du lịch phát triển cũng đã giải quyết được vấn đề lớn về việc làm tại Sa Pa. Năm 2017 có 5.800 người tham gia làm du lịch và thu nhập bình quân là 5, 7 triệu đồng/người/tháng, trong đó số lượng người dân tộc thiểu số tham gia làm du lịch khoảng hơn 2.000 người.

    - Bên cạnh đó, lĩnh vực du lịch, hạ tầng du lịch đã và đang được đầu tư nâng cấp; nhiều dự án mang tầm quốc tế đã và đang được đầu tư trên địa bàn. Thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh kết hợp với bản sắc văn hóa của các dân tộc được phát huy có hiệu quả. Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhân dân. Du lịch phát triển cũng tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương tham gia vào các khâu dịch vụ: Nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch.. Ngoài ra, cũng tạo công ăn việc làm cho những người làm đồ thủ công mỹ nghệ.

    - Hiện nay, du lịch Sa Pa đã góp phần đánh thức và bảo tồn các ngành nghề thủ công mĩ nghệ cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc. Nhiều lễ hội, phong tục truyền thống được duy trì, tái tạo và phát triển như Tết "Nhảy" của người Dao Đỏ; lễ hội xuống đồng của người Giáy.. đã làm cho các hoạt động văn hóa trở nên năng động và linh hoạt hơn trong cơ chế thị trường. Các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã góp phần khơi dậy các tiềm năng văn hóa, nâng cao nhận thức và thúc đẩy tích cực cho việc bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa.

    - Về môi trường, phát triển du lịch hiện nay cũng đã thay đổi được thói quen sử dụng nhiên liệu của người dân địa phương. Thay vì chặt cây, phá hủy môi trường sinh thái làm củi thì hiện nay phần lớn đã chuyển sang dùng gas hoặc điện để đun nấu và sưởi ấm.

    - Theo quy hoạch tổng thế phát triển du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030, Sa Pa sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút khoảng 5, 2 triệu du khách. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Sa Pa cần phải quyết tâm và tập trung cao độ bởi địa phương này đang phải đối mặt với vấn đề: Xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể khu du lịch, vấn đề sức chứa, vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ lưu trú và vui chơi giải trí.

    Chương IV:

    NHỮNG VẤN ĐỀ BẤT CẬP TRONG QUÁ TRÌNH KHAI THÁC PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN DU LỊCH Ở SA PA.

    Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu đặc trưng và văn hóa dân tộc độc đáo, Sa Pa được coi là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn của Việt Nam và chính thức được Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định công nhận là Khu du lịch quốc gia vào năm 2017, tạo ra một thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Sa Pa trong giai đoạn mới. Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nhân văn riêng có, trong những năm gần đây du lịch Sa Pa đã và đang có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng với tốc độ tăng trưởng đạt 23, 4%. Riêng năm 2018, Sa Pa đón 2, 7 triệu lượt khách với tổng doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 5.507 tỷ đồng; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của Sa Pa đang dần được hoàn thiện; các dịch vụ du lịch ngày càng phong phú.. Tính đến thời điểm tháng 5/2019, Sa Pa có 677 cơ sở lưu trú (gồm cả khách sạn và homestay) với gần 9000 phòng; 23 đơn vị kinh doanh lữ hành; 290 cơ sở kinh doanh ăn uống và giải khát cùng với trên 1000 điểm bán hàng phục vụ du khách.

    Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện nay du lịch Sa Pa còn gặp phải những vấn đề bất cập chưa được giải quyết trong quá trình khai thác, phát triển tài nguyên du lịch ở Sa Pa như:

    - Sự quá tải của đô thị Sa Pa gây nên tình trạng quá tải, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, làm mất cân bằng sinh thái, cảnh quan bị xâm hại, suy thoái: Thí dụ điển hình, nhờ phát triển dịch vụ du lịch mà Tả Van (Sa Pa) đã "thay da đổi thịt", nhưng lại theo hướng đô thị hóa nhiều hơn. Từ khi trào lưu làm du lịch cộng đồng len lỏi đến từng thôn, bản, nhiều hộ đua nhau dỡ nhà cũ xây nhà mới để làm thêm phòng đón khách. Nhiều người ở các tỉnh miền xuôi cũng lên đây thuê đất của dân địa phương để mở các quán ăn, cửa hàng dịch vụ phục vụ khách.. Vấn đề địa phương lo ngại nhất hiện nay là do nhiều hộ dân "bung" ra làm du lịch cộng đồng nên xảy ra tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, thậm chí chiếm cả diện tích của di tích ruộng bậc thang Sa Pa, để xây dựng nhà và hàng quán đón khách, làm phá vỡ cảnh quan, sinh thái..

    - Sự thay đổi về thị trường khách từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khai thông.

    - Quá trình đô thị hóa nhanh làm cho bản sắc văn hóa bị mai một, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Việc khai thác tài nguyên du lịch một cách ồ ạt dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái và mai một di sản văn hóa truyền thống. Các loại thực vật, động vật từ rừng được khai thác quá mức để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch đã dẫn đến việc mất dần đi hệ động, thực vật của rừng; việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi làm giảm diện tích, nguồn tài nguyên rừng. Khai thác di sản văn hóa để phục vụ du lịch cũng xuất hiện hiện tượng "thương mại hóa" văn hóa, lai căng văn hóa.

    - Cơ sở vật chất chuyên ngành về du lịch và sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách: Tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, khách đến Sa Pa ngày càng đông nhưng trên thực tế, thời gian lưu trú của khách du lịch ở Sa Pa còn ngắn, mức độ chi tiêu còn thấp. Lý do là bởi hệ thống hạ tầng du lịch, vui chơi giải trí tại Sa Pa còn đơn điệu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Nguồn thu du lịch chủ yếu đến từ ăn uống và lưu trú. Gần hai năm qua, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

    - Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao. Đây là những khó khăn lớn cho du lịch Sa Pa trong quá trình triển khai, tổ chức các hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp, hiện đại. Chất lượng của các đơn vị lữ hành du lịch và đội ngũ hướng dẫn viên còn hạn chế. Hoạt động của các hiệp hội du lịch chưa thực sự phát huy hiệu quả. Các doanh nghiệp du lịch ở Sa Pa đang thiếu vắng vai trò của một "nhạc trưởng" để dẫn dắt các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

    - Du lịch cộng đồng phát triển mang tính tự phát, người dân tộc thiểu số ít được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch.

    - Năm 2012, thị trấn Sa Pa được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV. Huyện đã lập đề án thành lập thị xã nhưng ở một số địa phương miền núi nhiều xã chưa thoát nghèo còn trong diện Chương trình 135 nên sẽ còn thiếu một số tiêu chí. Tuy vậy, tốc độ phát triển du lịch thì không phụ thuộc vào cấp quản lý, du khách không chờ đợi Sa Pa có đủ các tiêu chí lên thị xã mới được nâng cấp. Sa Pa không thể đợi có bất cập, chính quyền mới "chạy" theo quản lý. Bộ máy quản lý Nhà nước ở Sa Pa đang thực sự "tụt hậu" so với tốc độ phát triển bùng nổ của đô thị và du lịch.

    - Nhiều dự án lớn đang được triển khai sẽ tạo ra những cơ hội, bước đột phá mới cho du lịch Sa Pa xong cũng mang lại những thách thức lớn đối với Sa Pa như công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, sự bùng nổ về lượng khách gây khó khăn cho công tác quản lý.

    - Đặc biệt, những năm gần đây do diễn biến của dịch COVID-19 vô cùng phức tạp tại các nước trên thế giới khiến du lịch ở Sa Pa bị ảnh hưởng một cách nặng nề, nhiều khách sạn, nhà hàng tại các điểm du lịch trở nên vắng khách, doanh thu ngành du lịch sụt giảm mạnh.


    Chương V:

    MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở SA PA

    Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững và xây dựng thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, vươn tầm quốc tế, lãnh đạo huyện Sa Pa, các cơ quan ban ngành và nhân dân huyện Sa Pa thống nhất cao quan điểm phát triển du lịch của huyện là đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó cần phải chú trọng các giải pháp sau đây:

    - Xây dựng chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có đủ uy tín, có đủ năng lực, đảm bảo hiệu quả xã hội, trong đó người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch phải được hưởng lợi nhiều nhất (gắn với vấn đề tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo).

    - Tập trung xây dựng hệ thống các sản phẩm đặc thù, riêng biệt của Sa Pa; cần phải có quy hoạch cụ thể du lịch đối với từng vùng phù hợp, ví dụ cần phải quy định cụ thể số hộ gia đình được phép làm homestay, hộ nào được bán hàng lưu niệm, hộ nào được sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.. Điều đó khiến việc chuyên môn hóa trong từng khâu phục vụ được tốt hơn, tránh trường hợp hộ nào cũng có thể làm đủ các dịch vụ thì chất lượng phục vụ du khách không được tốt.

    - Tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương đối với phát triển du lịch: Cộng đồng dân cư cần phải được tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch đó. Phải được đào tạo để nâng cao nhận thức về giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và giá trị của chúng trong kinh doanh du lịch, từ đó sẽ có ý thức hơn nữa trong việc bảo tồn và gìn giữ phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng một số mô hình cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo kĩ năng, phương pháp làm du lịch nhằm dần dần thay đổi sinh kế, nâng cao mức sống cho người dân; tích cực thúc đẩy quá trình tái đầu tư lợi tức thu được từ du lịch "quay lại" hỗ trợ cộng đồng và công tác bảo tồn tài nguyên du lịch.

    - Đẩy mạnh công tác thu gom và xây dựng nhà máy tái chế rác thải, nước thải; kiểm soát chặt chẽ công tác vệ sinh và xả thải ra môi trường của doanh nghiệp, người dân và du khách. Phối kết hợp với các đơn vị liên quan (cảnh sát môi trường, tài nguyên môi trường) thực hiện tốt việc thanh kiểm tra và xử lí nếu có vi phạm.

    - Thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ cả về kinh tế lẫn chính sách trong công tác tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn và tái tạo lễ hội, phong tục truyền thống của nhiều dân tộc. Khuyến khích người dân giữ gìn và duy trì việc mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ và đặc biệt trong sinh hoạt hàng ngày. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng đối với khách du lịch mỗi khi đến Sa Pa. Giải quyết triệt để nạn đeo bám, bán hàng rong của người dân bản địa đối với khách du lịch. Tuyên truyền, vận động người dân cho trẻ đến trường, hỗ trợ thay đổi sinh kế mới và thậm chí áp dụng cả biện pháp cứng rắn để răn đe đối với những người dân tiếp tục đeo bám, bán hàng rong, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của du lịch Sa Pa.

    - Cần phải cụ thể hóa các tiêu chí về phát triển du lịch bề vững, phải có các nhóm chuyên gia của Trung ương, của khối các trường đại học, các tổ chức du lịch chuyên nghiệp trong và ngoài nước về địa phương tư vấn cách làm du lịch hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí để đạt được bền vững.

    - Tập trung chú trọng công tác đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh đạt chuẩn có trình độ nhận thức, hiểu biết rộng, chu đáo và thân thiện. Đặc biệt chú ý khuyến khích người dân, địa phương tham gia công tác này, điều đó sẽ tạo nên động lực và sức hấp dẫn đối với du khách và gia tăng thu nhập cho người dân.

    - Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng và tiểu vùng cho phát triển du lịch. Đây được coi là một trong những vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn đề đói nghèo, tăng trưởng kinh tế. Việc làm này giúp phát huy các tài nguyên thế mạnh của từng địa phương và kết nối các dịch vụ liên quan, góp phần vào phát triển kinh tế cộng đồng địa phương bền vững.

    - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển du lịch cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động cổ động trực quan, lưu động tới mọi địa bàn để nhân dân trong huyện, trong tỉnh được biết và nhất trí làm theo, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan tự nhiên và an ninh trật tự.

    Kết luận


    Sa Pa là một điểm du lịch nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX đến nay. Tạo hóa thiên nhiên ưu ái ban tặng SaPa một bức tranh phong cảnh vừa lãng mạn vừa hùng vĩ, bao la với những rặng núi trùng điệp vờn mây đón gió, những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt.. Khí hậu mát mẻ quanh năm cùng những dấu ấn bản địa độc đáo – trong đó phải kể đến nhất là văn hóa của các dân tộc – kết hợp với không gian kiến trúc châu Âu cổ điển. Có thể nói, Sa Pa ngày càng được khai thác, phát triển hơn bởi các tài nguyên du lịch mang lại giá trị cho du lịch Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nới chung. Mặc dù, du lịch tại Sa Pa còn gặp một chút khó khăn, song chính quyền và ngành du lịch Lào Cai cũng như Sa Pa đang tiếp tục nỗ lực xây dựng, tạo điều kiện và môi trường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn; không ngừng cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch; chú trọng phát triển du lịch làng, bản, du lịch cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch trong nhân dân cũng như chính quyền, từng bước tăng cường quản lý, thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ du khách. Nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả và phát triển du lịch tương xứng tiềm năng mà các tài nguyên du lịch mang lại ở Sa Pa.

    Bài viết này chỉ có mong muốn đóng góp thêm một cách nhìn, một cách giải quyết vấn đề nhằm góp phần nhỏ bé đưa du lịch Sa Pa phát triển bền vững hơn, tạo nên một Sa Pa thực sự là một điểm du lịch lý tưởng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng bảy 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...