Bài luận về Tiến trình gia nhập và đóng góp của Việt Nam với ASEAN

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Nghiêm Nham, 17 Tháng bảy 2021.

  1. Nghiêm Nham

    Bài viết:
    59
    TIẾN TRÌNH GIA NHẬP VÀ ĐÓNG GÓP CỦA VIỆT NAM VỚI ASEAN

    Tôi vô cùng tự hào khi là một công dân của đất nước Việt Nam anh hùng, dũng cảm, nhân hậu. Mảnh đất hình chữ S bé nhỏ kiên cường ấy đã phải trải qua biết bao thăng trầm bể dâu gian khổ để có thể trở lên lớn mạnh được như ngày nay. Trong đó, bước ngoặt lớn nhất của nước ta là trở thành thành viên ASEAN giúp thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hòa bình hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong khu vực trên nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, tạo cho chúng ta những cơ hội và triển vọng mới phát triển đất nước sau sự tàn phá nặng nề của chiến tranh và phong kiến lạc hậu thống trị bao thế kỷ. Đồng thời, Việt Nam cũng nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa những nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN ngày hôm nay.

    Đóng góp đầu tiên đáng ghi nhận của Việt Nam trong ASEAN là vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN, qua đó hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, đưa ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho toàn khu vực, chấm dứt thời kỳ chia rẽ giữa các nhóm nước, mở ra giai đoạn hợp tác hữu nghị cùng phát triển ở khu vực.

    [​IMG]

    Sự kiện mang dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN là việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ VI tại Hà Nội (12/1998)

    Chỉ ba năm sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN và trong bối cảnh khu vực đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nghiêm trọng, được các nước thành viên ASEAN và dư luận quốc tế nói chung đánh giá cao.

    Với việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ VI đã góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục hình ảnh ASEAN, đặc biệt định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp Hội trong những năm kế tiếp để thực hiện Tầm nhìn 2020.

    Cũng trong thời gian này, VN đã tích cực thúc đẩy và có nhiều đóng góp vào việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông. Ban đầu VN chủ trương và nỗ lực theo hướng ASEAN và Trung Quốc ký một văn kiện có tính pháp lý cao hơn liên quan vấn đề Biển Ðông. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng nảy sinh một số vấn đề kỹ thuật không đạt được sự nhất trí chung. Trong bối cảnh đó, VN đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, đồng ý bước đầu ký văn kiện ở hình thức Tuyên bố như văn bản DOC hiện hành. Từ khi Tuyên bố DOC được ký đến nay, VN luôn tuân thủ các cam kết trong DOC, đồng thời yêu cầu các nước liên quan thực hiện đúng các cam kết trong Văn kiện này. Tuyên bố DOC thực sự có đóng góp quan trọng cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Ðông. Nghiêm túc tôn trọng tinh thần Tuyên bố DOC và thực hiện đầy đủ DOC sẽ có lợi cho cả ASEAN và Trung Quốc.

    [​IMG]

    Công ước Luật Biển năm 1982

    Trong quá trình thực hiện DOC, Việt Nam luôn kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp liên quan Biển Ðông bằng các biện pháp hòa bình, căn cứ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng COC vì mục đích góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông. Việt Nam cũng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực về biển với các nước láng giềng liên quan. Các nỗ lực và việc làm của VN được chính giới và dư luận quốc tế và khu vực đánh giá tích cực.

    Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên Biển Ðông là lợi ích chung và là mối quan tâm lớn của các nước ASEAN, trong khu vực. Các nước liên quan đã xây dựng nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và cùng hợp tác ở khu vực, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC). Ðây là văn kiện được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc, nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin, hợp tác". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Với thiện chí của các bên và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ và thực hiện tốt DOC, cũng như Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, góp phần thiết thực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Ðông".

    Với tinh thần đó, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN thống nhất về các thành tố cơ bản của COC. Từ đó, ASEAN và Trung Quốc sẽ bàn bạc để sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20 tại Phnom Penh vừa qua, VN đánh giá cao việc thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và đề nghị ASEAN cần sớm thống nhất các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở đối thoại với Trung Quốc.

    [​IMG]

    Tiếp theo đó, từ tháng 7/2000 - 7/2001, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 và ARF, tổ chức và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ XXXIV (AMM 34), Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ VIII (ARF 8), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước Đông Bắc Á (ASEAN +3), Các Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các nước đối thoại (PMC +10) và với từng nước Đối thoại (PMC +1) và Hội nghị sông Hằng - sông Mekong vào cuối tháng 7/2001. Trong năm Việt Nam giữ chức Chủ tịch, ASEAN và ARF đã đạt được những kết quả quan trọng, tiếp tục phát triển đúng hướng, phù hợp với lợi ích của từng nước ASEAN và khu vực. Trong thời gian này, với vai trò chủ trì và điều phối của Việt Nam, ASEAN đã phê chuẩn Nghị định thư thứ hai của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, thông qua Quy chế của Hội đồng Tối cao TAC và tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội đồng trong dịp AMM 34.

    Trong năm Việt Nam giữ chức Chủ tịch ARF, tiến trình ARF tiếp tục tiến triển với việc thông qua một số tài liệu quan trọng như Tài liệu qui định về chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch ARF, Tài liệu về qui chế đăng ký chuyên gia ARF và Tài liệu về khái niệm, nguyên tắc của ngoại giao phòng ngừa.

    Các lĩnh vực hợp tác trong ASEAN đã được tăng cường qua việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội, thông qua Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển, triển khai Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ thành viên mới hội nhập khu vực. Nhiều quyết định quan trọng và thiết thực đối với Hiệp hội cũng đã được triển khai trong thời gian Việt Nam đảm đương chức Chủ tịch như lập đường dây nóng ở các cấp lãnh đạo ASEAN, cải tiến hình thức, lề lối làm việc để ASEAN hoạt động thực chất và hiệu quả hơn. Quan hệ của ASEAN với các nước đối thoại được tăng cường, ASEAN tiếp tục giữ được thế chủ động và vai trò trong các mối quan hệ này và đã thiết lập quan hệ chính thức với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Phong trào không liên kết, OAU, OAS, ECO, GCC, Nhóm Rio, SAARC.. Quan hệ với EU đã có tiến triển đáng kể, hợp tác giữa các nước sông Hằng và sông Mekong đã được khởi động, tiến trình ASEAN +3 đã tiến thêm một bước với việc thành lập Nhóm nghiên cứu Đông Á..

    Sau khi tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ VI và hoàn thành tốt cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN khóa 34, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đã được nâng cao trong ASEAN và trên cơ sở những thành tựu, kinh nghiệm tích lũy được trong vai trò chủ trì, điều phối các hoạt động của ASEAN đã chủ động hơn trong việc tham gia hợp tác ASEAN, hướng hoạt động của ASEAN vào những nội dung hợp tác thiết thực, vừa đảm bảo lợi ích của Việt Nam, vừa thể hiện quan tâm chung của ASEAN và các nước đối thoại. Nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN khác ký với Trung Quốc Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (2002). Sau khi ký kết, Việt Nam đã chủ động đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện Tuyên bố này, theo hướng triển khai hợp tác dần từng bước, trước hết trong những lĩnh vực khả thi, ít nhạy cảm. Các Bộ/ ngành của Việt Nam đã từng bước chủ động và tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong tất cả các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của ASEAN, từ hợp tác kinh tế đến khoa học - công nghệ, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa - thông tin.. Việt Nam đã tổ chức thành công một loạt hội nghị quan trọng của ASEAN trong lĩnh vực hợp tác kinh tế - chuyên ngành như Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ XXXIII (Hà Nội, tháng 8/2001) và nhiều hội nghị quan trọng cấp Bộ trưởng hoặc quan chức cao cấp về hợp tác kinh tế ASEAN; Tuần lễ khoa học và công nghệ ASEAN (1998), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (1998) và Diễn đàn Môi trường ASEAN (1999), Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (2000), Cuộc họp Ủy ban Văn hóa - Thông tin ASEAN (2002), Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (2002, 2004), Tuần văn hóa ASEAN lần II tại Hạ Long (2004), Hội thi tay nghề ASEAN (2004), Hội nghị ASEANAPOL (1999), Hội nghị các quan chức cao cấp về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC - 2003), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về chống Tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC - 2005), Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (2008), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (2008).. Quốc hội Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA), trước đây là AIPO. Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO lần thứ XXIII (AIPO 23) năm 2002 và mới đây nhất là Đại hội đồng AIPA tại Hà Nội tháng 4/2010. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia vào hàng trăm chương trình, dự án hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau trong ASEAN, đồng thời chủ động đề xuất, chủ trì nhiều dự án hợp tác đa phương của khu vực.

    Bước sang thế kỷ XXI, khi ASEAN có những bước chuyển mạnh mẽ nhằm tăng cường liên kết khu vực, tận dụng những cơ hội mới đang mở ra cũng như ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức mới, Việt Nam đã đóng vai trò tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng và thông qua Tuyên bố hòa hợp ASEAN II tại Bali, Indonesia (10/2003), đề ra những định hướng chiến lược cho sự phát triển của ASEAN, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động, tự cường và gắn kết vào năm 2020 (sau này ASEAN quyết định là vào năm 2015) với ba trụ cột chính là Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC - ý tưởng về việc hình thành cộng đồng này là theo sáng kiến của Việt Nam) và các Kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện Tuyên bố hòa hợp ASEAN II (11/2004 tại Vientiane), bao gồm: Kế hoạch hành động của ASC, Kế hoạch hành động của ASCC, Hiệp định khung ASEAN về 11 lĩnh vực ưu tiên hội nhập và Chương trình Hành động Vientiane.

    Trong quá trình soạn thảo và đi đến ký kết Hiến chương ASEAN, văn kiện quan trọng tạo khung pháp lý và khuôn khổ thể chế hỗ trợ ASEAN thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia ngay từ đầu vào quá trình hình thành ý tưởng, sau đó là soạn thảo, ký kết, phê chuẩn cũng như triển khai đưa Hiến chương vào thực tế cuộc sống. Đặc biệt trong quá trình đàm phán xây dựng Hiến chương, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng mang tính cân bằng, xây dựng đồng thời thể hiện vai trò là một thành viên năng động, trách nhiệm góp phần điều hòa những khác biệt, cùng các nước ASEAN đi đến được một văn bản dự thảo Hiến chương có giá trị, đáp ứng được yêu cầu chung Việt Nam cũng thể hiện rõ vai trò là một nhân tố quan trọng góp phần giữ vững các nguyên tắc cơ bản, định hướng phát triển đúng của ASEAN, duy trì và tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Hiệp hội. Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong quá trình soạn thảo Hiến chương đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn tất văn bản này, ký kết với những nội dung cơ bản và toàn diện, đúc kết và hệ thống hóa những mục tiêu, nguyên tắc cơ bản, thỏa thuận đã có của ASEAN cũng như cập nhật một số nội dung cho phù hợp với tình hình. Hiến chương cũng đã thể hiện khá cân bằng, dung hòa quan điểm và lợi ích cơ bản của các nước thành viên, phản ánh sự thống nhất trong đa dạng của ASEAN.

    Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN ký thông qua Hiến chương (Hội nghị cấp cao ASEAN XIII, Singapore, tháng 11/2007), Việt Nam là một trong những nước sớm phê chuẩn Hiến chương (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký phê chuẩn Hiến chương ngày 06/03/2008) và tích cực tham gia những hoạt động chung của ASEAN trong việc tiến hành các công tác triển khai đưa Hiến chương vào cuộc sống, nhất là xây dựng Quy chế hoạt động cho các cơ quan mới của ASEAN; tham gia tích cực các hoạt động của Nhóm đặc trách (HLP) và soạn thảo Quy chế hoạt động của Cơ quan nhân quyền ASEAN và Nhóm chuyên gia pháp lý (HLEG) về triển khai Hiến chương ASEAN. Hòa cùng với nỗ lực chung của ASEAN đẩy nhanh tiến trình liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng, Việt Nam tiếp tục tham gia hiệu quả và có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng cũng như triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm các Kế hoạch tổng thể xây dựng ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN (AI) giai đoạn hai (2009 - 2015), được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ XIV (tháng 02/2009). Bên cạnh việc tăng cường thúc đẩy hợp tác và liên kết nội khối, Việt Nam đã tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời góp phần đề cao và giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực. Với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại giữa ASEAN với nhiều đối tác quan trọng như Nhật Bản, Nga, Mỹ, Australia, Canada và hiện tại là Trung Quốc, Việt Nam đã phát huy vai trò là cầu nối tích cực tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác này, kể cả việc góp phần tháo gỡ một số vướng mắc, giúp nâng tầm quan hệ giữa hai bên, được cả ASEAN và các nước Đối thoại đánh giá cao.

    Đồng thời, Việt Nam cũng có những đóng góp tích cực nhằm giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng như ASEAN +1, ASEAN +3, EAS, Cấp cao Đông Á, qua đó góp phần thúc đẩy và đề cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội.

    Cộng đồng ASEAN 2015 hình thành không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với khu vực nói chung mà riêng với Việt Nam, ý nghĩa này còn được nhân lên bởi sự trùng hợp với dấu mốc tròn 20 năm Việt Nam gắn bó với Hiệp hội (1995-2015).

    Phát huy thành công của năm 2010, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai các trọng tâm, ưu tiên hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, là một trong những nước thực hiện đầy đủ nhất các nghĩa vụ và cam kết trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng góp nhiều công sức vào việc xây dựng và triển khai các văn kiện và quyết sách chiến lược của ASEAN trong giai đoạn mới như Tuyên bố về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu (2011), Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi (2011), Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (2012) và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

    Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành sẽ đưa ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới, năng động hơn và thực chất hơn. Một ASEAN liên kết sâu rộng chắc chắn sẽ tiếp tục mang lại cho các nước thành viên và khu vực nhiều lợi ích to lớn và thiết thực hơn. Tiếp tục phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình vì tương lai một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh

    So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN năm 1996 cho đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng xấp xỉ 7, 7 lần, từ 5, 91 tỉ đô la Mỹ năm 1996 lên 45, 23 tỉ đô la Mỹ tại thời điểm tháng 11 năm 2017, trong đó xuất khẩu hàng hóa của ta vào ASEAN tăng gần 12, 4 lần, từ 1, 6 tỉ đô la Mỹ năm 1996 lên 19, 9 tỉ đô la Mỹ. Tính tới hết tháng 6 năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN là 28, 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 12, 2 tỷ đô la Mỹ và kim ngạch nhập khẩu là 15, 9 tỷ đô la Mỹ.

    Với sự tin tưởng, kỳ vọng rất lớn của các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam sẽ bắt đầu đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2020.

    Khi thành lập Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định rõ việc ra đời Ủy ban thể hiện trách nhiệm và sự chủ động của Việt Nam với cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020.

    Với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau, Việt Nam đã tặng hai nước Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi nước.

    Việt Nam tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm; tặng Myanmar 50.000 USD để cùng chung sức phòng, chống COVID-19.

    Đối với nhân dân Việt Nam, đoàn kết, hữu nghị với Cuba là mệnh lệnh của trái tim và khối óc. Để chia sẻ phần nào khó khăn mà đất nước Cuba anh em đang ứng phó với đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba 5.000 tấn gạo.

    Trên tinh thần đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình, giúp đỡ Chính phủ các nước Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển.. phòng, chống dịch COVID-19. Số hàng hỗ trợ gồm khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, quần áo bảo hộ DuPont do Việt Nam sản xuất, giúp các nước có thêm phương tiện bảo vệ sức khỏe cho người dân.

    Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc, Việt Nam đã mở ra những cuộc họp Hội nghị ASEAN kịp thời để nhanh chóng đưa ra giải pháp khả thi nhất giúp các nước trong Hội đồng hợp tác ngăn chặn dịch bệnh và nổi bật rõ vai trò của mình dưới cương vị là Chủ tịch Hội đồng ASEAN.

    Tôi vô cùng tự hào khi nước ta đạt được những thành tựu như vậy và càng tự hào hơn khi tương lai tôi có cơ hội được góp sức của mình cho đất nước dưới cương vị là một người con, một công dân, một chiến sĩ hoạt động và làm việc tại Trung Tâm Trinh sát Kỹ thuật. Tôi mong Việt Nam ta sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, hợp tác sâu rộng hơn nữa, phát triển mạnh hơn nữa trong những năm tới đây để vượt qua mọi chông gai gian khó vươn lên thành một con rồng Châu Á vững chãi và oai hùng xứng đáng với danh "Con Rồng cháu Tiên".
     
    TuyettuyetlanlanAishaphuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...