Ảo tưởng là gì?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi DaDaThy, 27 Tháng tám 2020.

  1. DaDaThy

    Bài viết:
    60
    Ảo tưởng là từ mà chúng ta vẫn hay nói với nhau. Nhưng chưa hẳn đã hiểu rõ nguồn tận & có khi bạn đã chìm đắm trong những ảo tưởng mà bấy lâu bạn vẫn chưa 'sáng mắt ra'. Cùng tham khảo bài viết này để hiểu hơn nhé!

    Ảo tưởng là gì?

    Ảo tưởng (tên tiếng Anh là Illusion) là một tri giác không chính xác về một sự vật, hiện tượng. Thuật ngữ này cũng được dùng rộng rãi cho niềm tin hay nhận thức không chính xác. Tuy nhiên, trong ứng dụng khoa học, ảo tưởng là tình trạng không rõ ràng về cảm giác. Nói cách khác, ảo tưởng là một tri giác xảy ra khi có kích thích cảm giác nhưng được nhận thức sai và giải thích sai.

    Chẳng hạn như người mà bạn crush có ánh nhìn lâu hơn với bạn, thế là bạn bắt đầu 'ảo tưởng'- cái cảm giác tưởng người đó thuộc về mình (xảy ra thường nhật với những người FA). Ảo tưởng đôi khi trở thành trải nghiệm đối với một số người, đặc biệt xảy ra phổ biến ở những người mắc các bệnh lý về tâm thần như: Bệnh tâm thần phân liệt, bệnh hoang tưởng hoặc bệnh ảo giác (ảo tưởng trở thành căn bệnh nặng).

    [​IMG]

    Phân loại ảo tưởng:

    Các ảo tưởng có thể xảy ra ở bất kì 5 loại giác quan nào. Một số ví dụ gồm có:

    Ảo tưởng thị giác, được nhìn thấy khi một hình ảnh được xây dựng theo cách nào đó khiến nó dẫn thông tin sai lên não. Ví dụ

    [​IMG]

    Thực chất những đường thẳng này song song nhau, chỉ là do bạn bị ảnh hưởng của ảo tưởng thị giác- ảo giác mà thôi!

    Ảo tưởng thính giác, xảy ra khi một người nghe được những âm thanh không thật sự được tạo ra hay những âm thanh không giống với tiếng thật của nó. Một ví dụ điển hình là nhiều con dê kêu tiếng như "Mẹ ơi!" thực chất là do giọng chúng có đề-xi-ben quá cao khiến ta tưởng nhầm như giọng nói của con người mà thôi!

    Ảo tưởng xúc giác, xảy ra khi não nhận kích thích sờ chạm nhưng nó không thực sự tồn tại, hay nó không hiện diện như cách mà não nhận được. Ví dụ, khi sờ vào làn da được chăm sóc kỹ của người phụ nữ chúng ta có thể tưởng nhầm thành da em bé (nếu bịt mắt).

    Ảo tưởng khứu giác và vị giác, không phổ biến như các loại ảo tưởng còn lại. Một số người có thể cảm nhận được vị khác so với những người khác, đặc biệt khi được nếm cùng một món ăn. Hiện tượng tương tự có thể xảy ra với khứu giác.

    Nguyên nhân gây ra triệu chứng ảo tưởng

    Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến ảo tưởng. Ảo tưởng khác ảo giác ở chỗ ảo giác xảy ra mà không cần có yếu tố bên ngoài tác động.

    Nguyên nhân thực tổn:

    Chấn thương sọ não

    Nhiễm trùng nhiễm độc thần kinh

    Các bệnh mạch máu não, các tổn thương não khác: U não, teo não.

    Các bệnh nội tiết, cơ thể có ảnh hưởng đến hoạt động của não

    Các nguyên nhân tâm lý:

    Căng thẳng tâm lý, stress, gia đình, xã hội

    Trình độ phát triển, sự văn minh..

    Rối loạn ở thanh thiếu niên do giáo dục không đúng, môi trường xã hội không thuận lợi

    Các nguyên nhân cấu tạo thể chất nhân cách bất thường:

    Chậm phát triển tâm thần

    Nhân cách bệnh

    Các nguyên nhân chưa rõ ràng:

    Do có sự kết hợp phức tạp của nhiều nguyên nhân khác nhau (di truyền, chuyển hóa, miễn dịch, cấu tạo thể chất) nên khó xác định được nguyên nhân chủ yếu

    Ảo tưởng tốt hay xấu?

    Ngay phần định nghĩa chúng ta có thể thấy, ảo tưởng là không tốt .

    Ảo tưởng xảy đến khi con người ta suy nghĩ vượt quá khả năng cho phép (chẳng hạn người mắc bệnh thấp khớp mong muốn rằng mình phải là một dancer chuyên nghiệp, phải thực hiện được hết những động tác khó nhằn như Corkscrew, Thread Drop, Drop with Hand, Back Spin.. - những động tác khó của Break Dance), từ đó khiến người đó đi sai đường, chệch hướng. Nhẹ là phải quay lại nơi khởi điểm để bắt đầu lại mục tiêu ban đầu. Nặng là tiền mất tật mang (có thể lấy ví dụ là người thấp khớp ấy học nhảy), chưa kể còn ảnh hưởng đến những người xung quanh (người thấp khớp ấy bị chấn thương nặng dẫn đến không di chuyển được, thế là phần đời còn lại phải dựa vào người thân, bạn bè).

    Ảo tưởng khiến cho ta có cảm giác hưng phấn trong giai đoạn đầu nhưng nó cũng sẽ sớm chuyển chúng ta sang trạng thái buồn bã, thất vọng khi nhận được kết quả thảm hại sau cùng.

    Ảo tưởng đôi khi sẽ sinh ra ba hoa, khoác lác do khi ấy mình không nhận thức được khả năng của chính mình, cứ ngỡ bản thân sẽ làm được nhưng thực chất năng lực không có, cũng có thể khi bản thân chỉ mới đạt thành tích cỏn con thì tự cho rằng mình 'đỉnh' ở khoản ấy thế là không tiếp tục cố gắng, phấn đấu nữa. Nói đâu xa, ngay cả bản thân mình cũng đã từng vấp phải điều này. Nhớ ngày đó năm lớp 9, khi làm bài kiểm tra trên lớp được 10 điểm môn Toán thế là tưởng mình 'ngon' lắm, chả thèm ôn lại mà cứ thế làm bài kiểm tra giữa kì luôn, kết quả thì chắc bạn cũng đoán được, nhưng may mắn thay mình đã sớm được một người bạn vực dậy tinh thần, cùng nhau ôn lại kĩ càng cho kì thi cuối kì và đạt được kết quả khá tốt- 8.5 điểm. Mong là những ai đang mắc phải tình trạng này mà 'thức tỉnh'.

    Hẳn các bạn còn nhớ câu chuyện Há miệng chờ sung của anh chàng nọ. Chính sự ảo tưởng: Chỉ cần nằm chờ của dâng tận miệng, không chịu học hành, làm lụng gì cả dẫn đến sự lười nhát, làm cho anh chàng ấy phải nhận cái kết đắng lòng.

    [​IMG]

    Nhiều người sẽ nhầm lẫn suy nghĩ tích cực, luôn thấy những điều tốt đẹp là ảo tưởng. Nhưng thực chất không phải là như vậy. Ai trong chúng ta cũng cần có thái độ ứng phó trước vấp ngã, khó khăn, sóng gió. Chính vì thế, khi có vấn đề xảy đến, suy nghĩ ở chiều hướng tích cực sẽ giúp kích thích hệ thần kinh hoạt động tốt hơn, giải quyết vấn đề nhanh hơn, hiệu quả hơn. Từ đó, hướng con người ta đến với những điều chân- thiện- mỹ. Đấy gọi là hy vọng chứ không phải ảo tưởng.

    Hy vọng giúp chúng ta vui vẻ, cải thiện được chất lượng tinh thần cũng như cuộc sống. Hy vọng tương đồng với ảo tưởng ở chỗ trong giai đoạn ban đầu, nó giúp mình hưng chấn, xông xáo ngay vào thực hiện mục tiêu nhưng sự khác biệt chính là hy vọng dần dà sẽ trở thành động lực, thôi thúc con người ta phấn đấu, nỗ lực từ đó gặt hái được thành quả mong muốn.

    Vậy, sau khi biết được ảnh hưởng của ảo tưởng, thì làm gì để điều chỉnh bản thân tránh xa ảo tưởng ? Sau đây là những gợi ý của mình nhé!

    Ngay bây giờ, cần xác định bản thân đang mong muốn điều gì. Vì khi không biết mình muốn cái gì sẽ dẫn đến "cái gì cũng muốn", tự ép bản thân tìm kiếm những điều xa vời, phi thực tế để thỏa mãn các nhu cầu mà bản thân đã đề ra mà không cần biết đến hệ lụy của nó.

    Tự đánh giá bản thân mỗi ngày. Mỗi tối, trước khi ngủ, bạn hãy nghĩ đến 3 điều mà bản thân đã làm được trong ngày (viết ra càng tốt, bạn có thể xem lại để lên dây cót bản thân mỗi khi chùn bước). Không cần điều gì quá cao cả, chẳng hạn đây là 3 điều mình đã làm được ngày hôm qua:

    1. Uống đủ nước.

    2. Tập thể dục liên tục 30 phút.

    3. Ngủ sớm hơn ngày hôm trước 20 phút.

    Sở dĩ mình ghi ra những điều này là do hiện tại mình đang cực kỳ quan tâm về sức khỏe bản thân (nhất là thời gian nhạy cảm này- dịch bệnh nCOV) nên mỗi lần đọc lại nó giúp mình phấn chấn hơn và tiếp tục cố gắng duy trì, thậm chí là phát huy hơn nữa.

    Và cuối cùng là loại bỏ những mong muốn xa vời, tiêu cực. Đây có thể được xem là thừ thách khó nhằn nhất. Dù vậy, nếu chúng ta có ý chí thì việc gì cũng làm được. Riêng mình thì loại bỏ bằng cách ít lướt mạng xã hội hơn, bỏ theo dõi những người suốt ngày đăng những status khoe mẽ, khoa trương, tập thể dục nhiều hơn, nói chuyện, giao tiếp nhiều hơn với những người mang lại nguồn năng lượng tích cực.. và còn nhiều điều khác nữa. Nói chung, một khi bạn có mong muốn xa rời những ảo tưởng phi thực thì tự nhiên con người bạn sẽ trở nên khoan khoái, thanh thản, an yên, tự tìm kiếm những điều ý nghĩa hơn để thực hiện.

    Mong bài viết này mang lại sự bổ ích cho bạn, giúp bạn có cái nhìn khác về những vấn đề xoay quanh ảo tưởng, đặc biệt là biện pháp tránh xa nó. Cảm ơn vì đã đọc!
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng hai 2020
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...