Đọc hiểu: Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này - Nếu biết trăm năm là hữu hạn -Phạm Lữ Ân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 1 Tháng tư 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Đọc hiểu: Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này

    - Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ Ân

    Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

    "Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lý do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm những công việc rất bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính.

    Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.".

    (Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn ). ​

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Theo tác giả, "lý do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác" là gì?

    Câu 3 . Thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy tác giả nhắc đến trong đoạn trên là gì?

    Câu 4. Em hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ sử dụng trong những câu sau: Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti.

    Câu 5. Điểm giống nhau trong lập luận của những câu sau là gì: Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính.

    Câu 6. Theo em, thông điệp mà tác giả gửi gắm trong câu văn sau là gì: "Luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường."

    Câu 7. Em đồng tình với quan điểm của tác giả: "Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này ѵà đều đáng được ghi nhận" không?

    Câu 8. Theo em, quan điểm của tác giả trong đoạn văn trên có tương đồng với quan điểm sau của Chủ tịch Hồ Chí Minh không: "Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kĩ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau."

    Câu 9. Theo quan điểm của bản thân, em mong muốn sau này sẽ có "một vị thế cao sang" hay trở thành một người "có công việc bình thường" như bao nhiêu người khác?

    Câu 10. Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày suy nghĩ của em về vấn đề: Làm thế nào để phát huy giá trị bản thân.

    Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận (bàn về quan điểm, tư tưởng)

    Câu 2. Theo tác giả, "lý do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác""Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận."

    Câu 3. Thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy tác giả nhắc đến trong đoạn trên là:

    "Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận."

    "Cha mẹ ta, phần đông, đều làm những công việc rất bình thường."


    Câu 4.

    - Biện pháp tu từ sử dụng trong những câu sau: Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti.

    + Phép điệp: Để, không phải

    + Phép đối: Để >< không phải; trân trọng ><mặc cảm; bình thản >< tự ti

    - Tác dụng: Nhấn mạnh điều tác giả muốn khẳng định về giá trị của mỗi con người; Làm cho nhịp điệu của lời văn thêm uyển chuyển, nhịp nhàng.

    Câu 5. Điểm giống nhau trong lập luận của những câu sau: Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính là: Đưa ra giả thiết về một nghề nghiệp được ưu tiên lựa chọn ở vế đầu và hệ quả của việc mọi người đều chọn nghề đó ở vế sau. Mục đích để nhấn mạnh: Nếu ai cũng chọn nghề nghiệp "cao sang" thì không có ai làm những việc "bình thường" cả.

    Câu 6 . Theo em, thông điệp mà tác giả gửi gắm trong câu văn sau: "Luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường." là: Nghề bình thường cũng có những đỉnh cao riêng, có những thành công riêng, vì thế nghề bình thường cũng đáng trân trọng. Đừng ai mặc cảm, tự ti về nghề mình đã chọn. Phải tâm huyết với nghề, nỗ lực để đạt thành quả cao nhất, để vươn đến đỉnh cao của nghề.

    Câu 7. Em đồng tình với quan điểm của tác giả: "Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này ѵà đều đáng được ghi nhận". Vì:

    Sự có mặt của chúng ta trên đời này không hề vô nghĩa.Mỗi người có năng lực, sở trường, điểm mạnh riêng để đóng góp cho cuộc sống, cho xã hội. Dù công việc của mỗi người Ɩà nhỏ bé hay lớn lao, nhưng nếu làm tốt và mang lại giá trị thì đều đáng được trân trọng.

    Câu 8. Theo em, quan điểm của tác giả trong đoạn văn trên là tương đồng với quan điểm sau của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kĩ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau." - đều đề cao, trân trọng nghề nghiệp riêng của mỗi người, miễn sao người ấy làm tốt công việc của mình.

    Câu 9.

    - Theo quan điểm của bản thân, em mong muốn sau này sẽ có "một vị thế cao sang". Vì khi có một vị thế cao sang, em có điều kiện sống, làm việc tốt hơn, tạo ra nhiều của cải, vật chất hơn cho bản thân và có cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Khi có một vị thế cao sang, em có điều kiện giúp đỡ được nhiều người kém may mắn hơn mình..

    Cũng có thể bày tỏ quan điểm:

    - Theo quan điểm của bản thân, em mong muốn sau này sẽ trở thành một người "có công việc bình thường" như bao nhiêu người khác. Bởi làm người bình thường cũng tốt, cuộc sống ít phải bon chen, ít đối mặt với nhiều áp lực, thậm chí ít có người ganh tị, đối kị, sát phạt mình. Tâm hồn mình trở nên thanh thản, an yên..

    Câu 10. Đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày suy nghĩ về vấn đề: Làm thế nào để phát huy giá trị bản thân.

    Mỗi người đều có những đặc điểm tuyệt vời riêng, đó chính là giá trị bản thân. Giá trị bản thân sẽ giúp chúng ta khẳng định được vị thế của mình trong xã hội, trong cuộc sống. Vậy làm thế nào để phát huy giá trị bản thân? Để phát huy được giá trị bản thân, việc trước tiên của bạn là nhận thức, khám phá ra những giá trị của mình, giá trị ấy là sở trường, năng lực nổi bật, là sự riêng biệt của bạn, là niềm đam mê, là thái độ sống tích cực.. hay đơn giản chỉ là sự nhiệt thành, là tấm lòng nhân ái, là khả năng mang đến những điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Sau đó, hãy không ngừng xây dựng, phấn đấu, bồi đắp giá trị để chúng phát triển trong chính môi trường sống và làm việc của bạn. Hãy biến sở trường của bạn thành những hành động, việc làm, sự cống hiến thực sự. Ví như, khi làm việc, bạn phải thật trách nhiệm, nhiệt huyết, dồn hết khả năng hiện có của bạn vào đó. Những giá trị nổi trội sẽ giúp ta đạt hiệu quả công việc và mở rộng con đường thăng tiến. Và khi ấy, giá trị của bạn ngày càng được khẳng định, phát huy. Ngay cả khi bạn không có tài năng đặc biệt, bạn vẫn có thể phát huy giá trị bản thân bằng sự tận tâm với công việc mà mình lựa chọn hay bằng khả năng đem đến cho chính mình và những người xung quanh những giá trị tinh thần phi vật chất như niềm vui, sự chia sẻ, tình yêu thương.. Bởi giá trị bản thân không chỉ nằm ở tài năng của bạn, mà còn ở cả những điều tốt đẹp mà bạn mang đến cho cuộc đời này. Jack ma có thể khẳng định giá trị bản thân trong lĩnh vực kinh doanh, bạn cũng có thể phát huy giá trị bản thân bằng những hành động thiết thực cho cộng đồng: Làm từ thiện, bảo vệ môi trường..

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Xem tiếp bên dưới..
     
    Dana Lê, Diggory, LieuDuong9 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng sáu 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Đọc hiểu: Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này (tt)

    - Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ Ân

    Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

    "Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lý do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm những công việc rất bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính.

    Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.".

    (Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn ).

    Câu 1. Xác định câu chủ đề của đoạn văn.

    Câu 2. Xét về cấu tạo ngữ pháp, các câu: "Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti." thuộc loại câu nào?

    Câu 3. Sử dụng cấu trúc Nếu - thì trong những câu văn: Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính. " có tác dụng gì?

    Câu 4. Theo em, tại sao " Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. " ? Để vươn lên từng ngày, em cần làm gì?

    Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu

    Câu 1. Câu chủ đề của đoạn văn: Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận.

    (Câu trên khẳng định giá trị đáng ghi nhận của con người trong cuộc đời. Đây cũng là chủ đề của đoạn văn).

    Câu 2. Xét về cấu tạo ngữ pháp, các câu:" Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. " thuộc loại câu đặc biệt.

    (Các câu trên đều khuyết thành phần câu).

    Câu 3. Sử dụng cấu trúc Nếu - thì trong những câu văn: Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính." có tác dụng:

    - Ba câu trên đều sử dụng cấu trúc Nếu - thì chỉ quan hệ giả thiết - kết quả. Vế đầu (nếu) nêu lên giả thiết tất cả mọi người đều nổi tiếng, thành đạt. Vế sau (thì) nêu lên kết quả: Không có những người bình thường.

    - Các sử dụng kiểu câu trên góp phần khẳng định quy luật của cuộc sống: Bên cạnh những người ưu tú là những người bình thường; khẳng định giá trị, vai trò của những người bình thường trong cuộc đời. Cách sử dụng kiểu câu có cấu trúc Nếu - thì trên còn tạo nhịp điệu, tăng tính sinh động, hấp dẫn cho sự diễn đạt.

    Câu 4.

    - "Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày." vì: Không phải ai sinh ra cũng đều có khả năng trở thành người siêu việt, người siêu việt là số ít, còn phần lớn, chúng ta đều là những người bình thường. Nhưng không phải người bình thường thì không thể nỗ lực; người bình thường vẫn có những ước mơ, khát vọng và sự nỗ lực.. Điều đó không biến họ thành ưu tú nhưng giúp họ trở thành phiên bản tốt nhất của mình.

    - Để vươn lên từng ngày, tôi cố gắng học tập thật tốt, làm những việc hữu ích, biết suy nghĩ, lắng nghe, dần hoàn thiện bản thân; biết sống có mục đích và cố gắng thực hiện những mục tiêu của cuộc đời.
     
    Last edited by a moderator: 27 Tháng sáu 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...