And then the World Tác giả: Victoria KK Thể loại: Tương lai, tình cảm, hiện thực Tiến độ: Một tháng một chương Link góp ý - thảo luận: [Thảo Luận - Góp Ý] Tác Phẩm Của VictoriaKK Văn án Con người có thể tiến hóa. Virus có thể không? Tháng Mười Một năm 2099, người nhiễm Red đầu tiên được phát hiện. Đó là một phụ nữ độc thân hơn ba mươi tuổi, không có bệnh lí nền. Những biểu hiện như sốt cao, ho khan, mỏi người mà cô ấy kể ra cũng không khác gì so với chứng cảm cúm thông thường. Bệnh viện như mọi lần sơ cứu và cho thuốc để bệnh nhân tự điều trị tại nhà. Ba ngày sau, cô ấy chết. Trong quá khứ, con người đã thành công tạo ra rất nhiều loại virus để thử nghiệm thuốc và nâng y học lên một tầm cao mới. Nhưng nếu một ngày, chính họ mất đi quyền kiểm soát nó thì sao? Lấy bối cảnh thế giới năm 2100 đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh, And then the World là câu chuyện về một nhà nữ sinh vật học và một chàng quân nhân. Hơn cả, nó còn là một phần nào đó thế giới của chúng ta, khắc nghiệt, lãng mạn, cũng mông lung không thể dự đoán trước. Chú ý: Truyện không viết về bất kì cá nhân, đất nước hay tổ chức cụ thể nào. Mọi sự trùng hợp đều là ngẫu nhiên. Last but not least, đừng quên LIKE&SHARE nếu yêu thích truyện nhé! Chỉ mất một giây thôi nhưng là động lực to lớn cho Vic ra chương mới đó.
Chương 1: Thành phố bị phong tỏa rồi. Bấm để xem Thành phố bị phong tỏa rồi. Tôi kéo tấm chăn màu lông chuột quanh người, ngồi sâu hơn vào băng ghế gỗ lạnh tanh. Tàu đông, một bên tai nghe tiếng động cơ ồn ã chạy, một bên là tiếng thở nặng nề của hàng trăm con người chen chúc. Sau những lớp khẩu trang dày cộm, ai nấy đều đang cố gắng đương đầu với nỗi sợ vô hình đang treo lơ lửng trên đầu. Mọi nơi giờ đang cắt giảm tiêu thụ điện. Tàu chỉ đủ nhiên liệu chạy, xung quanh tối om. Đánh mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, chỉ có bóng đêm và những lùm cây xa dần chạy dài tít tắp. Thành phố từng tràn ngập trong ánh nắng ấm áp của tháng Tám giờ đây u ám và ủ rũ, tựa như thứ dịch bệnh tai quái kia không chỉ tác động đến con người. Kéo khẩu trang sát lại vào sống mũi lần thứ năm trong một phút trở lại đây, tôi khoanh tay, dựa đầu lên kính chắn gió, chập chờn muốn đi vào giấc ngủ. Đây là chuyến thứ hai Chính phủ dùng để sơ tán người dân từ thành phố B đến vùng nông thôn M, được một phần năm tổng số dân cư toàn thành phố. Những người trên chuyến tàu này đều thuộc vào dạng khá giả, thậm chí còn có con cái của Bộ Trưởng và nhiều cán bộ cấp cao khác. Điều đó không đồng nghĩa với việc tôi nằm trong số mấy nhân vật quan trọng ấy, chỉ đơn giản là một nhà nghiên cứu khoa học được Ủy ban thành phố tạo điều kiện rời đi trước mà thôi. Tôi bị giật mình bởi sàn xe một lần nữa rung lắc, và lần này thì mạnh hơn mọi lần khác. Con tàu đã dừng hẳn lại, tôi tự nhủ, lần thứ ba trong hai mươi tám tiếng trở lại đây. Lần đầu tiên đã khiến mọi người ầm ĩ một phen, song giờ cũng chẳng ai để tâm nữa. Người nào người nấy đều mệt mỏi vì chuyến hành trình dài gần ba trăm ki-lo-met mà như kéo dài đến cả năm. Điện thoại đã tắt nguồn để tránh hao pin, tôi cúi đầu xem đồng hồ trên cổ tay nhờ chút lân quang còn sót lại. Hơn ba giờ sáng. Quấn thêm một vòng chăn, tôi nghĩ nên tìm cho mình một chút đồ uống nóng. Tháng Bảy năm nay chưa bao giờ nóng đến thế, cũng như tháng Mười Một chưa bao giờ lạnh đến thế này. Ở quầy không có người phục vụ. Tôi lần mò châm một cây nến, tìm được một cái cốc giấy trắng trong túi zip và ít bột cacao ở bên cạnh. Phíc không còn nước nóng, tôi vặn nước vào chiếc ấm con, bắc lên bếp ga đun. Tôi đã từng thấy hình ảnh này trong băng đĩa ngày xưa của mẹ, có thể chúng không quá cũ kĩ, nhưng đối với phần lớn con người ở thời đại này với tất cả đồ dùng bằng điện, đó coi như đã là một sự mới lạ. Tất nhiên nó không phải lần đầu thực hành của tôi, bởi ba tháng trở lại đây thỉnh thoảng thành phố bị mất điện để tập trung cung cấp cho bệnh viện, tôi cũng từng dùng những thứ tương tự vậy. "Cô quên chưa mở van ga." Một giọng nói vang lên trong bóng tối, trầm thấp đến nỗi ngay sau đó tựa như hòa tan thành mực đen tô lên cảnh vật. Tôi đánh mắt ra xung quanh. Có một tia sáng lóe lên, hơi tối, sáng, rồi mờ dần trong khói trắng lơ lửng. Biết người đó đã và sẽ đứng thêm một lúc, thậm chí là lâu, tôi bình thản quay trở vào với bình ga, làm theo những gì chàng trai nói. "Nếu đã muốn chết như vậy, sao anh không ở lại đi?" Tôi vốn không thuộc dạng tọc mạch, chỉ là không hiểu được khoảnh khắc ấy mình lại dễ dàng bật thốt một câu mỉa mai độc địa như vậy mà không có một chút suy nghĩ xấu hổ hay tội lỗi nào. Chàng trai đứng tựa vai vào thành tàu, mặc bộ đồ đen từ đầu đến chân, dáng người cao gầy, mặt hướng về phía cửa sổ đang mở, thi thoảng lại nhả một ngụm khói thuốc lá. Nghe xong câu ấy, hắn có vẻ khựng lại vài giây, song không hề có ý định dừng lại. Đầu lọc lại sáng thêm một lần nữa. Không có gì làm, vậy là tôi tiếp tục đứng nhìn như vậy. Mắt đã quen dần với bóng tối, cộng thêm ánh nến lập lòe sau lưng, tôi có thể nhìn ra vài đường nét nam tính khác của chàng trai, chẳng hạn như yết hầu nhô lên trên chiếc cổ lọ rộng, hay quai hàm góc cạnh và sống mũi cao thẳng. Cho đến khi ấm nước reo, hắn cũng không nói năng gì, đầu lọc cũng đã ngắn đến đầu ngón tay. Thật ra cũng chẳng mong chờ gì từ đối phương, tôi điềm đạm rời mắt, quay qua rót nước vào cốc đã có sẵn bột pha, mùi cacao được hun chảy lập tức ngào ngạt bốc lên thơm phức. Theo thói quen, tôi lấy ống tay áo lau miệng cốc trước khi uống. "Nếu đã sợ chết như vậy, sao còn dùng đồ nơi công cộng?" Âm thanh lần thứ hai vang lên, bây giờ cảm xúc rõ ràng hơn: Trả đũa. Tôi thầm đảo mắt. "Đều là đồ đã tiệt trùng qua. Hơn nữa trên tàu người đã được kiểm tra nghiêm ngặt một lượt." "Nên cô vẫn đeo khẩu trang." "Đấy là khuyến cáo của chính phủ." "Nếu đã không có người bệnh thì chẳng phải là một hành động thừa thãi sao?" "Đâu thể khẳng định chắc nịch như thế? Ít ra con người có ý thức phòng bệnh hơn nhiều với những kẻ biết rõ nguy hiểm là gì vẫn lao vào." Chẳng biết từ lúc nào cuộc trò chuyện của chúng tôi lại biến thành cuộc đua "ai có lí hơn", hoặc ít nhất với tôi là như thế. Kẻ Lạ Mặt không tiếp lời, nghe xong chỉ khẽ cười khẩy một cái, dụi đầu lọc xuống chiếc bàn gần đó trước khi vứt mẩu vụn còn lại qua cửa sổ; kế rút từ trong túi áo ra một chiếc khẩu trang, thong thả đeo lên. Tôi không nghĩ đó sẽ là người dễ dàng chấm dứt cuộc tranh luận cho đến khi hắn cứ thế bước ngược trở lại khoang tàu ngủ, lướt qua. Nhìn xuống cốc cacao, một cảm giác nhộn nhạo trong bụng.. Thẳng tay đổ nước xuống bồn rửa, tôi vò cốc ném vào sọt rác.
Chương 2: Dịch bệnh đã được gần một năm. Bấm để xem Dịch bệnh đã được gần một năm. Trong tháng đầu tiên, chỉ năm người có triệu chứng bệnh. Ban đầu, mọi người đều thấy không có vấn đề gì đến vì với bọn họ lúc bấy giờ, y học là một thứ gì đó nằm trong tầm tay. Ngoài ung thư và AIDS, bất kì loại bệnh nào khiến con người sốt, ho, khó thở cũng đều có thể coi như cảm cúm thông thường. Họ đơn giản tự uống thuốc hạ sốt ở nhà, cùng lắm là đến bệnh viện để bác sĩ truyền nước. Chẳng ai tự nhiên đi xét nghiệm máu vì chẳng ai nghĩ những triệu chứng mình đã từng hừ mũi coi thường lại mang tới một căn bệnh chết người và có khả năng lây nhiễm đến 40% vậy; thậm chí lúc biết rồi thì với niềm tin bất diệt của những con người ở thế kỉ "tiên tiến nhất", mọi người vẫn chưa để tâm quá nhiều. Chỉ đến khi chứng kiến chính những người thân cận nhất của mình ngã xuống, tiếng hú của còi báo động mới lọt vào tai họ. Như một đồ thị hàm số, trong hàng tỉ năm của Trái Đất, thời gian con người ở đỉnh cao của kinh tế, y học.. thật ra rất ngắn; đùng một cái thì đã chuyển tiếp sang đỉnh dưới của parabol. Tàu bắt đầu rời bánh, êm ả hơn so với lúc dừng nhưng cũng đủ khiến tôi tỉnh giấc. Trời đã về rạng sáng. Để an toàn, mỗi người đều có cho mình một màn ngăn cách bằng thủy tinh với người khác trên băng ghế có 3 chỗ. Người ngồi bên phải tôi vẫn ngủ mê mệt từ tối đến giờ, đầu dựa vào tấm kính, có vẻ như chưa hề thay đổi tư thế. Điều đó đã làm tôi có nhiều khoảnh khắc có suy nghĩ nếu như kiểm an của tàu không đủ cẩn thận, và người bên cạnh tôi thậm chí đã chết mà không ai biết, máu đã chảy đầy miệng chị ta sau lớp khẩu trang đen ngòm, thì tương lai tôi sẽ phải làm thế nào. Đó quả thật là một suy nghĩ hoàn toàn quái gở, nhờ kẻ Muốn Chết nào đó gợi nhắc. Khẽ nuốt xuống, tôi nhận ra cổ họng mình đã khô khốc kể từ lúc đổ cốc cacao đấy đi, tự nhận thấy bản thân là một người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhẹ. Thở dài, tôi gấp đơn giản chiếc chăn mỏng đặt qua một bên, đi xuống quầy lần hai. Năm giờ đúng, đã có vài người đang ngồi trên bàn ăn sáng. Rất ít tiếng nói chuyện, chỉ có tiếng dao nĩa quẹt vào nhau. Tôi lấy cho mình một phần bánh tam giác có lẽ mới được hâm lại không bao lâu sau khi tôi từ nơi này rời đi, cùng với một chai nước ép hoa quả, ngồi xuống chiếc bàn gần đó. Bảy giờ, toa nhà ăn trở nên đông đúc. Bảo an bắt đầu đến và thuyết phục những người đã dùng xong hoặc gần xong bữa rời đi. Vốn là một người có ý thức vì cộng đồng, song chỉ vì một thứ tiềm thức chết tiệt nào đó đã khiến tôi trở thành đối tượng ngược lại với suy nghĩ và bản chất của mình. Tôi thậm chí còn không nên nghĩ tới việc sẽ gặp lại chàng trai kia. Và cho đến khi xuống tàu, tôi rốt cuộc cũng trút bỏ được suy nghĩ đó ra khỏi đầu. Mẹ của tôi lúc nhỏ sống ở vùng nông thôn. Bà từng kể rằng hồi đó thỉnh thoảng ở nông thôn lại mất điện, cũng bảo rằng thành phố thì chẳng bao giờ phải lo gì, có điện quanh năm. Giờ thì ngược lại. Thành phố phải thường xuyên cắt điện các khu dân cư, còn nông thôn trở thành nơi đầy đủ nhất. Đúng ra trên thế giới không còn nhiều nông thôn nên khái niệm này đang biến mất dần, nhưng tôi vẫn thích gọi như thế. Nó có chút gì đó cổ kính và khác biệt. Tất nhiên tên gọi ngoài việc gây ra cảm giác cho chính mình thì chả có tác dụng gì nhiều, vì khi bước chân xuống, không có thứ gì khiến tôi hình dung ra như những gì mẹ đã kể. Không có đồng cỏ thênh thang, không có suối, hồ là hồ nhân tạo, vẫn là cao ốc, nhà máy và các khu biệt lập. Cũng như mọi người, tôi được sắp xếp ở trong mỗi một căn phòng hộp nho nhỏ có giường và tủ đồ, còn đâu sinh hoạt cá nhân hay ăn uống đều ở khu tập thể. Mong rằng chuyện này sẽ diễn ra trong khoảng một tháng như người quản lí đã nói, khi chính phủ đã kiểm soát được những người mắc bệnh và khử trùng toàn thành phố, nếu không tôi tin chắc bản thân không thể sống sót được. Tôi không thích nhiều người một-chút-nào. Sắp xếp chỗ ở và đồ đạc xong xuôi thì trời đã qua hoàng hôn. Vừa nãy có bảo an đến nhắc bữa ăn tối, đến giờ tôi có phản ứng lại thì cũng đã qua hơn tiếng. Dù sao cũng không đói, tôi ưu tiên cho việc tắm rửa hơn. Ở đây chỉ có nhà tắm công cộng, vách thành sáu buồng nhỏ mỗi bên. Cầm theo quần áo, khăn bông, một gói dầu gội đầu và một gói sữa tắm, tôi tìm cho mình một phòng ở gần cuối. Chỉ có duy nhất một tiếng nước chảy. Tôi không rõ vì thời điểm mình chọn vừa hay không phải giờ cao điểm, hay còn có nguyên nhân gì khác. Mỗi người đều có cách thư giãn riêng sau gần bốn mươi tám giờ mệt mỏi. Bên trong khá sạch sẽ, có một vòi sen, một thanh treo quần áo. Tôi xoay vòi về phía tay trái, nước nóng phun ra sau tầm năm giây. Cũng không tệ như tưởng tượng tôi từng có trước khi sơ tán. Vậy là tôi đã, ngoài dự kiến, hoàn thành công việc vệ sinh cá nhân của mình trong gần bốn mươi phút. Dãy hành lang ngoại thiên cứ mười khu mới có một bóng đèn nhỏ tỏa ánh sáng màu vàng nhạt. Xung quanh hoàn toàn là những căn phòng giống hệt nhau, tôi bước đi rất lâu, đầu óc có chút vất vưởng bởi ánh sáng mập mờ. Lại hút thuốc. Không ngờ rằng chưa đầy một ngày sau, tôi lại có thể gặp lại chàng trai ấy. Và càng không thể phủ nhận rằng, tim tôi đã run rẩy trong khoảnh khắc. Dáng vẻ yêu thích của hắn có vẻ là tựa người lên thành một cái gì đó, đầu hơi ngẩng, rất thong dong nhả ra từng ngụm khói. Hiện giờ trước ánh đèn cách 4 dãy đằng sau và 6 dãy đằng trước, tôi cũng chưa nhìn ra thêm đường nét nào mới trên gương mặt góc cạnh đó, chỉ là không hiểu tại sao lại có cảm giác anh ta rất điển trai, hoặc cùng lắm cũng có chút ưa nhìn, và chắc chắn sẽ có những nét vô cùng nam tính. Vẫn bộ đồ đen tuyền, gã dường như sẽ lẫn vào bóng đêm nếu không phải có những tia sáng ở đầu lọc lập lòe. Tôi không biết liệu mình có nên lên tiếng, hay nếu nói thì nên nói gì. Sự tự nhiên, vô duyên đêm đó đều biến mất, tôi không còn mảnh dũng khí nào để trò chuyện với người đã khiến bản thân suy nghĩ cả một ngày trời như thế. Cũng vì không thường có cảm giác ấy, điều này thật sự đã khiến tôi trở nên ngập ngừng. Coi như không nhìn thấy, tôi đi lướt tới, tập trung mở khóa phòng như nó là thứ tồn tại duy nhất hiện giờ. "Tôi làm mất chìa khóa rồi." Ngay khi định đóng cửa, tiếng nói chậm rãi vang lên. Trong khoảnh khắc tôi đã nghĩ không biết anh ta có còn nhớ mình không, và cũng trong khoảnh khắc ấy tôi chợt thấy đã có điều quái quỷ gì khiến tôi nhận ra anh ta trong bóng đêm vô tận như thế? Là kiểu hương vị quen thuộc trong không khí chăng? Điều đó thậm chí còn càng buồn cười hơn bởi tôi chỉ gặp anh ta có đúng một lần. Vậy là cái gì đây? Và quan trọng hơn, nếu anh ta không nhận ra tôi, tôi nên làm gì?
Chương 3: Có mìn Bấm để xem "Tôi làm mất chìa khóa rồi." Ngay khi định đóng cửa, tiếng nói chậm rãi vang lên. Trong khoảnh khắc tôi đã nghĩ không biết anh ta có còn nhớ mình không, và cũng trong khoảnh khắc ấy tôi chợt thấy đã có điều quái quỷ gì khiến tôi nhận ra anh ta trong bóng đêm vô tận như thế? Là kiểu hương vị quen thuộc trong không khí chăng? Điều đó thậm chí còn càng buồn cười hơn bởi tôi chỉ gặp anh ta có đúng một lần. Vậy là cái gì đây? Và quan trọng hơn, nếu anh ta không nhận ra tôi, tôi nên làm gì? "Chìa khóa gì?" Tôi hỏi lại. "Khóa phòng." Hắn đáp. Tôi hơi cau mày khó hiểu. "Vậy thì anh cần đi tìm quản lí." Không phải ở đây nói nhảm với tôi. "Trời rất lạnh." Ngay cả khi tôi đã hạ quyết tâm tống người đàn ông chết tiệt này ra khỏi cuộc đời mình thì anh ta lại có vẻ sẽ không "buông tha". Lần nữa hé mở cánh cửa vừa khép lại, tôi thò đầu ra ngoài trong khi một tay lần về phía công tắc điện. "Thì?" Đèn sáng. Còn hắn đã đứng đối diện cửa phòng tôi. Ồ, gã chắc hẳn phải đang đùa. "Không." Nhưng thay vì để lộ sự lúng túng bởi tiếng trống trong ngực ngu ngốc của mình mình, ngoài mặt, tôi biết bản thân trông vô cùng bình tĩnh khi đứng chắn giữa khe cửa. "Nhớ không, tôi là cô gái khẩu trang anh từng gặp đấy." Và thế là tôi đã nói ra trước khi kịp suy nghĩ kĩ hơn. Thay vì nhìn thẳng vào mắt tôi như lần trước hay chỉ hai giây mới đây, chàng trai xuyên qua đỉnh đầu tôi nhìn vào bên trong, dường như đang tìm lỗ hổng để thực hiện hành vi của mình - không có sự cho phép của "chủ nhà". Tôi biết điều ấy có nghĩa là gì. Tít. Đó đáng ra sẽ là tiếng khóa cửa theo mong muốn của kẻ nào đó. Thay vào đó.. Tôi nhảy chồm ra ngoài. Người đối diện dường như đã đoán ra được, dù có thể thấy một chút ngỡ ngàng, nhưng hai tay đã dang lên phía trước, sẵn sàng ôm lấy tôi. Một giây sau, tiếng nổ vang lên phía sau. Sóng xung kích khiến tôi quăng mình vào trước ngực anh ta. Tiếng "tít" kia, chính là tiếng kích hoạt mìn nổ. Văng xa tầm ba mét, anh chàng tiếp đất bằng lưng với tôi ở trên. Nếu không phải tiếng nổ vào giây trước đó làm tôi bị ù tai, tôi khẳng định mình sẽ nghe thấy tiếng da ma sát và thịt đập nặng nề xuống nền xi măng lạnh ngắt. Hơi nóng đằng trước và hơn hết từ đằng sau khiến đầu tôi choáng váng, bên dưới mi mắt chỉ có trăng và sao. Sau đó tôi cảm nhận mình được đặt nằm ngửa. Dường như người đối diện đang nói chuyện nhưng trong tai tôi chỉ có tiếng rít kiểu dùng nĩa cào lên mặt đĩa sứ. Phía sau tôi rát cháy, cả người tê dại, cổ dường như gãy lìa. Rồi tôi thiếp đi. Phía trước là một mảng tối đen. Theo phản xạ, tôi đảo mắt vài lần để làm quen. Nương theo thứ ánh sáng tù mù cùng mùi nước khử trùng nhàn nhạt, tôi đoán đây là một khu trạm xá nhỏ, tuy không được rộng rãi như bệnh viện song đủ yên tĩnh và sạch sẽ. Có hai giường bệnh được phủ ga trắng xóa phía tay phải, sau đó đến một chiếc bàn dài với một bình hoa ở trên, bên cạnh là cửa ra vào. Để tiết kiệm diện tích, bức tường cuối giường, cũng là chỗ duy nhất còn trống trong căn phòng là hàng dài kệ thuốc bằng nhôm có kính. Phía tay trái tôi là nguồn sáng duy nhất trong phòng - một cửa sổ hình vuông có rèm trắng, và dây truyền nước. "Tỉnh rồi hả?" Có tiếng người. Tôi theo phản xạ quay mạnh đầu, cổ như bị bẻ một nhát. "Cứ từ từ." Tiếng bước chân nhanh hơn một chút. Người đàn ông lạ mặt - cũng chính là bác sĩ kia tiến gần lại, chỉnh băng cổ và đầu để tôi thoải mái hơn. Tôi nhắm mắt, hít sâu mấy hơi, đau đớn khiến trí óc của tôi được kích thích. "Đã có chuyện.." Tôi hỏi khi người bác sĩ trung niên lấy trong túi áo ra một chiếc đèn pin bằng ngón tay, bắt đầu soi vào mắt tôi. Ông có mái tóc màu muối tiêu cùng một đôi mắt già nua sau lớp kính dày trễ nơi sống mũi, rất có vẻ ấm áp của một lương y. "Cô không nhớ gì hả?" Tôi không điều khiển được phát ra tiếng rên rỉ sau khi ông cất đèn pin đi, đầu óc lại thoáng quay cuồng. "Cũng không hẳn.." Tôi mím môi, dần cảm nhận được sự bỏng rát phía sau lưng. Người kia.. "Đau quá.." Tôi không nghĩ mình đã thốt ra điều đó cho đến khi nghe tiếng đáp lại. "Tôi đã gọi cứu trợ. Chắc một chút nữa họ sẽ đến thôi." Âm thanh vừa lạ vừa quen phát ra bên dưới. Cả người tôi đã tê dại không cảm giác, đến giờ mới phát hiện bản thân đang được cõng trên lưng một kẻ mình còn chưa biết tên kia. "Vậy sao chúng ta không đợi ở đó? Anh hình như cũng bị thương.." Khoảnh khắc đó tôi không nhớ nhiều chuyện cho lắm, chỉ là tự nhiên thốt ra vậy, thậm chí cũng không thắc mắc sao hai người lại ở trong hoàn cảnh này. "Muốn nhanh hơn thôi. Hơn nữa hung thủ còn có thể ở gần." Tôi ù ù cạc cạc không hiểu anh ta đang đề cập thứ gì, cứ coi như anh ta đúng. Xung quanh chìm vào bóng tối trong phút chốc. "Số hiệu của cô là gì?" Người nọ đột ngột lên tiếng khiến tôi tỉnh lại khỏi giấc mộng ngắn. Lại có ánh sáng, nhưng tôi không chắc là do bản thân trước đấy đã nhắm mắt hay do ánh đèn trên đầu cứ nhập nhèm. "Tôi không nghĩ mình cần phải nói cho anh về nó." Tôi gian nan nhíu mày. Có suy nghĩ nào đó lóe lên rằng tất cả đều thuộc sự sắp đặt của anh ta nhằm lấy lòng tin của tôi. "Tôi chỉ đang muốn giúp cô thôi." "Anh đóng đạt thật đấy."
Chương 4: Số hiệu cũng là tên Bấm để xem "Chuyện gì?" Giọng đối phương có vẻ bối rối. "Chuyện anh là người của bọn họ." Đối phương không đáp. Tôi không chắc đó là biểu hiện của chột dạ hay ngầm thừa nhận, nên tôi tự kết thúc: "Cũng chả quan trọng." "Cứ cho là như vậy đi." Song Người Lạ lại có vẻ không nắm bắt được tinh thần cuộc trò chuyện cho lắm. Tôi cũng không nghe ra cảm xúc khi anh ta nói câu này, hẳn là do đầu óc tôi đang dần mất đi sự tỉnh táo. "Thế thì cô mất gì nếu để tôi biết số hiệu của mình nhỉ?" "Chẳng lẽ bọn họ không cung cấp nó cho anh?" "Không." "Nói số hiệu của anh trước đi." "S071." Anh ta đáp rất nhanh hơn tôi tưởng. "Hừm.." Bên cạnh cú sốc của kẻ thắng cuộc trong nháy mắt, tôi cố suy nghĩ xem giây trước đó mình muốn biết số hiệu của anh ta để làm gì. Một sự thật là, tôi đâu phải người có thẩm quyền tra thông tin? Ở thời này, số hiệu đối với dân thường bọn tôi chẳng khác gì những cái tên như gần ba chục năm trước đây, chỉ dùng để gọi. Khoảng thời gian chính phủ đưa ra quyết định ấy, không ai là không phản đối; bởi mọi người hiển nhiên không thấu tỏ được, hoặc không được cho cơ hội để thấu tỏ nguồn cơn, cho đến hiện tại. Chữ cái đầu trong số hiệu chính là biểu hiện vùng miền của một người. Từ đó chỉ cần nhìn số hiệu, các cơ quan liền có thể nhận diện họ có từ vùng dịch đến, hay họ có thuộc khu vực có biến động chính trị/quân sự hay không, thậm chí tra ra họ hàng gốc gác, từng đi đâu mua gì.. Một tác dụng nữa so với tên, đó là mỗi người được sinh ra với chỉ một số hiệu; bắt đầu từ tuổi vị thành niên, ảnh của họ đều có trong hệ thống của quốc gia; nên ngoài phẫu thẩm mĩ, không ai có thể mạo danh người khác cũng như tự tạo số hiệu giả. Nếu bạn vi phạm, hoặc nhẹ bạn sẽ bị phạt hành chính; không, trong cục diện rối rắm và đầy vấn đề xã hội thế này, bạn sẽ vào tù và chờ hình phạt của pháp luật. Thậm chí bạn là vô tội, nhưng chỉ cần họ tìm ra bất kì một hành vi được-cho là bất thường từ bạn, bạn sẽ lãnh án tử ngay. "C029?" Tôi tỉnh lại từ hồi ức. "Ừm.. Người đi cùng tôi, anh ta thế nào rồi?" Tôi có đôi chút ngập ngừng hỏi. Chỉ vài giây trở lại đây, tôi đã phân tích được tình huống khi ấy một cách cặn kẽ hơn. Bởi vậy, tôi không khỏi cảm thấy uất ức thay ân nhân của mình. "Vậy là cô nhớ lại rồi đúng không?" Bác sĩ đứng thẳng người, đôi mắt cong cong. "Vâng." "Thế là ổn rồi." Ông đút tay vào túi. "Về chuyện kia, tôi nghe nói là do chập điện." Tôi cau mày trong vô thức, không thể không liên tưởng đến tình huống "quen thuộc" trước đây. "Hơi khó xảy ra." Người đàn ông nhìn tôi với nét mặt phức tạp. Tôi cũng không biết nói điều gì. "Còn về cậu con trai." Bác sĩ lên tiếng phá vỡ sự im ắng. "Cậu ta vừa được băng bó xong thì đã đi với bảo an rồi." "Bảo an?" Tôi lặp lại. Vụ việc nghiêm trọng ở mức độ ấy nhưng không có cảnh sát, chỉ có bảo an. Xem ra chuyện này sẽ thật sự không được truy cứu. "Mọi chuyện ổn rồi chứ?" S071 xuất hiện ở cửa. Vừa thấy thấy anh ta, một cảm giác lóe lên trong đầu mà tôi không biết dùng từ gì để mô tả. Ngại ngùng, xấu hổ, biết ơn.. yên lòng? Vị bác sĩ quay người, gật đầu chào lại, sau nâng mắt nhìn túi truyền nước, dặn dò: "Tôi sẽ bảo y tá thay túi truyền cho cô." "Để tôi." S071 đã tiến gần. Anh đứng ở cuối giường, tay phải bó bột trắng treo trước ngực, ngoài ra không thấy thương tích nào hết. Bác sĩ suy nghĩ trong giây lát rồi gật đầu: "Ừm." Ông ấn công tắc ở đầu giường, bên trên lập tức rực sáng, tôi theo phản xạ nheo mắt lại. "Điện ở đây là tốt nhất đấy." Rồi ông quay sang S071: "Túi truyền ở kia." Chỉ đạo xong xuôi, bác sĩ gật đầu chào tạm biệt. "Anh từng làm y tá?" Tôi nhìn theo S071. Dưới ánh đèn tuýp trắng lóa, anh ta không quá trắng trẻo, thậm chí làn da có chút ngăm ngăm; tuy nhiên, tôi như cũ lại có ảo giác có một thứ ánh sáng đang phát ra từ người S071, rất đẹp. Anh khoác áo khoác da, khi giơ tay liền để lộ mặc một chiếc áo cộc, phần tay áo ôm lấy bắp tay căng chắc và cứng cỏi. Tôi dường như hình dung được mẫu người lý tưởng Lynn thường nhắc đến: "Khi mặc quần áo thì thư sinh, khi không thì cầm thú." "Cũng không có gì khó." Chỉ bằng một tay, S071 đã mau chóng hoàn thành việc của mình, đứng nhìn xuống. Anh ta có hàng mày đậm, mi rất dài, sống mũi cao, môi không dầy không mỏng, cần cổ rắn rỏi. Tôi đã không kịp quan sát điều này trong hoàn cảnh trước đó, và giờ thì tôi phát hiện, linh cảm của bản thân quả không sai. "Cảm ơn anh." Tôi cụp mắt, thầm mong mặt mình không nóng lên. S071 không đáp, hơi cúi người kéo một chiếc ghế xếp dưới gầm giường, ngồi xuống. "Ờ.. Tôi là C029." Trong không khí tĩnh lặng, tôi chợt nhớ về những gì đã xảy ra tối hôm trước, nhận ra sau cả một cuộc trò chuyện, tôi vẫn chưa cho S071 câu trả lời anh ta cần. "Ừ. Tôi biết rồi." S071 thản nhiên đáp. "Cũng chẳng phải bí mật gì." Tôi thầm nhún vai. "Anh có bị thương nặng không?" "Chỉ là xây xát ngoài da." "Tay anh.. bị gãy hả?" Mắt tôi đảo đến vị trí bột thạch cao. "Bị bỏng và trật khớp thôi. Bác sĩ bảo băng bó vài ba ngày là ổn rồi." "Ồ.." Cuộc nói chuyện rơi vào ngượng ngập trong phút chốc. "Chuyện hôm nay.." Mất một lúc S071 mới lên tiếng, hình như đã có dự định nhưng còn cân nhắc. "Cô đã từng gặp bao giờ chưa? Phản ứng của cô lúc đó, rất khác lạ." Nhớ lại sự việc mới diễn ra cách đây không lâu, tôi cũng cơ bản đoán được nguyên do cho những gì mình trải qua. Và tuy rằng tôi không biết liệu S071 là ai, thì ít nhất, anh ta cũng đã cứu tôi. "Đã cứu" - hai chữ này không phải cứ nói là làm được. Lòng tin tuy không phải một thứ có thể tùy tiện cho đi, nhưng khi đối diện với sự thật, hoài nghi lại thật sự không mang nhiều ý nghĩa như trước đó nữa. Tôi không đánh giá quá cao giá trị của mình, tôi chỉ là coi trọng mạng sống. Có người muốn lấy mạng tôi, có người lại đánh cược sinh mệnh để bảo vệ tôi, kể cả có vì ý đồ gì, kể cả toàn thân tôi có khoác lên một lớp vỏ phòng bị, tôi vẫn cảm thấy mình có thể đưa tay cho anh ta. ".. Ba tháng trước, phòng thí nghiệm của tôi cũng phát nổ." Tôi đưa mắt về phía S071. Anh ta ngả người về phía sau, hàng mày đen nhíu lại. "Như trước đó cô từng nói, cô nghĩ tôi là người của bọn họ?" Tôi đờ người mất mấy giây, suýt quên mất lời buột miệng của mình. Đúng, tôi "có thể đưa tay", nhưng ở một mức độ nào đó. Huống chi, bản thân tôi còn chưa có gì để chắc chắn "bọn họ" là ai. Không nên luôn đặt mình trong ảo tưởng bị ám hại như thế, có phải không? "Xin lỗi, lúc đó đầu óc tôi không được tỉnh táo." Tôi ngắt lời anh ta, biểu hiện đầy chột dạ. "Chuyện này và lần đó, có liên quan?"
Chương 5: "Cô sẽ không chỉ có một mình." Bấm để xem "Chuyện này và lần đó, có liên quan?" Song anh ta vẫn bám vào câu buột miệng đó của tôi. Tôi không biết mình nên lo lắng hay cảm kích. Tôi định lắc đầu liền nhớ ra cơn tê dại mình mới trải qua, phân vân trả lời. "Chỉ là liên tưởng thôi.. Bởi nguyên do đều vì chập điện." Ngẫm nghĩ một lúc, tôi thêm vào: "Tôi chỉ là một người bình thường." Không hiểu sao tôi không muốn - không dám nhìn S071. Chỉ có im lặng đáp lại, tay tôi khẽ siết chặt. "Thế chuyện phòng thí nghiệm của cô có nhiều người biết không?" "Anh có từng nghe nói đến không?" Tôi hỏi lại. "Dịch dã mà, nó coi như cũng chả phải chuyện gì quá to tát." "Ra vậy." S071 cười nhạt, có chút kì lạ nhưng cuối cùng cũng dừng lại việc theo đuổi chủ đề này. "Được rồi, vậy vụ việc coi như kết thúc ở đây. Người phụ trách đã hứa sẽ chỉnh đốn lại cơ sở vật chất, sẽ không còn chuyện tương tự xảy ra nữa. Cô cứ yên tâm nằm tĩnh dưỡng, khi nào đỡ hơn hẵng đi lấy đồ đạc." Có vẻ S071 phát hiện tôi vẫn luôn cố tình trốn tránh nói ra vấn đề chính - bản thân tôi thật sự là ai, tôi đã làm những gì, tại sao lại bị truy sát. Vậy nên, tôi đã vô cùng bất ngờ, thậm chí là bàng hoàng bởi câu nói sau đó, nói chi đến chuyện phủ nhận. "Yên tâm, lần này cô sẽ không chỉ có một mình." Tôi ho khan, hơi lúng túng động khuỷu tay mới phát hiện không thấy đồng hồ đeo của mình. "Mấy giờ rồi?" Tôi hỏi. S071 đứng dậy, rút điện thoại trong túi. "Bảy giờ ba mốt." Rồi anh ta nhìn ra ngoài cửa sổ. "Để tôi đi lấy đồ ăn." S071 chỉ vào cái tủ nhỏ bên cạnh giường. "Điện thoại và đồng hồ của cô đều ở trong ngăn kéo đấy." "Ừm, cảm ơn anh." "Đừng khách sáo." S071 gật đầu, hướng về phía cửa. "Cô có muốn ngủ thêm một lát không?" Anh ta quay lại. ".. Phiền anh tắt điện hộ tôi." S071 đồng ý. Xung quanh lại chìm vào bóng tối. Tôi từ từ xoay đầu trông ra ngoài cửa sổ. Tấm rèm trắng mỏng manh được kéo gọn gàng về một bên, để lọt vào những tia sáng yếu ớt của mùa đông lạnh giá. Bức tường mới được trát xi măng xám xịt và u ám, đến cả đám cỏ phía dưới cũng như bị bao trùm bởi thứ không khí thiếu sức sống, nhỏ bé và thưa thớt. Không thấy người qua lại, chỉ có im lặng. Nhóm của tôi xuất phát từ một nhóm nghiên cứu từ hồi học đại học, gồm bốn người: Lynn, hai bạn đồng nghiệp nam khác là Kar, Nam và tôi. Tuy chỉ với quy mô nhỏ cùng kinh phí ít ỏi nhưng với đam mê nghiên cứu và cũng lấy đó làm nguồn lương duy nhất, trước đại dịch, bốn người đã sáng tạo thành công hai hạng mục đầu tiên liên quan đến virus gây bệnh ở người. Dù không thu về quá nhiều lợi nhuận, song trong quá trình ấy, chúng tôi đã phát hiện rất nhiều tiềm năng còn có thể khai phá trong tương lai. Rồi đại dịch bùng phát, không một nhà sinh vật học nào có thể bỏ qua thứ virus mới mẻ đó, bọn tôi không ngoại lệ. Và như một vận may bất ngờ, những gì từng được coi như tiềm năng kia đã giúp nhóm tìm ra mấu chốt vô cùng quan trọng ở virus R, đang trong quá trình bàn bạc để công khai. Chỉ không ngờ, trước đó hai ngày, phòng thí nghiệm phát nổ. Mọi chuyện xảy ra quá đường đột, may rằng tôi là một con người cẩn thận, luôn dặn dò mọi người tự lưu dữ liệu nghiên cứu, chỉ có điều vẫn không giữ được mẫu vật. Trong đại dịch, bọn tôi đều biết cái quan trọng nhất là đồng lòng. Bởi vậy, mọi người đều từng nhất trí sẽ cung cấp kết quả của mình cho chính phủ ngay sau khi thông cáo toàn quốc; tuy nhiên sau sự việc kia, dự định thay đổi. Phòng thí nghiệm bị nổ, cả nhóm đều rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Có được những báo cáo ấy đã chẳng phải điều dễ dàng gì, giờ giao ra, liền chỉ có thể ở thế bị động; bởi ngộ nhỡ không có công chúng, chúng tôi chưa chắc sẽ nhận được phần hỗ trợ như mong muốn. Xuất phát từ động cơ và xem xét qua nhiều khả năng, dù không nói ra nhưng ai cũng đều có những phán đoán của riêng mình, song đều tóm gọn lại về một ý: Phải chăng chính phủ nhận ra tiềm năng trong hai thành tựu trước, có thể chưa đi đến kết quả, vẫn quyết định "tiên phát chế nhân"? Tất nhiên cũng chỉ dừng lại ở mức độ suy đoán. Nghiên cứu của nhóm tôi tuy được cho rằng quan trọng, song chính phủ có khả năng còn đi theo hướng khác phát triển hơn. Chuyện lớn càng không thể vội vàng, vừa lúc có lệnh sơ tán nhiều thành phố, nghiên cứu của nhóm cũng đành lắng xuống. Cho đến bây giờ, tôi chấp nhận quyết định của mình khá hợp lí. Chuông điện thoại vừa lúc vang lên. Thuốc tê hết tác dụng, tôi cũng đã làm quen hơn với sự đau rát đằng sau, vươn tay mò lấy điện thoại. Với vết bỏng sau lưng, tôi đáng lẽ không nên nằm ngửa; tuy nhiên cổ cũng bị ảnh hưởng, tôi không tránh khỏi ở trong thế "tiễn thoái lưỡng nan". Lynn. "Thế nào rồi, di cư ổn chứ?" Giọng cô vang lên ở đầu bên kia đầy vẻ hưng phấn. "Cũng bình thường." Tôi cân nhắc đáp. "Cho cậu một tin động trời, Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia vừa liên hệ với tớ." Tôi vô thức nắm chặt bàn tay. "Để làm gì?" "Họ muốn chúng ta cùng tham gia nghiên cứu, bảo rằng họ thấy trong hai nghiên cứu trước của chúng mình hình như đều có những mấu chốt quan trọng, rất thành khẩn mong có thể cùng hợp tác." "Hừm.." Nếu không phải vừa có chuyện xảy ra, tôi thật sự sẽ thở phào. Ít nhất là do bọn tôi đã từng quá đa nghi. "Không ngờ đến đúng không." Tôi có thể tưởng tượng ra biểu cảm tinh quái hơi cúi đầu, mắt cong cong của cô gái ở đầu dây bên kia. Lynn định tiếp: "Giờ thì chúng ta có thể.." "Các cậu không ai bị làm sao chứ?" Tôi ngắt lời cô. "Sao thế?" Lynn nhận ra có gì đó không đúng. ".. À không, chỉ muốn hỏi thăm tình hình thôi." Tôi biết mình đã lấp liếm quá vụng về, nhưng Lynn với tâm tình hiện tại, như dự đoán, lập tức thoát ngay giọng điệu nghi ngờ. "Ờ. Dù gì chuyện này vẫn cần bàn bạc kĩ càng nữa. Sắp tới tớ sẽ đến chỗ cậu. Giờ tớ đi thông báo với hai tên kia đã. Thế nhé." Và cúp máy. Chuyện càng ngày càng kì quái.
Chương 6: Ăn trưa Bấm để xem "Băng cổ của cháu tháo được rồi, nhưng cũng cần phải chú ý nhé. Chưa thể tập được bài thể dục "xoay các khớp cổ tay cổ chân" đâu." Bác sĩ dặn dò. Tôi bật cười, rất nhanh sửa phản ứng gật đầu thành giơ ngón cái. "Còn đây là thuốc kháng sinh, giảm đau, thuốc bôi bỏng và chống sẹo." Ông đưa đến một túi nilon trắng có tầm 4 vỉ thuốc đủ màu cùng hai tuýp nhỏ. "Cứ uống hết chỗ thuốc viên thôi, còn khi nào thuốc bôi hết thì đến lấy tiếp. Uống thế nào bôi thế nào tôi đều ghi ra hết rồi đó." "Cảm ơn chú." Tôi đáp, nhận lấy túi thuốc, chậm rãi đứng lên khỏi chiếc giường bệnh đã gắn bó với mình suốt ba ngày qua. Người bác sĩ đỡ lấy tôi đến khi tôi đã đi xong xuôi giày. "Chắc là cháu đọc được thôi." Chú M112- sau cặp kính lão, mày nhếch cao: "Sáng tối sau bữa ăn mỗi lần hai viên kháng sinh. Thuốc giảm đau khi nào cần thì uống, nhưng đừng có lạm dụng. Thuốc bỏng bôi sáng trưa, sẹo bôi tối, đừng tham mà bôi hơn." "Chú dễ thương thật đấy." Đó là một lời khen không thể thật lòng hơn của tôi, nhưng bác sĩ thì có vẻ không tin cho lắm. Ông tiếp tục quay sang khám cho người ở giường bên, tôi bước ra khỏi phòng bệnh một mình. S071 đang từ cổng hướng về phía trạm xá, tay đã tháo bột cao. Nhìn thấy tôi, bước chân anh nhanh hơn một chút. Quả nhiên là tiến lại chỗ này, không phải tôi tự mình đa tình. Sự biệt tăm của anh ta suốt ba ngày nay đã từng khiến tôi ngẫm lại; phải chăng câu nói: "Cô sẽ không chỉ có một mình" của gã vốn chỉ là một lời an ủi, thậm chí là nói suông, hay bởi chính bản thân tôi đã hiểu sai hàm ý của nó hay không. "Xin chào..." Tôi có chút không được tự nhiên lên tiếng. "C029." Anh ta đáp. Thật đáng ngạc nhiên vì anh còn nhớ. Tôi biết mình không nên nói câu này. Nó giống như kiểu một người bạn gái đang hờn giận bạn trai vì anh ta không quan tâm đến mình vậy. Và nếu đó có là sự thật, cô ấy chắc chắn đã chia tay anh ta. "Chúc mừng cô ra viện." S071 tiếp, lại thêm một câu không thể không khiến tôi cảm thấy khó tin. "Cô muốn đi ăn gì đó không?" Tôi cố gạt bỏ cảm giác kì quái trong lòng. Hình như do tôi đã quá nhạy cảm, bởi suy cho cùng thì nỗi ấm ức trong lòng mấy ngày nay là vô lí. Thế nên tôi gật đầu. "Được, vừa hay tôi cũng đang rất đói." Tôi mỉm cười. S071 dẫn đường đến khu nhà ăn – nơi mà tôi vẫn chưa có dịp trải nghiệm từ khi đến đây. Khu sơ tán vốn dĩ không lớn so với thành phố B; tuy nhiên ít ra bước xuống phố đã có thể gặp ngay một quán ăn, còn ở đây thì không. Khi xem qua bản đồ nơi này, tôi cứ nghĩ thế là mình đã nắm nó sơ bộ trong lòng bàn tay, với bố trí: Phía Đông Nam là khu vực nghỉ ngơi, phía tây nam là nơi vệ sinh, trạm xá nằm hướng tây bắc, đông bắc chính là nhà ăn và ở trung tâm dịch về hướng bắc là Cục quản lí Dân cư và An ninh. Chỉ đến khi này, tôi mới nhận ra bố cục ấy không hề rạch ròi như mình tưởng. "À..." Chúng tôi vừa khi đến khu vực nghỉ ngơi, S071 nhìn sang phía tôi, nói. "Cô có muốn cất đồ đạc gì trước không?" Tôi ngẫm nghĩ giây lát. So với việc "cất đồ đạc", tôi càng muốn đi tắm hơn, song tất nhiên việc này vẫn xếp sau ăn uống. Mấy ngày ở bệnh viện chỉ có cháo sẵn làm tôi muốn chết lâm sàng rồi. "Không cần đâu..." Tôi trả lời. "Ừ..." S071 gật đầu rồi đi tiếp. "Mấy ngày nay tôi cũng có giúp sửa lại chỗ ở của cô, về cơ bản thì cũng xong rồi, có điều đồ đạc đều hỏng hết. Các phòng giờ đều full chỗ, bên địa phương chưa sắm được đồ mới, nên cô chưa ở luôn được đâu." "À..." Tôi không ngăn được cảm thấy choáng váng, vẫn may kịp nhớ ra. "Còn đồ đạc trong vali của tôi..." "Nguyên vẹn trong phòng cô." "Ừ..." Tôi không biết nói gì tiếp theo, đầu trống rỗng một mảng. Theo như lời S071, là tôi đang trở thành người vô gia cư? "Cô có bạn bè gì quanh đây không?" "Không." Tôi lắc đầu, thật sự có chút bế tắc. S071 ngừng lại trong vài giây. "Cô có thể..." "Tôi có thể..." Hai chúng tôi đồng thanh. "Cô nói đi." S071 nhường. Tôi hơi nắm bàn tay, móng tay không dài lắm đâm vào lòng bàn tay vẫn có hơi đau. Tôi định nói chắc tôi có thể ở cùng một người đồng giới nào đó, nhưng rồi tôi nhớ ra đợt này đến M là những thành phần nào. Tôi rất rất không quen khi phải ở với người lạ, đặc biệt là với những dạng.. kiểu đó. Cho nên tôi từ chối. "Không phải ý kiến hay gì. Anh nói trước đi." "À..." S071 gật gù. "Tôi đang gợi ý, nếu cô không ngại, có thể chuyển qua chỗ tôi." Tôi tròn mắt. "Vậy anh sẽ ở đâu?" Vừa đi vừa trò chuyện, bất tri bất giác đã tới nhà ăn. Chúng tôi mau chóng tiến vào trong quầy. Gần mười hai giờ trưa, các bàn đều đã đầy người. Tôi theo S071 tiến về khu chọn đồ - với hàng kệ dài là cơm hộp được sắp gọn gàng. Phía sau kệ là nhà bếp và chỗ đóng gói trực tiếp có màng ngăn bằng kính. S071 lấy cho mình một suất cơm bò củ cải, tôi lấy một suất gà chiên nguyên món. "Tôi không muốn tọc mạch." S071 nhìn hộp cơm của tôi. "Nhưng tôi nghĩ cô nên ăn rau." Nghe câu này, tôi không hiểu sao có chút chột dạ, cầm thêm một phần salad trộn sốt mè. "Tôi thích ăn thịt." Tôi bào chữa, dù đó là sự thật. Hồi nhỏ, cả gia đình tôi đều biết điều này, thì, nó cũng không phải sở thích lạ kì, mọi đứa trẻ đều thích ăn thịt. Tuy nhiên, bố mẹ tôi nằm trong số ít những bậc phụ huynh sẽ để cho con mình ăn thịt xả láng mà không ép chúng phải nhá thêm rau củ quả gì. Rồi đến mấy ngày sau, khi bị táo bón không đi được, bản thân tôi mới hiểu ra. Từ ấy, bữa nào tôi cũng tự giác ăn rau. Chỉ là khi lớn lên, thỉnh thoảng vẫn sẽ có những lúc tôi bốc đồng như vậy, và đương nhiên, một bữa cũng không thể nào khiến tôi táo bón mà, đúng không. "Cô mới xuất viện, nên bổ sung vitamin." S071 thêm vào. Khoảnh khắc này, tôi bỗng nảy ra tò mò về nghề nghiệp của anh ta. Một sự thật là, tôi đã cày đến năm lần bộ truyện trinh thám kinh điển - Sherlock Holmes, bởi vậy, tôi có tự tin đưa ra suy đoán: Nếu S071 không phải quân nhân, thì sẽ là bố anh ta. Người đàn ông với tính kiểm soát cao như vậy, thật khó để nghĩ đến một ngành nghề nào khác. Dĩ nhiên trừ phần "tính kiểm soát", thì không có gì là bất nhã để hỏi thẳng S071 nhằm kiểm chứng suy luận trên; song tôi nhớ, tôi vẫn đang đặt mình trong vòng an toàn. Và tôi thấy không công bằng với một cuộc đối thoại thiếu sự trao đổi thông tin như thế
Chương 7: Một thời điểm lí tưởng để tắm rửa. Bấm để xem "Về chuyện phòng ốc..." S071 vừa nói khi chúng tôi rút cuộc cũng tìm được một chỗ để ngồi xuống – đằng sau khu phòng ăn, ngoài hành lang có kính chắn gió, một bộ bàn ghế được đặt tại đó, đặc biệt riêng tư. "Vẫn còn đồ đạc của tôi, nhưng tôi sẽ thu dọn sớm nhất có thể. Tôi sẽ sang ở với bạn." "Không cần đâu!" Tôi xua tay. "Chắc tôi sẽ không chiếm chỗ lâu, cũng không có nhiều đồ, anh cứ để đấy, khi nào dùng đến thì cứ mở cửa lấy thôi..." Tôi ngừng lại vài giây. "Cảm ơn anh." Và lần thứ hai trong ngày, tôi nói câu cảm ơn xuất phát từ đáy lòng mình, cảm giác bất kì lời khách sáo nào khác cũng là không cần thiết. Chúng tôi im lặng dùng bữa. "Anh đã tìm được chìa khóa phòng rồi?" S071 ăn nhanh hơn tôi rất nhiều, dù đồ ăn của tôi cũng không có là bao. Anh đang khoanh tay tựa vào lưng ghế, nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh nắng mùa đông vô cùng ảm đạm, ban trưa nhưng cũng không đủ sưởi ấm lớp kính bám đầy bụi. Ngồi bên trong nhìn về phía những tàng cây đung đưa cũng có thể hình dung tiếng gió vút, buốt giá và im ắng đầy cô đơn. S071 quay đầu nhìn tôi, sờ mũi. "Tìm được rồi... Trong túi quần dưới gầm giường." "Ồ..." "Tôi cứ tưởng anh sẽ không dùng đồ nơi công cộng." Tôi tiếp. "Khác nhau chứ." S071 cười. Tôi như là lần đầu tiên nhìn thấy, không chút mỉa mai, lạnh lùng hay giả tạo. Sau đó anh ta không nói gì nữa. Tôi cũng không hỏi tại sao, dường như đã có câu trả lời của riêng mình. Ngoại trừ vài chiếc áo khoác lớn và chăn gối bị cháy, đồ dưỡng da đổ vỡ, thì đồ đạc để ngoài – đồng nghĩa với những thứ bị hỏng hóc, không nhiều, hoặc ít ra nó không quá quan trọng so với tính mạng tôi. Có điều khi phát hiện chiếc măng tô mình yêu thích nhất nằm trong số bị thiệt hại kia, tôi chỉ muốn cho mình một cái bạt tai. Còn mấy chai dưỡng da tiền triệu của tôi nữa! Nói chung tổng kết lại, đồ đạc tôi cần để "chuyển nhà" cũng chỉ có một cái vali, vì vậy tôi không tốn nhiều thời gian "tạm biệt phòng cũ". S071 đưa tôi đến nơi ở của anh ta cách đó hai dãy thì cũng có việc phải rời đi, nên tôi được giao toàn quyền quyết định với căn phòng. Nội thất bên trong không khác biệt gì so với căn phòng cũ của tôi, thậm chí là như mới: bên trái là giường và tủ quần áo, bên phải có bộ bàn ghế nhỏ. Tôi nghi ngờ sâu sắc chuyện đồ đạc của S071 còn ở nơi này. Bởi vì đồ bị cháy bớt nên tôi cũng chẳng có thứ gì cần sắp xếp, lại thêm quả "kinh nghiệm xương máu" nên càng không có ý định. Chuyện duy nhất tôi cần làm lúc này là đi tắm. Nếu không có quy định gì về đồ để ở nơi giặt khô quá ba ngày sẽ bị vứt đi, thì khăn tắm và quần áo tôi mặc mấy ngày trước đều ở đó. Suy nghĩ, tôi quyết định chọn cho mình một bộ pyjama, định sẵn sẽ không đi đâu trong những ngày tiếp theo. Hơn một giờ chiều, phòng tắm đông nghịt người. Hơi nóng mù mịt. Là duyên số thôi. Tôi không nghĩ ra mấy ngày qua trời lạnh, hôm nay ấm lên được đôi chút, là một thời điểm lí tưởng để tắm rửa. Nhưng quan trọng hơn, tôi cần phải quyết định mình nên đi tìm phòng trống hay chọn thời gian khác rồi đến. "Óa!" Một người chợt kêu lên. "Ối trời!" Người thứ hai. "A a a..." Người thứ ba, sau đó là vô số tiếng á ớ thảm thiết. Hơn kém một phút sau, khói nóng dần tản đi. Cả khu không còn tiếng nước chảy, từng viên vạch còn đọng hơi nước nhỏ giọt hiện ra rõ mồn một. "Bên các bà cũng không còn nước nóng hả?" Một người hỏi. "Ừ, nước lạnh lắm, không còn tí ấm nào luôn." Một người đáp. "Dùng chưa được mười lăm phút mà, sao đã hết nước nóng rồi?" Người khác than. "Giờ còn vặn không ra nữa cơ!" Một người phát hiện. Vậy là vô số tiếng cằn nhằn liền bùng nổ, nào người tôi còn đầy bọt, lạnh quá, tôi còn chưa gội đầu xong v.v... Ngay khi tôi còn chưa biết phải ứng phó ra sao, đã có người mở cửa. "Úi, chị ơi." Nhưng chỉ có cái đầu thò ra. "Chị ơi, chị có thể đi xem hay hỏi ai đó được không ạ." Cô bé nhìn như có vẻ mới 15, 16 tuổi run rẩy nói. "Có người bên ngoài hả." Giọng nói khác mừng rơn. "Bạn ơi, giúp mình một chút huhu. Trời lạnh quá à. Mình vừa xoa được dầu gội đầu lên thôi." Trước khi lịch sử lặp lại, tôi nhanh chóng đồng ý "Được" một cái, khẩn trương rời đi. Vừa ra đến ngoài, tôi liền gặp một chàng trai da ngăm, nhìn có vẻ trạc tuổi S071 đang tiến về phía phòng tắm nam. Khi tôi chưa kịp lên tiếng gọi, anh ta đã chủ động chuyển cái nhìn sang tôi, bước chân theo đó đổi hướng. "Bên đó có hết nước nóng không cô?" Anh ta hỏi. Tôi gật đầu. "Cả nước nóng, và nước lạnh." "Ừ..." Anh chàng lẩm bẩm. "Vừa bên phòng bếp kêu, tôi mới biết. Để tôi đi xem sao. Bên trong còn nhiều người không?" "Khá đông..." Tôi đáp. Anh chàng chẹp miệng: "Vậy nhờ cô bảo bọn họ thu xếp mặc quần áo hay nếu có thể thì đợi một chút, chúng tôi sẽ kiểm tra đường ống và sửa nhanh nhất có thể." Không chần chừ thêm, chàng trai nói xong lập tức chạy đi. Tôi thở hắt ra một hơi, cũng dùng tốc độ nhanh nhất trở lại bên trong thuật lại nguyên văn lời Da Ngăm cho mọi người và lủi ra. Lấy đồ từ chỗ giặt khô, trở về phòng, tôi vừa hay thấy S071 đứng trước cửa. Nhìn thấy tôi, anh ta mau chóng tiến tới. "Tôi có một chút đồ cần lấy, có thể vào bên trong không?" "Tất nhiên rồi." Tôi hơi ngại. Tôi tưởng trước đó chúng tôi đã thống nhất với nhau về việc anh ta có thể tự nhiên ra vào phòng "mình", song rõ ràng điều đó vẫn khiến S071 có chút bối rối. Vì vậy, khi tiến tới mở cửa phòng vốn không hề được khóa, tôi bổ sung thêm luận điểm của mình. "Phòng tôi không có gì bí mật hay bừa bộn đồ của... phụ nữ đâu. Nên anh..." "Chỉ lần này thôi." S071 quay sang phải, ngồi xổm, mở ngăn kéo dưới cùng. Đồ đạc bên trong va vào nhau lục cục. Thật ra thì tôi cũng không rõ là đồ gì, chẳng phải của tôi. "Tôi để quên vài dụng cụ sửa chữa chỗ cô." S071 tiếp, giơ lên trong tay một hòm bằng sắt không rỉ cùng tuýp nhỏ như keo dán cách điện bên tay kia, đứng dậy. "Có chuyện gì à?" Tôi không nhịn được tò mò hỏi. "À, đường ống đang bị hỏng vài chỗ." S071 giờ mới để ý đồ đạc tôi đang ôm trước ngực. "Cô vừa từ phòng tắm về à?" "Ừm. Nhưng chưa kịp làm gì thì có người kêu hết nước." "Vậy tôi đi đây." S071 gật đầu, nhanh nhẹn lách ra ngoài, chạy chậm về hướng nam. Tôi nhìn theo anh ta một lúc, sau cũng gần như vội vàng vào cất đồ, kế đó chạy theo.
Chương 8: Đại đội 4, Tiểu đoàn 229 Bấm để xem Hóa ra anh ta là thợ sửa ống nước? Tôi nhìn S071 đưa cho một người chiếc tuýp trên tay, rồi quay sang phía đường ống hình trụ hình như vừa được đào ra không lâu, xung quanh cát ẩm chất đống ngổn ngang. Mặt ống bị nứt, nước theo khe hở chảy hết trên đất. S071 trao đổi với chàng trai trẻ vừa vứt xẻng chạy lại, có lẽ là bàn bạc giải pháp, xong cậu lại gật đầu chạy đi. S071 bước về phía xẻng, nhặt lên, tiếp tục gạt thêm đất ra. Khe nứt không còn bị bịt bởi đất, nước nhanh chóng phun lên thành tia. S071 có vẻ không ngờ tới quy mô nước phun tới, có tránh đi song đầu cùng nửa người trên vẫn dính ướt. Lạnh thật, chỉ nhìn thôi tôi cũng thấy rùng mình. Nắng đầu chiều đã không còn màu vàng của giữa trưa, tuy nhiên bộ đồ đen lúc này trên người S071 lại như phản chiếu lại ánh sáng. Anh ta đi đôi ủng quân đội cao su không thấm nước, gấu quần đút vào ống giày. S071 cởi áo khoác ngoài vứt qua một bên, thì bên trong cũng là một chiếc áo phông đen cộc tay được sơ vi gọn ghẽ. Bộ dạng điển trai này so với "thợ sửa ống nước", càng phù hợp với suy luận nhanh trước đó của tôi hơn. Một lúc sau nước từ từ yếu đi rồi ngừng phun. S071 mở hộp dụng cụ, lấy ra tua vít, cờ lê, đinh, búa, dây cao su cùng một vài đồ vật khác mà dù có ở khoảng cách hai mươi mét như hiện nay hay gần hơn tôi cũng không chắc có thể gọi tên. Sau đó, anh ta bắt đầu làm một loạt hành động mà bản thân tôi cũng không đủ khả năng để miêu tả chi tiết, chỉ có thể tóm gọn lại bằng mấy chữ: Sửa chữa đường ống. Cậu bé kia một lúc sau đã trở lại với một ống nhựa, đưa cho S071. Có lẽ khoảng mươi phút sau, với sự trợ giúp của cậu thanh niên với công việc như của thực tập sinh hỗ trợ bác sĩ chính trong ca mổ, việc sửa chữa thành công. Vì bị cậu thanh niên đứng chắn tầm nhìn, tôi chỉ thấy được một nửa nhỏ người S071. Đáng lẽ tôi nên để ý thành quả sao? Thôi nào, người đàn ông quyến rũ đang ở trước mặt tôi đó, không bị đánh thuế. Phải thật lòng với bản thân thôi. "Đó là đại đội trưởng của chúng tôi." Vì quá chú tâm vào ai đó, tôi không hề phát hiện có người vừa tiếp cận mình chỉ đến khi tiếng nói đã ở ngay gần sát. Không biết là vì điều nay hay là vừa bị bắt quả tang, tôi giật thót. "Tôi biết, nhìn cậu ấy rất ngầu." Tôi nghiêng đầu, phát hiện đây hóa ra lại chính là chàng trai da ngăm đen mình gặp chỗ phòng tắm nữ. Cậu ta cuối cùng thu lại ánh mắt xa xăm của mình, cũng ngoảnh đầu nhìn tôi. "Tôi là Hùng, thuộc đại đội 4, Tiểu đoàn 229, rất vui được làm quen với cô." "Ừm.. Chào anh." Tôi lúng túng mỉm cười đáp lại. Được thỏa mãn thắc mắc trong một hoàn cảnh không mong muốn làm tôi chỉ biết vung tay đổi chủ đề. "Thế cậu bé kia thì sao? Cũng thuộc đại đội của anh hả?" "Mấy chiến sĩ ở đây, đều thuộc đại đội của Đại Đội trưởng hết." Hùng quay sang bên trái, hướng tôi cùng quan sát theo. Và ở hướng đó, đang có khoảng chục người thanh niên đứng túm lại với nhau, ai nấy đều mặc quân phục, giơ tay chào lại tôi. Đồng nghĩa với việc, bộ dáng mê trai đến đóng băng của tôi từ nãy đến giờ, đều đã được họ thu vào tầm mắt! S071, có thể đưa tôi cái xẻng của anh không, tôi muốn tự mình đào một cái hố. "Ê." Tiếng của người tôi không muốn thấy nhất lúc này vang lên làm tôi ho khan mất hai cái, trong đầu chạy qua 7749 hình thức tẩu thoát. Nhưng kẻ kia lại như có phép dịch chuyển tức thời, dường như chỉ mất một giây đã áp sát phía chúng tôi. "Có chuyện gì thế? Chỗ bảng điện sửa xong xuôi chưa? Sao cô lại ở đây?" Tôi còn thầm ước S071 không nhìn thấy mình, nhưng hiển nhiên nếu câu cuối đó không phải là ảo giác, thì chỉ có thể là anh ta đang hỏi tôi. Anh ta cũng có thể hỏi một người nữ khác, có điều vào thời điểm này, trong bán kính mười mét từ đây, còn cô gái nào có thể xuất hiện trừ một đống đang bị mắc kẹt trong nhà tắm? "Sửa xong rồi. Bên trên cũng có chỗ nước bị rò làm điện chập, mấy anh em cũng đều vá hoàn hảo hết rồi." Hùng đáp. Trong tầm bao quát của mắt, tôi thấy S071 gật đầu, và quay sang phía tôi. Không, tôi bị câm, tôi không biết nói. "À, hóa ra hai người quen nhau à." Không nhìn nhưng tôi hoàn toàn hình dung được nụ cười tinh quái của gã. "Tôi thấy cổ quan sát cậu sửa đường ống hăng say lắm, còn tưởng cổ đang có ý định theo học đấy." Tên Da Ngăm chết dẫm! "Ồ." S071 phản hồi đúng một từ không thể ngắn gọn hơn. Giờ phút này tôi thà rằng mình bị điếc. "Vậy còn cậu thì sao, đứng tấn chưa đủ nên nhìn cô ấy để học tập hả?" S071 quay về hướng đám đông kia. "Còn các cậu, có phải rất bận không? Một đống người sửa một chỗ chập điện, để mình Sơn nó chạy đi chạy lại, hả?" "Em, em đi mở nước!" Một cậu chàng nghe xong, phản ứng cực nhanh lẩn đi. "Tôi, để tôi đi thông báo cho mọi người đường ống đã sửa xong rồi." Người khác nói, rồi sau đó quân số liền ít đi bốn. Cứ thế lần lượt, đám đông giải tán. "Còn không phải để cậu thể hiện trình độ à." Hùng nhìn S071, cười xòa. Cậu nhóc phụ tá, chắc hẳn tên Sơn, lúc này mới thu xếp đồ đạc xong xuôi, đi đến bên cạnh S071. "Anh." "Ừ." S071 đáp lại, cầm lấy hộp dụng cụ. Tôi cho rằng đây đã là một thời điểm có thể ngẩng đầu, nếu không mặt mũi chắc phải đem đi đốt luôn mất. "Chào chị." Ngoài kiểu tóc ba phân, cậu bé dường như cũng có đặc cách trong trang phục giống "Đại Đội trưởng" và tên Da Ngăm, mặc một chiếc áo phao đen, nhanh nhảu mở lời. Tôi cúi nhẹ đầu chào lại. "Chị có phải là người đang ở phòng của anh Sam không ạ?" Không có dấu hiệu báo trước, Sơn hỏi. Tôi ớ người, S071 dường như cũng đứng hình. "Hóa ra là thế.." Hùng thốt lên.
Chương 9: Người đàn ông Bấm để xem "Sau đó thì sao?" Lynn hào hứng hỏi. Tôi bóp thêm chút thuốc mỡ ra đầu mấy ngón tay phải, vén lưng áo cao hơn một chút, cố gắng vòng tay ra sau nhiều nhất có thể. Mấy ngày đầu tôi đều không bôi thuốc vào vết bỏng dưới xương bả vai phải, bởi bình thường chạm đến hõm đó đã khó, nay tôi còn bị bỏng, căng tay một chút là các vết thương đều như bị nứt ra. Cho nên đến hai ngày gần đây, khi những vết bỏng kia về cơ bản đã lành, tôi mới bắt đầu đụng đến cái vị trí tai ác. May rằng da tôi cũng thuộc dạng mau lành, mong rằng sẽ không để lại sẹo. "Sau đó á hả.." Xoa được một lớp thuốc, tôi đã có cảm giác thành tựu sâu sắc, ấy vậy mà nhắc đến chuyện kia lại chợt ngứa ngáy khắp người. "S071 đánh trống lảng, nhắc thằng bé còn chưa giới thiệu tên nó, cũng chưa biết tên tớ là gì mà đã nói nhăng nói cuội." Tôi dùng từ nguyên văn. "EQ được của ló đấy." Lynn cười haha. "Rồi sao, nó cũng giới thiệu biệt danh hả?" "Ừ, tên Sơn đó. Nói chung mấy người họ đều không ai nói ra số hiệu, nên tớ cũng chỉ giới thiệu tớ tên Xi thôi." Đúng vậy. Số hiệu tuy là khai sinh, nhưng bọn tôi so với việc phải nhớ cả chữ cả số dài đằng đẵng bất tiện này, sẽ vẫn tự đặt cho mình tên thân mật, nói cách khác là biệt danh. Song hầu như, nếu phải giới thiệu cho người lạ, tôi vẫn sẽ ưu tiên nói ra số hiệu của mình hơn, có vẻ chỉ vì cảm giác hơi quá tuân thủ ý nghĩa "tên thân mật" mà thôi. "Một bước tiến mà. Thế là Xi và Sam đều đã biết tên cùng số hiệu của nhau." Lynn trêu. Cứ nhắc đến là đau đầu, tôi đảo mắt, lè nhè. "Tớ không biết phải đối mặt thế nào nữa." "Ôi trời. Với biểu cảm nghìn năm không đổi không biết đỏ mặt ngượng ngùng là gì của cậu, tớ khẳng định đám đàn ông kia chỉ cố tình khơi mào để muốn cậu xấu hổ cho xem thôi." Lời an ủi của Lynn có thể là thật hoặc giả, nhưng nó làm tôi yên tâm hơn nhiều. Bôi thuốc xong, tôi bước tới mở cửa sổ để thông thoáng thì phát hiện xung quanh có những tiếng ồn nho nhỏ. Theo lời của S071 thì hôm nay là chuyến thứ ba dành riêng để sơ tán cho người già và người có sức khỏe yếu có nguy cơ mắc cao từ thành phố B về M. Có lẽ là mọi người vừa đến; tuy nhiên tôi nhìn ra vài gương mặt thân quen trên chuyến tàu thứ hai cũng đang tụ tập ở đằng trước. "Thế nói chung tầm 3 ngày nữa cậu và Nam sẽ theo lịch thành phố H đến N, rồi giữa đường dùng phương tiện riêng để rẽ qua M, đúng không." Tôi tổng kết. "Ừ, dự kiến là thế. Bọn mình là nhân vật quan trọng mà, sẽ xin được thôi." Tôi ợm ờ đồng tình. Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi đóng cửa sổ lại, bước ra ngoài. "Gì thế, gì thế?" Người phụ nữ A hỏi. Người phụ nữ B dường như đã đứng được một lúc, vừa kéo tay A ghé sát lại, vừa kín đáo chỉ về phía trước. Ở đó có ba thanh niên, hai nam một nữ, quần áo tươm tất, thậm chí có thể nhận xét là đắt tiền ôm tay đứng một bên, bên cạnh là mấy người quản lí đang cau mày trao đổi với nhau. "Nhìn thấy ba đứa kia không?" B chỉ vào ba thanh niên. "Ba đứa này hình như không nằm trong danh sách sơ tán lần này, không hiểu sao lên được chuyến kia, giờ bị soát ra." A có vẻ vô cùng kinh ngạc, tông giọng bắt đầu hạ thấp: "Sao lại có chuyện đấy được. Hôm bọn mình đến, người ta tra gắt lắm mà." "Thì thế." Bà B bĩu môi. "Hôm bọn mình á, vừa phải đi tiền, xong còn phải xét nghiệm máu trước 14 ngày rồi tự cách li tại nhà không đi đâu, xong có kết quả âm tính thì trước khi lên tàu lại phải test nhanh một lần nữa mới được. Bọn kia thì đấy, không giấy tờ gì, mỗi tiền là xong chuyện." "Ô nhưng tôi tưởng," A thắc mắc. "Nếu có nhiều tiền thế thì đợt bọn mình cũng nên đi rồi chứ, cần gì chờ đến chuyến dành riêng cho mấy ông bà già này." Chú C gần đó nghe thấy cuộc trò chuyện này, xen vào. "Hình như bọn này không phải người thành phố B đâu. Tôi chưa thấy bọn nó bao giờ." Tất nhiên, tôi không hoàn toàn bác bỏ nhận định ấy, chỉ là có chút không thể load được. Chú C ơi, chú là ai thế, chú biết được tất cả mọi người trong thành phố sao? "À, thế anh cũng đi chuyến này hả?" Bà A quay về phía chú C, hóng chuyện tiếp. "Ừ." Chú C gật đầu mấy cái liền. "Lúc đi tôi có để ý rồi, mấy đứa này lên sau cùng, được sắp xếp một buồng riêng luôn. Ban đầu tôi còn nghĩ là thành phần bị sót từ đợt hai, ai dè là trốn lên." Có quá nhiều suy đoán được lồng ghép trong lời trần thuật. Tôi vẫn cần giữ một cái đầu tỉnh táo thì hơn. Vì thế, tôi lùi lại một khoảng cách an toàn. Đến khi này, trông ra xung quanh, tôi mới phát hiện bãi cỏ trước khu Quản lí, tổ chức An ninh đã đông như kiến. Thoát được trao đổi ở một hướng thì lại gặp vô số tiếng xầm xì ở ba hướng kia. "Nói tóm lại là một đám con ông cháu cha!" Âm thanh nổi bật nhất kéo tất cả sự chú ý của đám đông về phía một cặp vợ chồng già tóc đã ngả màu hoa tiêu. Vừa lên tiếng là người chồng, đang hướng điệu bộ vô cùng tức giận về phía mấy người quản lí. "Xin chú bình tĩnh." Người phụ nữ tóc đen dài, cũng là Quản lí dân cư, trấn an. "Chuyện này mọi người còn đang bàn bạc, chúng cháu sẽ cho chú một lời giải thích thỏa đáng." "Giải thích cái gì nữa!" Người đàn ông gạt phăng đi. "Biện cớ thì có! Toàn một lũ cậy tiền ức hiếp dân!" Ông chỉ vào người mặc bộ đồ bảo an tàu màu tím than. "Đây này, giải thích cho cái thằng này này! Cô tưởng bọn tôi bị mù, bị điếc thì đi giải thích cho thằng này này! Có phải chính miệng nó nói là nó sắp xếp cho bọn kia lên tàu không, có phải nó đang cầu xin cô không, đấy giải thích đấy hử!" Người bảo an bị xướng đến thì cúi đầu, không nói. Cô quản lí cũng dường như nhất thời không biết đáp gì. Một người đàn ông trung niên khác, nếu tôi nhớ không nhầm là quản lí An ninh, rút bộ đàm từ túi áo nói gì đó. Người vợ lên tiếng, giọng mũi sụt sịt: "Con tôi nó làm ở nhà máy, bình thường tiếp xúc với bao nhiêu người, khả năng bị lây bệnh cao như thế.. Nó là con trai thì sao chứ! Nó ba mươi hai tuổi thì sao chứ! Nó so với đám thanh niên choai choai kia, đứa nào dễ mắc bệnh hơn, mà lúc tôi xin suất cho nó đi sơ tán, thậm chí muốn nhường suất cho nó, các người cũng nhất quyết bảo không được.. Mà giờ thì thế đấy.." Vài người gần đó nghe xong câu này liền như bị chạm phải nỗi ấm ức trong lòng, gật gù đồng tình. Trong lúc này, người đàn ông tiếp tục. "Có tiền là có tất cả mà. Có tiền thì là hơn người bình thường một bậc mà! Chắc một cú điện thoại chứ gì, hay là một cái phong bì, va li, ba đứa ất ơ kia liền được lên tàu!" Bắt đầu có người chêm vào: "Làm ăn cái kiểu gì không biết! Có còn coi ai ra gì nữa không!" "Các người nhiều tiền, đó là quyền lợi của các người, chúng tôi cũng chả hơi đâu suốt ngày đi ganh tị. Nhưng cái dạng vô lí ức hiếp rõ rành rành thế này, đúng là không thể chịu nổi!"