*Tên truyện: A dreamer (Kẻ đang mơ) *Tác giả: Blue Cat aka Philia *Thể loại: General A/N: Mình không phải là dreamer . Thứ đầu tiên tôi yêu thích ở trường Đại học là những góc hành lang đầy gió. Mỗi lần tan lớp, tôi thường bước ra chỗ dưới cầu thang, chọn lấy một chiếc trong dãy ghế có sẵn ở đó, cạnh cái bàn gỗ sờn mộc mạc gần lan can và ngồi – hoặc nếu không có thời gian thì tôi sẽ đứng một lúc, vịn tay vào thanh sắt – nhìn ra khung cảnh bên ngoài. Con phố thưa người những lúc gần trưa hoặc xế chiều, thỉnh thoảng có gã lướt mô tô phóng qua làm náo động một quãng. Cây cầu hùng vỹ, trông từ xa như một con rồng đang say ngủ vì năm tháng. Bờ sông xanh mướt trải dài, rúc rích tiếng chim vọng lại từ đâu đó những ngôi nhà trầm mặc. Mùi rêu mộc mạc lẫn với hoa sữa đầu thu ùa vào theo gió. Nhiều gió khiếp, nhất là trên tầng năm, dù cảnh thì đẹp đấy. Gió mạnh thổi tung mái tóc ngắn của tôi, thỉnh thoảng còn mang đến cái lạnh và hơi nước ẩm. Nhưng tôi cảm thấy thoải mái, có lẽ vì đây là nơi dành cho tôi. Thảng hoặc, có một vài đứa sinh viên cũng ra đây và ngồi ngắm cảnh, nhưng họ không nán lại lâu. Tôi hài lòng với ý nghĩ, góc hành lang vắng ngắt này và cả bức tranh sinh động bên ngoài chỉ thuộc về một mình mình. Tôi thưởng thức được niềm vui đó khoảng bốn tháng thì có một kẻ phá đám xuất hiện. Hôm đó là ngày hội chào đón Tân sinh viên. Sân trường trở nên đông đúc, nhộn nhịp với những gian hàng của các lớp được dụng nên, phục vụ đủ thứ, từ ăn uống đến đồ lưu niệm handmade. Lớp tôi nằm ngay cạnh một lớp có nguyên giàn Karaoke. Tiếng nhạc chát chúa hòa vào tiếng người mời hàng, mặc cả, cười đùa lẫn tán tỉnh. Thỉnh thoảng, cả đám chủ và khách phải nhăn mặt đau khổ vì giọng ca Chai-en nào đấy rống lên đầy uy lực. Đảm nhiệm vai trò mời mọc khách khứa, tôi tốn gần chục lít nước miếng quảng cáo món caramel cho một cô giáo, để rồi cô lại bỏ đi mất. Chán quá, tôi bèn bò lên hành lang tầng hai ngồi nghỉ xả hơi. Gió mát, tôi gối đầu lên cái bàn, nhắm mắt lại tận hưởng cảm giác nhẹ nhõm, đang định đánh một giấc thì ghế bên cạnh có tiếng động. Ngẩng đầu lên, tôi bắt gặp một nụ cười từ người vừa xuất hiện. Nụ cười tự nhiên như đã quen biết từ lâu. Đoạn, người đó vừa tháo dây đeo túi đựng đàn trên vai vừa bảo tôi, vui vẻ như đang nói chuyện với một người bạn: - Em, anh nhờ tí. Chả là đang vội quá, đàn của anh bị hỏng dây. Tôi liếc cây ghi-ta anh ta vừa đặt xuống, đồng ý luôn mà không nghĩ ngợi gì cả, vì vẻ mặt thân thiện cùng lời nhờ vả kia quá tự nhiên. Và tôi ngồi giúp kẻ-phá-đám-giấc-ngủ lên dây ghi-ta. Đó là một cây classical đã cũ, tôi đoán thế vì nó trông đơn giản cực. Đầu đàn gọn gàng, phần thùng thì tròn. Nhìn những sợi dây đàn dài trên tay anh chàng, tôi tự nhủ chắc là phải mất cả buổi mới mắc vào được, không ngờ lại rất nhanh. Anh ta tỏ ra thông thạo như đã làm trò này cả tỷ lần, lần lượt mắc dây, nhờ tôi giữ hộ một đầu, đánh đánh vài cái rồi gật gù, làm tôi bỗng dưng thấy hâm mộ. Tôi thích nhìn ai đó khi họ đang tập trung giải quyết một vấn đề. Vừa làm, anh ta vừa nói chuyện vu vơ với tôi, rằng tối nay câu lạc bộ của mình có buổi giao lưu. Về thằng cha nhóm trưởng nổi hứng muốn nghe nhạc xưa nên đòi bọn thành viên mang theo loại đàn càng cổ lỗ sĩ càng tốt. Giờ tôi mới để ý thấy anh ta mặc áo đồng phục Ghi-ta club của trường màu đen, có hình cây ghi-ta bốc cháy. Không hiểu sao tôi buột miệng bảo tôi biết câu lạc bộ đó, và kể hồi đầu năm có đăng kí vào nhưng chẳng biết gì về ghi-ta cả, học đàn được ba ngày thì đầu ngón tay sưng lên vì đau, thế là bỏ cuộc. Tôi kể xong thì dây cũng vừa chỉnh hoàn tất, anh ta cười rất thoải mái nhìn tôi. Ở gần, tôi có thể thấy đôi mắt người này rất đẹp, lông mi dài hơn cả con gái. - Hồi mới tập ghi-ta anh cũng giống em, còn giờ thì tay mất cảm giác hết rồi. Anh ta nói và mỉm cười, rồi ngồi thẳng lên, tay ôm đàn trong tư thế sẵn sàng chơi nhạc, cao hứng nói: - Để cảm ơn lòng tốt của em, anh sẽ hát tặng em một bài. Tôi hơi nheo mắt, thấy người này có vẻ bận rộn nên không muốn làm phiền gì thêm, nhất là tôi đang không có tâm trạng vào hùa với bất cứ cái gì, chỉ muốn yên tĩnh, thế là đáp thay cho lời từ chối: - Em không thích nhạc trẻ. - Yên tâm, muốn nghe nhạc già anh cũng sẽ chiều. Có lẽ người này chân thành muốn "trả ơn" thật, tôi cười: - Em chỉ thích nhóm Radiohead. - Vậy anh sẽ chơi bài Creep. Câu trả lời của người đối diện khiến tôi hơi ngạc nhiên. Tôi chưa gặp ai cỡ tuổi mình nghe nhạc của Radiohead bao giờ, đừng nói là chơi. Nhóm alternative rock này nổi tiếng khủng khiếp nhưng ở Việt Nam không mấy ai thích, nhất là giới trẻ. - Lúc mà anh hát ấy, – Cái gã đối diện tưng tửng nói thêm, có vẻ rất thích đùa – Một là khán giả sẽ tông cửa sổ bay ra ngoài, hai là đập đầu vào tường. Em chịu khó chút nhé, người ta đã có lòng trả ơn thì em phải nhận. Tôi cười thành tiếng, rồi không hiểu sao cũng vỗ vỗ tay như kiểu động viên. Và anh ta bắt đầu chơi thật. Giây phút tiếng đàn vang lên, tôi bỗng phát hiện mình đã sai hoàn toàn khi đánh giá con người qua vẻ bề ngoài và cách nói chuyện. Mặt thằng cha này non choẹt hơn cả tụi năm nhất chúng tôi nhưng chơi đàn tuyệt cú mèo. Anh ta bấm phím bằng tay phải và gảy đàn bằng tay trái, trông nhẹ nhàng, đơn giản nhưng cực kì linh hoạt. Hoàn toàn khác xa với sự thô lỗ, vụng về của tôi lúc tập đàn, cũng không màu mè như bọn chơi lâu năm ra vẻ ta đây. Phong cách chơi đàn này làm tôi nhớ đến Kurt Cobain huyền thoại. Còn giọng tiếng Anh của anh ta thì chuẩn kinh khủng. "I wish I was special You 're so fucking special But I' m a creep I 'm a weirdo What the hell am I doing here? I don' t belong here.." Tôi ước gì mình là người đặc biệt Em thì quá quá quá đặc biệt Nhưng tôi chỉ là một thứ ghê sợ Một kẻ lập dị Tôi đang làm cái quái gì ở đây? Tôi không thuộc về nơi này. Tôi vừa thả hồn theo bài hát vừa ngây ngẩn nhìn người trước mặt. Anh ta chơi một bài buồn (và thống thiết) như vậy mà vẻ mặt vẫn tỉnh rụi không chút biểu cảm, ánh mắt hờ hững quan sát cảnh vật xung quanh, thỉnh thoảng lại nhìn xuống cây đàn để điều chỉnh tư thế hoặc ngó sơ qua tôi. Lãnh đạm hẳn so với lúc vừa nãy, khiến tôi mơ hồ cảm thấy đây là một con người khác. Chỉ đến lúc hát xong anh ta mới mỉm cười với tôi – lúc này đang nhiệt tình vỗ tay đôm đốp, miệng liếng thoắng: - Cừ quá! Hay tuyệt luôn ấy! - Cảm ơn em. Đừng khen nữa, làm anh ngại chết. Anh ta nói nửa đùa nửa thật, mắt lấp lánh và không ngớt cười, những hạt nắng trưa nhảy nhót trên vai. Đoạn, anh đứng dậy và đeo lại túi đựng đàn, chào tôi, không quên để lại một câu như kiểu khuyến khích: - Hy vọng sẽ gặp lại em ở câu lạc bộ. Có lẽ anh vẫn còn nhớ chuyện tập đánh đàn bị đau tay của tôi. Tôi không nói thêm gì, chỉ đưa tay lên vẫy vẫy chào, trong lòng bỗng cảm thấy có cái gì đó đã biến mất khi nhìn theo vóc dáng cao gầy và cây đàn nhấp nhô ngày càng rời xa. Một người xa lạ, mi mắt dài như con gái, chơi ghi-ta tuyệt cú, bỗng dưng bước vào góc hành lang vắng của tôi, đàn và hát cho tôi nghe rồi bình thản rời đi. Tôi quay lại, chống cằm nhìn ra ngoài trời. Nắng chang chang cuối hè nom thật buồn. Góc hành lang lại rơi vào sự tĩnh lặng như chưa từng có tiếng ghi-ta. *** Những ngày sau đó, tôi vẫn giữ thói quen ra góc hành lang quen thuộc ngồi. Tầng hai. Ngắm cảnh và nghĩ ý tưởng. Tôi cắm earphone vào điện thoại rồi đeo vào tai, chân nhịp nhịp theo điệu Thom Yorke hát "Creep". Nhưng thay vì hình ảnh tay hát chính của nhóm rock huyền thoại vừa ôm đàn vừa say sưa phiêu trên sân khấu, cùng chàng Jonny Greenwood tóc mái đen dài phủ kín mắt với những cú bass rúng động lòng người như trước đây, trong đầu tôi hiện tại chỉ hiện lên một gã trai trong màu áo ghi-ta club, mi mắt rất dài, ôm đàn hát mà gương mặt vẫn hờ hững như không cảm xúc. Cứ như vậy, tôi chẳng viết được gì nhiều ngày liền. Tôi là một đứa thích viết lách, hay đúng hơn, một dreamer . Dreamer, nói thật đơn giản, nghĩa là "kẻ đang mơ". Và tôi yêu đến nghiện công việc xây dựng những giấc mơ – hay nói đúng hơn là những câu chuyện – vẽ nên những thế giới muôn sắc màu, tất nhiên không phải là giấc mơ về hoàng tử cưỡi bạch mã như trong mộng của những cô bé tuổi hồng phấn. Thế giới mà tôi mong muốn dựng nên sẽ có hai mặt tiêu cực và tích cực, càng gần với cuộc sống thực càng tốt. Và tôi sẽ "phiêu" cùng với các nhân vật trong câu chuyện của mình, của người. Thật thú vị biết mấy! Đó cũng là lý do tôi yêu thích phim ảnh, âm nhạc và sách vở. Gia tài tuổi mười tám của tôi, tính đến thời điểm hiện tại, là hơn hai chục cuốn sách nằm trên giá gỗ. Truyện của tác giả nước ngoài có, Việt Nam có, tự sáng tác cũng có. Mỗi khi vui, tôi ngồi đọc liền tù tì cuốn này sang cuốn khác, cảm thấy choáng ngợp vì những góc cạnh muôn màu muôn vẻ của cuộc sống rộng hiện ra trước mắt. Khi buồn, ôm sách trong lòng và ngửi mùi thơm của giấy, tôi cũng thấy lòng nhẹ bẫng. Điều đó cũng tương tự khi xem được một bộ phim hay, nghe thấm một bản nhạc và thảo luận với mọi người về nó. Hạnh phúc của dreamer là thế đấy. Cho đến khi tôi bước chân vào Đại học, thế giới của tôi bắt đầu nhuốm màu u ám. Đọc sách, xem phim, nghe nhạc và viết lách không kéo nổi tôi ra khỏi những nỗi buồn dai dẳng nữa. Môi trường Đại học hoàn toàn xa lạ với một đứa học sinh không dễ thích nghi như tôi. Mọi thành tích thời cấp ba đều rơi vào quên lãng, hay nói đúng hơn là phải quên sạch để bắt đầu cuộc sống mới. Không có thầy cô, chỉ có giảng viên. Không còn sách giáo khoa, chỉ có hằng hà sa số những quyển giáo trình, sách tham khảo dày cộm mà mỗi lúc mở ra đều thấy chóng mặt nhưng vẫn phải căng não tự học lấy. Bạn bè cũ dần thay đổi, không còn vô tư, dễ gần như trước kia. Bạn bè mới thì càng khó gần, khó chơi. Tất cả hầu như chìm vào tính toán, lợi dụng nhau để kiếm điểm thành tích, chức vụ.. Tôi không biết mình có sai lầm không khi chọn đi con đường này, nhưng nếu không tiếp tục, tôi chẳng biết phải làm sao cả. Tôi có cảm giác nơi này không dành cho tôi, ngay từ những ngày đầu ngồi trên giảng đường nhìn tấm bảng chằng chịt những công thức Toán kinh dị, giữa những ánh mắt lạnh lùng. Nhưng tôi không thể quay đầu lại. Và điều gì đến cũng phải đến, thế giới trong mơ của tôi thu hẹp lại một cách thảm hại. Tôi không làm sao viết nổi một câu chuyện vui và tươi sáng một cách chân thực như trước đây. Chỉ còn những câu chuyện buồn và nặng nề được viết nơi góc hành lang vắng. Thế giới của tôi bấy giờ tĩnh lặng và nhàm chán đến nỗi có lúc lòng tôi dâng lên nỗi sợ hãi về tương lai, làm sao để đối mặt với cuộc đời, vật lộn với guồng quay cơm áo gạo tiền khi mà hành trang của tôi chẳng có gì cả, ngoài những giấc mơ. Nhưng riết rồi cũng quen, tôi cố gắng học hành, tham gia những buổi đi chơi nhạt nhẽo với bạn bè, thảng hoặc kiếm được tiền từ việc viết vài câu chuyện hay dạy kèm cho những đứa nhóc. Hành lang vắng làm bạn với tôi từ đó đến khi kẻ lạ mặt chơi ghi-ta ấy xuất hiện. Và may mắn thay, đó không phải lần duy nhất. Một buổi chiều vắng vẻ, tôi thôi nghiện bài Creep và chuyển sang nghe Last flowers . Tôi gối đầu lên quyển tập chép ý tưởng trên bàn, để mặc tóc xõa rũ rượi như con zombie (chắc vậy), thỉnh thoảng còn lẩm nhẩm hát. Lúc ngẩng lên, định ra về thì phát hiện từ lúc nào ở bên cạnh, sát lan can có một người đứng đó tự bao giờ, cười với tôi thay cho lời chào. Vẫn tự nhiên như hôm nọ. - Em có vẻ thích ngồi đây nhỉ? Tôi cào cào lại mái tóc ngắn đã sớm rối vì gió trời, cười ngớ ngẩn. Tự hỏi tại sao người có vẻ năng nổ, quan hệ rộng như anh ta lại chưa quên một đứa mờ nhạt là tôi. - Hì hì, tại cảnh đẹp mà. - Công nhận. Nhưng mà gió mạnh ghê, cứ như bão sắp ập tới nơi! Em không sợ trúng gió à? – Anh ta nhăn mặt, giả bộ rùng mình trông khá buồn cười, đoạn hất mặt về phía dãy phòng học cách chỗ tôi một đoạn, đang sáng đèn – Câu lạc bộ bọn anh đang sinh hoạt, vào cho vui không? Tôi nghĩ là mình sẽ từ chối, nhưng giây phút cuối lại lẩm bẩm hỏi: - Người ngoài cũng được vào ạ? - Dào, người ngoài gì chứ, em là khách của anh. – Nụ cười của anh ta có chút tinh quái khi nói tiếp – Hoặc là fan của anh nếu em muốn. Lại một lần nữa, sự tự nhiên đến thân thiết của thằng cha này lại thuyết phục được tôi một cách dễ dàng. Tôi vừa đeo cái túi đựng sách vở vừa đoán, dễ gã ta học Marketing hay Ngân hàng lắm. Giỏi lôi kéo thế kia mà. Nhưng tôi đoán trật lất, anh là dân Tài chính, cùng ngành với tôi. Lúc ngồi tán gẫu với nhau ở dãy bàn cuối cùng, anh bảo vậy. - Hóa ra anh lớn hơn em thật. Lúc đầu em cứ tưởng anh là dân năm nhất. Anh nghe tôi nói thì làm mặt tự đắc, cười như kiểu sung sướng lắm. - Ha ha, hóa ra mặt mình còn ngây thơ chán! Sau này phải tích cực đi lừa tình mới được. Mấy người bạn của anh nghe vậy phá ra cười. Một chị tóc dài, đeo kính đang chép danh sách thành viên mới ngon lành cũng phải quay sang nói đểu: - Tội nghiệp thằng bé, nó bị "ảo tưởng sức mạnh" mãn tính. - Cháu nó bị thế bao lâu rồi? Sao không mang đi chích thuốc hả thím? – Anh chàng trưởng câu lạc bộ chêm vào. - Dạ em có dắt cháu đi viện chứ bác. Khổ nỗi bệnh nặng quá bác sĩ bó tay. – Chị kia cầm khăn chấm chấm nước mắt. Rồi họ lăn ra cười. Đám còn lại cũng nham nhở không kém. Năm hai rồi mà vẫn nhí nhảnh vậy sao, vui thật đấy. Trước đây tôi toàn gặp những đứa chuyên làm mặt nghiêm túc. Những trò đùa quá trớn thường bị dị nghị. Anh không thèm chấp trò giỡn mặt của hai đứa bạn, chỉ cho tôi thấy trong đám sinh viên ngồi trong căn phòng này, trừ bọn trong ban chủ nhiệm và gắn bó lâu năm với câu lạc bộ thì còn lại chỉ có vài mống biết chơi ghi-ta nhưng không giỏi gì, đa phần đàn được vài bài dễ, còn lại thì mù tịt, đến đây góp vui là chính. Tôi phát hiện ra mình không phải là đứa duy nhất ngu ngơ về ghi-ta, bỗng dưng thấy người bên cạnh thật gần gũi. Thế là cuộc nói chuyện trở nên vui vẻ hơn rất nhiều, tôi kể cho anh ta nghe chuyện mình cuồng Radiohead như thế nào. Anh thì bảo thể loại nhạc gì anh cũng thích tuốt, từ pop, R&B, country đến hip hop, rock.. thậm chí cả nhạc xưa kiểu Chế Linh. Anh bảo: - Ban đầu, anh rất ghét thằng cha Eminem rap vì nghe cứ như chửi nhau, nhưng sau này, khi đã hiểu về thể loại ấy chút chút thì nghe hay hay, riết rồi nghiện luôn. Rồi anh chợt phát hiện ra trước đây mình ghét nó chỉ vì không hiểu nó. "Trẻ trâu" nhỉ? Tôi gật đầu lia lịa. Và bỗng nhớ đến câu nói nổi tiếng của John Lennon: "Don 't hate what you don' t understand" (Đừng ghét những gì bạn không hiểu). Thế rồi một điều gì đó dâng lên trong lòng làm tôi thấy ấm áp. Như là tìm được một nơi để đến khi buồn. *** Sau dạo đó, tôi đăng kí làm thành viên hậu cần của câu lạc bộ ghi-ta, thường xuyên đi tập đàn và tham gia hoạt động tình nguyện với nhóm, làm quen được khá nhiều bạn. Những câu chuyện giữa gã chơi ghi-ta siêu hay ấy và tôi dần vượt ra khỏi vấn đề âm nhạc. Thay vào đó, chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất và ngày càng thân thiết. Anh chơi trong một ban nhạc, được mời biểu diễn ở quán cà phê và bar hẳn hoi. Nhóm gồm nhiều thành viên nhưng gắn bó nhất là năm người bạn thân, có dịp lại rủ nhau xách ba lô rong ruổi khắp nơi. Về sau, những chuyến đi có thêm một con bé năm nhất khù khờ là tôi. Sở hữu sẵn đầu óc hạn hẹp, tôi nhanh chóng bị lôi cuốn bởi sự hiểu biết rộng trong nhiều lĩnh vực của anh và đám bạn, đi cùng và nói chuyện với họ, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa thế giới. Và những ý tưởng trong câu chuyện mà tôi viết lại trở nên phong phú, nhiều màu sắc lạ thường, hơn cả hồi xưa, lúc tôi còn là đứa học trò nhiều lý tưởng, đam mê. Có lẽ, đi nhiều, tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài là cách tốt nhất để đầu óc được mở rộng. Tôi thích nhất là ngồi trong quán cà phê Bloom, vừa uống frappuccino vừa ngắm nhìn anh chơi đàn trên sân khấu, cùng với ban nhạc của mình, dưới ánh đèn mờ mờ ảo ảo. Họ chơi ngẫu hứng và khá quái đản, hát đủ thể loại, đổi tông vui sang buồn, già sang trẻ, dẫn dắt (đúng hơn là "đẩy" ) người nghe qua những cảm xúc trái chiều nhau. Khán giả còn đang mải phiêu trong khoảnh khắc mật ngọt của một cặp tình nhân ngồi trên biển ngắm mặt trời mọc thì một đoạn bass buồn đến não ruột cất lên như bị lạc tông, mở đầu cho một bài hát về cái chết, về ngày hoang tàn của thế giới, sự bỏ đi của bạn bè.. Mọi dư vị từ ca khúc trước đó nổ cái bụp như một quả bong bóng bơm quá căng, từng mảnh rơi lả tả lả tả. Một lần ngồi tán dóc trong Bloom, tôi đã nói với anh cái suy nghĩ đó của mình. Anh khen tôi thật khéo liên tưởng, rồi bỗng nhiên hỏi: - Này, tại sao em thích ngồi ở cái hành lang trường thế? - Em có nói với anh rồi mà. Tại cảnh đẹp. - Tới nỗi ngày nào cũng ra ngắm? - Anh muốn biết thật hả? - Chán con bé này quá, không thật thì anh hỏi làm gì? Tôi im lặng một lúc, nhìn vẻ mặt kiên nhẫn chờ đợi của anh, chẳng khác nào trẻ con đợi nghe chuyện. Để lấy bình tĩnh, tôi uống chút frappu, và rồi, không thể tin được là sau đó, tôi bắt đầu kể chuyện của mình cho anh nghe thật. Kể rành rọt, trút lụt hết cả. Từ niềm đam mê xây dựng những giấc mơ đến chuyện lần đầu tiên được in sách tôi đã vui ra sao, chuyện tôi đã học hành như một đứa điên để phấn đấu vào đại học như thế nào và rồi ngơ ngác nhận ra mình đang đứng giữa một đại lộ rộng thênh thang, không có ai bên cạnh, chẳng biết phải đi hướng nào. Về sự khủng hoảng khi buộc phải trưởng thành mà chưa muốn lớn, tiếc nuối thời áo trắng ngây thơ; những lần chán nản, mệt mỏi với cuộc sống đến nỗi chỉ có thể nằm nghe nhạc và nước mắt chảy dài. Về nỗi đau khi bạn bè thân thiết thay đổi, bỏ lại tôi phía sau và lớn lên trước. Tôi nói nhiều đến nỗi không biết có phải người ta cho quá nhiều cà phê vào đồ uống nên tôi bị say không (thật đấy, tôi từng bị say vì cà phê rồi). Trước giờ, ngoài những người bạn online cùng là dreamer, tôi chưa bao giờ chia sẻ với ai nỗi sợ vào đời của mình. Ngay cả đứa bạn thân nhất, ngay cả bố mẹ. Tôi không muốn làm những người tôi yêu quý phải lo lắng, và nhất là không tin người ngoài cuộc có thể hiểu. Với họ, chuyện mơ mộng thật vớ vẩn, điên rồ. Anh ngồi chăm chú nghe tôi nói, vẫn tỏ ra thoải mái, điều này làm tôi cảm động khủng khiếp. Trong đời chẳng mấy ai tập trung lắng nghe tôi lảm nhảm những thứ điên rồ, chán nản như vậy. Hoặc giả, có nghe thì cũng phải cố gắng lắm. Rồi khi tôi đã "thuyết giảng" xong, anh im lặng chừng hai giây, nhìn thẳng tôi, vẻ mặt vẫn điềm tĩnh. Đoạn, anh nói đơn giản: - Em làm anh nhớ phim The dreamers quá. Tôi biết bộ phim đó. Phim nói về ba người trẻ mơ mộng trong thế giới của họ, luôn yêu thích phim ảnh các thứ, đặt ra những thử thách và vượt qua nó. Tuy cuối cùng, họ vẫn phải đối mặt với thực tế cuộc sống và chết mòn vì nó, nhưng những điều họ trải qua dưới con mắt dreamer làm tôi ngưỡng mộ. Nhất là khi ba người bọn họ nắm tay nhau chạy vèo vèo, băng qua viện bảo tàng Louvre và phá vỡ kỷ lục của một bộ ba khác trong Bande à part (phim của Jean-Luc Godard). Quá ngầu. Ước gì ngoài đời cũng có ai đó cùng tôi chạy như thế. Tôi nói với anh là đã xem bộ phim đó rồi. - Thế thì đáng ra em phải hiểu chứ nhỉ? Mắt anh thoáng chút nghi ngờ, rồi nhanh chóng bình thản trở lại: - Mơ mộng là một điều tốt, nhưng chìm đắm trong nó và không chịu đối diện với thực tại thì sẽ tự giết chết chính mình đấy. Mơ mộng ít thôi, phải dành sức để còn ăn nhậu, lừa tình và sau này ra trường thất nghiệp đi bán vé số, đạp xích lô, đánh giày cho người ta nữa chứ. – Anh pha trò mà mặt vẫn làm ra vẻ nghiêm túc. – Còn chuyện chán nản môi trường đại học ấy, em đi hỏi hết bọn trong cái trường của chúng ta xem, có đứa nào không cảm thấy chán học, không cảm thấy hoang mang về tương lai. Thật ra thì con người ai cũng phải trải qua khủng hoảng như em, chỉ là cố gắng che đậy, cố gắng lạnh lùng, cố vượt qua nó mà sống tiếp thôi. Tôi ngơ ngác. Tự dưng cảm thấy đầu óc trống rỗng, như là mọi triết lý sống lâu nay trong tôi đều vụn vỡ. Giống như vừa tỉnh lại từ một cơn bệnh hoang tưởng. Không biết nói gì cả, tôi lẩm bẩm hỏi lại: - Anh mà cũng vậy hả? - Chẹp, nhìn anh lúc nào cũng vui vẻ, đẹp trai, chuẩn men, tự tin hút gái thế này thôi chứ nuốt nước mắt vào tim mà sống đấy cô em ạ. Con người cả mà. Tôi không nhịn được bật cười. Hóa ra cái chị hôm nọ nói đúng, anh bị "ảo tưởng sức mạnh" nặng đến hết đỡ được. Nhưng mà, không hiểu sao những câu đùa ấy có sức mạnh vô hình, nhấc khỏi vai tôi một khối đá nặng ngàn cân. Hoặc là, ngay từ đầu vốn chẳng có khối đá nào cả. Hoặc nếu mà nó có thật, thì không chỉ một mình tôi phải gánh nó. Vì để sống, con người không ai là không mang trên mình những áp lực, những gánh nặng. Tại sao đến giờ tôi mới dám tin điều đó? - Nhưng mà theo anh thấy thì.. - Anh lại cất tiếng, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, giọng dịu dàng như hòa tan vào gió đêm yên bình – Em vẫn kiểm soát được mình đấy thôi, giữa mơ mộng và cuộc sống. Chỉ cần mở lòng hơn một chút. Em xem, nhìn mặt em nhiều khi lạnh lùng đáng sợ kinh khủng, cái đó giang hồ gọi là "nguy hiểm" đấy biết không? - Ồ thế hả, thế anh có muốn biết những kẻ "nguy hiểm" sẽ xử lý mấy người lắm lời như thế nào không? Tôi xắn xắn tay áo, hùng hồn nói và chúng tôi cùng cười vang. *** Hôm sau, tôi quay lại góc hành lang vắng của mình. Ngồi lặng thinh. Những chiếc lá vàng nhỏ xíu xiu gió đưa vào từ bên ngoài, rải lên mặt bàn, lên khoảng mặt sàn gạch sáng màu dưới chân tôi. Gió cuối thu ùa đến từng đợt mang theo hơi lạnh ẩm rít vờn lên da thịt. Tóc tôi đã buộc lên gọn gàng nên không còn bay tung tóe như hồi mới đến. Những sợi tóc con cọ vào gáy nghe buồn buồn. Chiếc áo len ủ ấp tôi trong hơi ấm nhưng hai bàn tay thì lạnh ngắt. Tôi áp chúng lên má, rồi lôi ra từ trong cặp cuốn vở dày cộm, khá cũ vì thời gian, bên trong là những câu chuyện vụn vặt, hoàn chỉnh có, lưng chừng có, hường phấn sến sẩm có và kinh dị, giật gân cũng có. Giấy cũ không còn thơm nhưng tôi cảm thấy mùi của nó hay hay, như là mùi của năm tháng. Năm tháng trôi qua, mọi thứ đều thay đổi. Đã đến lúc viết những câu chuyện sang một cuốn tập mới rồi. Tôi mỉm cười đứng dậy, rời khỏi góc nhỏ thân thương ấy, bước thật nhanh lên cầu thang tầng ba và hòa vào đám sinh viên đang đi lên lớp. Tiếng chuông báo giờ vào học vang lên những tràng dài, lảnh lót, vui tai. HẾT