20 cặp từ dễ bị nhầm lẫn trong viết truyện, viết văn

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Thiên Thanh 188, 17 Tháng mười hai 2020.

  1. Thiên Thanh 188

    Bài viết:
    252
    1. "Vãng cảnh" hay "Vãn cảnh"

    Đây là từ gốc Hán. Vãng: Đi đến; Cảnh: Phong cảnh. Vãng cảnh: Đi đến ngắm cảnh. Ví dụ: Vãng cảnh chùa; Vãng lai (qua lại)..

    "Vãn" nghĩa là chiều tối - nghĩa này không liên quan.

    Như vậy Vãng cảnh là đúng.

    2. "Vô hình trung" hay "vô hình chung"? "Vô hình dung"?

    Vô hình: Không có hình dáng, không cảm nhận được bằng các giác quan.

    - Trung: Ở giữa, ở trung tâm, cốt lõi.

    - Vô hình trung: Bản chất vấn đề rõ ràng đến sờ sờ như thế mà không nhìn thấy, không nhận ra được.

    Trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1988, giảng "Vô hình trung" là: "Tuy không có chủ đích, không cố ý, nhưng tự nhiên lại tạo ra, gây ra việc nói đến".

    Như vậy, "Vô hình chung" hay "Vô hình dung" đều là cách viết sai.

    3. "Khoái chá" hay "Khoái trá"?

    "Khoái chá" : Danh từ gốc Hán.

    Khoái: Thịt cắt ra thành từng miếng nhỏ; Chá: Nướng.

    Khoái chá: Miếng thịt nướng, chả nướng - một món ăn ngon nhiều người ưa thích. Khi chuyển thành tính từ có nghĩa là sung sướng, thỏa mãn (như khi được ăn món ngon).

    Như vậy, viết "Khoái trá" là sai (trá: Lừa dối - không liên quan đến nghĩa trên).

    4. "Tiên tiến" và "Tiền tiến"

    Cả 2 từ này đều có yếu tố "tiến", nghĩa là "tiến lên". "Tiên" và "tiền" đều có nghĩa là "phía trước". Tuy nhiên, điểm khác nhau của 2 từ này là: Tiên tiến: Tiến lên phía trước; Tiền tiến: Dẫn đầu.

    5. "Xán lạn" hay "sáng lạng"? "Sán lạn"?

    "Xán lạn" : Tính từ, gốc tiếng Hán. Xán: Rực rỡ. Lạn: Sáng sủa. Xán lạn: Sáng sủa, tươi đẹp. (Ví dụ: Tương lai xán lạn).

    Như vậy, "sáng lạng" hay "sán lạn" đều là cách viết sai.

    6. "Xuất" và "Suất"

    Xuất (động từ) : Ra (trái nghĩa với "nhập" là vào). Ví dụ: Xuất bản; xuất khẩu; xuất hành; xuất phát..

    Suất (danh từ) : Một phần được chia. Ví dụ: Suất ăn, suất quà..

    7. "Giấu" và "Dấu"

    Giấu (động từ) : Để vào nơi kín đáo nhằm làm cho người ta không thấy được, không tìm ra được. Ví dụ: Cất giấu; giấu giếm.

    Dấu (tính từ/động từ) : Từ cổ, nghĩa là "yêu". Theo thói quen sử dụng, người Việt hay nói: Yêu dấu, nghĩa là rất yêu quý.

    Dấu (danh từ) : Cái còn lưu lại của sự vật, sự việc đã qua, qua đó có thể nhận ra sự vật, sự việc ấy. Ví dụ: Dấu vân tay.

    8. "Lãng mạn" hay "Lãng mạng"?

    Lãng mạn: Từ gốc Hán (Lãng: Bát ngát. Mạn: Dài rộng, mênh mang).

    Lãng mạn, hiểu theo nghĩa chuyển: Lý tưởng hóa hiện thực, vượt lên trên hiện thực.

    Như vậy, viết "Lãng mạng" là sai.

    9. "Yếu điểm" và "Điểm yếu"

    Yếu điểm (danh từ) : Từ gốc Hán (Yếu: Quan trọng; Điểm: Chỗ, vị trí). Yếu điểm: Chỗ quan trọng. (Yếu nhân: Người quan trọng).

    Điểm yếu (từ thuần Việt) : Điểm chưa mạnh (nhược điểm). "Yếu" ở đây chỉ mức độ kém.

    10. "Tham quan" hay "Thăm quan"?

    Tham quan (động từ) : Từ gốc Hán (Tham: Thêm vào; Quan: Nhìn nhận, quan sát). Tham quan: Xem tận mắt để mở rộng hiểu biết, thêm kinh nghiệm sống. Ví dụ: Tham quan du lịch. Từ này đồng âm khác nghĩa với "tham quan" (danh từ) chỉ viên quan tham lam.

    Như vậy, viết "thăm quan" là sai.

    11. "Phiêu lưu" hay "phưu lưu"?

    Phiêu lưu (tính từ/động từ) : Từ gốc Hán (Phiêu: Trôi nổi, bồng bềnh; Lưu: Chảy, trôi).

    Phiêu lưu (động từ) : Sống nay đây mai đó, tìm đến những nơi xa lạ. Ví dụ: Dế Mèn phiêu lưu ký (tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi).

    Phiêu lưu (tính từ) : Có tính chất liều lĩnh, vội vàng, không tính toán kỹ trước khi làm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Kế hoạch của anh thật phiêu lưu mạo hiểm.

    Như vậy, viết "phưu lưu" là sai.

    12. "Tựu trung" hay "Tựu chung".

    Tựu: Đi tới. Ví như: Tựu trường (bắt đầu tới trường hay đi tới trường sau kì nghỉ), tề tựu..

    - Trung: Ở giữa.

    Như vậy Tựu trung mới là đúng.

    13. "Se duyên" hay "xe duyên"

    Một số ví dụ "xe chỉ luồn kim", "dã tràng xe cát", "se sắt", "se lại"..

    - Xe (động từ) : Làm cho các vật nhỏ lại, thu gọn lại

    - Se (động từ) : Trạng thái tự co lại, thu giảm kích thước do mất nước, mất ẩm..

    Như vậy "xe duyên" mới đúng, làm duyên nhau thắm lại, gần lại. Còn "xe" trong "xe cộ" là danh từ

    14. "Vắt tréo chân" hay "vắt chéo chân"

    Tréo :(chân, tay) ở tư thế cái nọ gác cái kia, thành hình những đường xiên cắt nhau (Từ điển tiếng Việt 2009, Nxb Đà nẵng, tr. 1278)

    Cái nét nghĩa gốc "vắt lên nhau, xiên xẹo, không thẳng thớm" cũng có trong các từ "tréo giò", "tréo khoeo (kheo)", "tréo ngoe"..

    15. "Sum suê" hay "xum xuê", "xum suê"

    Sum: Tụ lại, họp lại.

    Sum suê: Lá cây rậm rạp, tốt tươi, chụm lại dày dặn.

    16. "Giành lại" hay "dành lại"

    Tùy vào văn cảnh.

    Giành (động từ) : Cố dùng sức lực để đạt được, để lấy về được cho mình, không để bị chiếm mất hoặc tiếp tục chiếm mất. Ví dụ: Giành được độc lập hay giành phần nói trước.

    Dành (động từ) : Giữ lại để sau này dùng. Ví dụ: Của để dành.

    17. "Sáp nhập" hay "sát nhập"

    "Sáp" : Cắm vào, cài vào.

    "Sát" : Đứng cạnh tới mức không còn khoảng cách.

    "Sáp nhập" (động từ) : Nhập vào với nhau làm một. Như vậy dùng "sáp nhập" mới đúng.

    18. "Nhậm chức" hay "Nhận chức"

    "Nhậm" (từ gốc Hán Việt) : Gánh vác công vụ, nhiệm vụ.

    "Nhận" : Tiếp đón, chịu lấy, lĩnh lấy.

    "Chức" : Chức trách, việc quan, bổn phận.

    Như vậy "Nhậm chức" là giữ chức vụ, gánh vác, đảm đương chức vụ do cấp trên giao cho, hiểu đơn giản, cấp trên bổ nhiệm, cấp dưới nhậm chức. Còn "Nhận chức" chỉ là nhận chức vụ, không diễn tả được trách nhiệm với chức vụ đó.

    19. "Giả thuyết" hay "Giả thiết"

    "Giả thuyết" : Giải thích một sự vật, hiện tượng nào đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, kiểm chứng.

    "Giả thiết" : Trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa là: Điều coi như là có thật, nêu ra làm căn cứ để phân tích, suy luận, giả định. Bởi vậy, hai từ "giả thiết" và "giả thuyết" đều đúng, nhưng vận dụng tùy ngữ cảnh.

    20. "Chẩn đoán" hay "Chuẩn đoán"

    "Chẩn" : Xác định, phân biệt dựa theo những triệu chứng, dấu hiệu có sẵn.

    "Đoán" : Dựa vào cái có sẵn, đã thấy, đã biết để tìm cách suy ra điều chưa rõ hoặc chưa xảy ra.

    "Chẩn đoán" : Xác định bệnh, dựa theo triệu chứng và kết quả xét nghiệm (theo Từ điển Tiếng Việt). VD: Chẩn đoán bệnh có đúng thì điều trị mới có hiệu quả.

    "Chuẩn" : Cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, hướng theo đó mà làm đúng; hay là cái được công nhận là đúng theo quy định hoặc theo thói quen trong xã hội.

    Vì vậy "chẩn đoán" mới là từ đúng.

    Trên đây là một số tổng hợp của mình, bạn nào phát hiện thêm các cặp từ khác thì bổ sung thêm cho phong phú đa dạng nhé.
     
    Last edited by a moderator: 17 Tháng mười hai 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...